Phải đổi mới tư duy, cách làm dự án giao thông trọng điểm

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Đầu tư - Hạ tầng 27/09/2022 10:08

Bộ GTVT quán triệt quan điểm chỉ đạo nhất quán là phải đổi mới tư duy, phương thức, cách làm, làm việc nào dứt điểm việc đó.

Hạ tầng giao thông phát triển tích cực trong 9 tháng đầu năm 2022 - Ảnh 1.

Cuộc họp giao ban tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác 9 tháng đầu năm của Bộ GVT

Tuyệt đối không để xảy ra sai phạm, tiêu cực

Sáng nay (27/9), Bộ GTVT tổ chức cuộc họp giao ban trực tuyến về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác 9 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm trong 3 tháng cuối năm 2022. Tại cuộc họp, công tác đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một nội dung đáng chú ý.

Theo ông Nguyễn Trí Đức - Chánh văn phòng Bộ GTVT, về công tác điều hành, điều hòa, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 và công tác quyết toán dự án hoàn thành, hiện Bộ GTVT đã phân bổ chi tiết toàn bộ hơn 50,3 nghìn tỷ đồng kế hoạch đầu tư công vốn NSNN qua 6 đợt giao và điều chỉnh kế hoạch từ các dự án có kết quả giải ngân thấp cho các dự án có tiến độ thực hiện, giải ngân tốt, các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư khoảng 4.869 tỷ đồng.

Dự kiến đến hết tháng 9/2022, Bộ GTVT giải ngân khoảng 27.027 tỷ đồng, đạt 53,7% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Các cơ quan thuộc Bộ GTVT đã thẩm tra, phê duyệt quyết toán 60 dự án, hạng mục công trình với giá trị duyệt 35.390 tỷ đồng.

Về tình hình triển khai các công trình, dự án trọng điểm, Bộ GTVT quán triệt quan điểm chỉ đạo nhất quán là phải đổi mới tư duy, phương thức, cách làm, làm việc nào dứt điểm việc đó, bám sát các quy định pháp luật, tuyệt đối không để xảy ra sai phạm, tiêu cực.

Đặc biệt, lãnh đạo Bộ GTVT thường xuyên tổ chức họp giao ban xây dựng cơ bản; tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc trực tiếp tại công trường; kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu các chủ đầu tư, ban QLDA chậm tiến độ; yêu cầu thay thế, bố trí cán bộ có năng lực, kinh nghiệm để chỉ đạo, điều hành, giải quyết kịp thời các vướng mắc.

Trong 9 tháng, một số kết quả nổi bật của Bộ GTVT như: Trình và được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư 3 dự án quan trọng quốc gia; phê duyệt đầu tư 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông; trình và được Chính phủ ban hành Nghị quyết 119 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022 về triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025;…

Điểm nhấn nổi bật trong thời gian gần đây, Bộ GTVT vừa qua đã tổ chức Lễ phát động 120 ngày đêm thông xe kỹ thuật 4 dự án thành phần cao tốc trong năm 2022; đã triển khai thi công 11 dự án mới và hoàn thành 8 dự án.

Hạ tầng giao thông phát triển tích cực trong 9 tháng đầu năm 2022 - Ảnh 2.

Hạng mục đầu tư xây dựng hầm Thung Thi thuộc gói thầu 12-XL dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45

Cuối năm 2022, khởi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2

Ông Nguyễn Trí Đức cho biết thêm, trong 3 tháng cuối năm, Bộ GTVT sẽ tập trung hoàn thành thiết kế kỹ thuật, dự toán và các hồ sơ, thủ tục liên quan để khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 vào cuối năm 2022.

Bộ GTVT cũng nỗ lực giải quyết khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác GPMB, nguồn cung vật liệu, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1, các dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2022;…

"Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch thi đua 120 ngày đêm thông xe kỹ thuật 4 dự án thành phần cao tốc: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây trong năm 2022. Kiên quyết điều chuyển vốn những dự án có kết quả giải ngân chậm sang những dự án có tốc độ giải ngân nhanh nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu giải ngân của Bộ GTVT", ông Đức nói.

Cùng với đó, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án quan trọng quốc gia vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư; hoàn thiện các thủ tục đầu tư đối với các dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C còn lại để triển khai thi công theo kế hoạch. Đồng thời tiếp thu, giải trình ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Về tình hình triển khai thu phí điện tử không dừng: Từ đầu năm đến nay, các trạm thu phí quốc lộ trên toàn quốc đủ điều kiện đã được lắp đặt và vận hành dịch vụ thu phí tự động không dừng, mỗi trạm chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp/1 chiều (tổng số 113 trạm thu phí, trong đó Bộ GTVT quản lý 69 trạm, địa phương quản lý 44 trạm).

Bộ GTVT cũng đã hoàn thành và tổ chức vận hành thu phí điện tử, tự động 100% trên các tuyến đường bộ cao tốc; đã có trên 3,8 triệu phương tiện ô tô trong cả nước (83%) dán thẻ sử dụng dịch vụ.