Phác đồ nào trị 'bệnh' ùn tắc tại nút giao Ngã Tư Sở-Trường Chinh?

Tác giả: Hiểu Lam

saosaosaosaosao
12/11/2020 06:10

Sau 3 ngày đưa vào khai thác đoạn đường Vành đai 2 trên cao ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng ùn tắc giao thông vẫn diễn ra phức tạp nhất là vào giờ cao điểm.


PhotoEditorPro_1605100066479
Trái ngược với lượng ô tô ít ỏi di chuyển trên tuyến đường trên cao, tại nút giao Ngã Tư Sở - Trường Chinh – Láng diễn ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng - Ảnh: Hiểu Lam

Từ ngày 9/11, đường Vành đai 2 trên cao (đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở và ngược lại) chính thức thông xe nhưng chỉ cho phép ô tô di chuyển. Xe gắn máy, xe thô sơ và người đi bộ không được phép lưu thông trên tuyến đường này.

Theo ghi nhận của Tạp chí GTVT, trong các khung giờ cao điểm buổi sáng và chiều ngày 11/11, tại tuyến đường Vành đai 2 trên cao nhiều ô tô đã di chuyển lên tuyến đường trên cao để tránh tình trạng ùn tắc nhưng số lượng vẫn còn ít.

Trái ngược với lượng ô tô ít ỏi di chuyển trên tuyến đường trên cao, tại nút giao Ngã Tư Sở - Trường Chinh – Láng diễn ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng. Các xe lưu thông tại nút giao thông này hầu hết đều phải chờ khoảng 3-5 nhịp đèn đỏ (mỗi đèn đỏ hơn 100 giây) mới có thể vượt qua được “nút thắt”.

Nhiều người dân vội vã, không chịu được cảnh di chuyển chậm rãi dưới lòng đường đã cho xe đi lên vỉa hè khiến tình hình giao thông càng trở nên hỗn loạn, đặc biệt ở các khung giờ cao điểm. 

Ngay sau khi thông xe đường Vành đai 2 trên cao, Sở GTVT Hà Nội tổ chức thí điểm cấm các phương tiện trên đường Tây Sơn (dưới thấp) rẽ trái và đi thẳng qua nút giao.

Các phương tiện lưu thông theo hướng từ Tây Sơn rẽ phải liên tục ra đường Láng và quay đầu tại điểm mở dải phân cách trên đường Láng để đi thẳng ra Trường Chinh hoặc rẽ phải liên tục ra Nguyễn Trãi.

Đồng thời, điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu phục vụ pha đèn hướng Tây Sơn rẽ trái đi thẳng (21 giây đèn xanh) điều tiết cho 3 hướng giao thông còn lại.

20201111_164211
Một số ý kiến cho rằng vấn đề nằm ở hệ thống đèn tín hiệu và phân luồng chưa hợp lý, dẫn tới việc tắc đường trở nên nghiêm trọng hơn - Ảnh: Hiểu Lam

Theo nhận định của các chuyên gia, việc cho phép phương tiện lưu thông ở đường trên cao và phân luồng giao thông theo hướng mới chưa phát huy hiệu quả, thậm chí còn khiến tình trạng ùn tắc xảy ra nghiêm trọng hơn vào giờ cao điểm.

Trước những băn khoăn này, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, ngay khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ dư luận về việc sau khi đường Vành đai 2 trên cao đưa vào khai thác khiến nút giao thông ùn tắc, Sở đã có buổi làm việc, thống nhất với Công an TP và các cơ quan liên quan để có giải pháp.

Trước mắt, Sở sẽ tiếp tục thông tin rộng rãi phương án tổ chức giao thông sau khi đường Vành đai 2 trên cao, đoạn tuyến qua đường Trường Chinh đưa vào khai thác để người dân nắm bắt được mỗi khi lưu thông qua khu vực này. Đồng thời phối hợp với Công an TP theo dõi sát lưu lượng thực tế tại các nút giao nhằm đảm bảo tốt các nhịp đèn tín hiệu giao thông cho phù hợp với trạng thái giao thông các hướng.

Trong đó, chú trọng phương án phân luồng từ xa kết hợp với lực lượng giải quyết giao thông tại chỗ.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá ưu, nhược điểm của phương án tổ chức giao thông hiện nay để có phương án điều chỉnh hợp lý, phát huy tối đa hiệu quả trong điều kiện hạ tầng giao thông hiện có”, ông Viện nói.

Ở một góc nhìn khác, ông Thân Văn Thanh, nguyên Chánh Văn phòng Ban ATGT Quốc gia hiến kế: "Ngoài việc tổ chức lại tín hiệu đèn, các cơ quan chức năng cần tăng cường lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, thậm chí huy động cả lực lượng công an phường, quận để giải tỏa các điểm ùn tắc khi lưu lượng phương tiện tăng cao".

20201111_170640
Việc các xe khách cỡ lớn vi phạm lỗi dừng đỗ, đón trả khách tái phép ngay tại lối dẫn lên đường Vành đai 2 hướng đi Ngã Tư Vọng cũng là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông - Ảnh: Hiểu Lam

"Song song với đó, các cơ quan tổ chức giao thông cần nghiên cứu, lắp đặt hệ thống loa phát thanh tại các cột đèn tín hiệu giao thông hoặc các nút giao thông trọng điểm để tuyên truyền cho người dân hiểu và chấp hành tốt các quy định, quy tắc ứng xử khi tham gia giao thông, tuân thủ nghiêm ngặt hiệu lệnh của người điều khiển giao thông", ông Thanh nhấn mạnh.

Trước đó, tiến sĩ Phan Lê Bình, chuyên gia của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), từng đưa ra nhận định, khi tuyến Vành đai 2 trên cao thông xe, sẽ có 2 lối lên xuống nằm cách nút giao Ngã Tư Sở khoảng 100m. "Áp lực phương tiện lúc đó sẽ dồn về nút giao Ngã Tư Sở. Điều này đòi hỏi cơ quan chức năng cần tính tới các giải pháp tổ chức giao thông và hoàn thiện hạ tầng để tránh biến đây thành một điểm nghẽn", ông Bình nói.

Điều chỉnh đèn tín hiệu nếu có bất cập

Liên quan đến việc điều chỉnh thời lượng đèn tín hiệu, giảm ùn tắc tại nút giao Ngã Tư Sở thời điểm hiện tại, ông Vũ Hà – Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, một chu kỳ ở Ngã Tư Sở khoảng 160 - 165 giây phân bổ cho 8 hướng. Khi hướng Tây Sơn - Nguyễn Trãi Trãi được đóng để tổ chức giao thông sau khi đưa đoạn tuyến Vành đai 2 (Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở) vào khai thác, thời lượng đèn sẽ dư 21 giây xanh. Khoảng dư này sẽ được phân bổ cho các hướng còn lại để lưu thông dễ hơn.

“Trong 10 ngày tới, Sở GTVT Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với liên ngành theo dõi, điều chỉnh công tác tổ chức đèn tín hiệu nếu có bất cập”, ông Hà khẳng định.

Cũng theo ông Vũ Hà, để phục vụ công tác phân luồng giao thông tại nút giao Ngã Tư Sở thuận lợi, cơ quan chức năng đã bổ sung biển báo cấm dừng, đỗ để lực lượng chức năng có cơ sở xử lý phương tiện vi phạm trong phạm vi nút; Mở các điểm quay đầu,…

Ý kiến của bạn

Bình luận