Phải hiểu cho đúng linh vật Việt Nam

Tác giả: Thuỳ Dương

saosaosaosaosao
Xã hội 25/11/2015 07:40

Thời gian qua, dư luận bàn nhiều về vấn đề sử dụng tràn lan hiện vật sư tử ngoại lai. Vì sao lại sử dụng như vậy? Làm thế nào để phân biệt sư tử thuần Việt và ngoại lai? Đây là những câu hỏi nóng cần được giải đáp.


2
Tượng nghê đất thời Lê Trung Hưng

Sử dụng tràn lan linh vật ngoại lai vì thiếu hiểu biết?

Theo ghi nhận của phóng viên, ở Hà Nội, trước cổng công sở, nhà hàng, khách sạn, thậm chí là cả một số đình, chùa được xếp hạng di tích lịch sử không thiếu tượng sư tử kiểu Trung Quốc, tất cả các linh vật mang nguồn gốc xa lạ này đều được bày ở mặt phố nơi đông người qua lại.

Khi được hỏi tại sao lại sử dụng sư tử đá ngoại lai đặt ở trước cửa, bà Lan, một chủ cửa hàng lụa trên phố hàng Bông cho biết: “Nhà tôi đặt sử tử ở cửa với mục đích trấn giữ, canh gác cửa hàng. Khi đi mua thì thấy cặp sư tử này to, đẹp mà nói chung ở nơi bán thì chỉ có mẫu này thôi, làm gì có nhiều mẫu mã đâu mà chọn. Còn về ngoại lai hay không thì không biết, từ trước đến giờ có được thấy sư tử đá Việt Nam đâu mà biết”!.

Ngoài ra, hiện nay, một số người dân vẫn khẳng định rằng tượng sư tử đá kiểu Trung Quốc là con nghê mà Việt Nam đã có từ lâu đời. Trong khi đó, chỉ cần tìm trên mạng là ta có thể dễ dàng thấy hình ảnh con vật mà nhiều người nhầm lẫn là nghê Việt hiện diện các nơi của Trung Quốc.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Quốc Hữu - Phó Trưởng phòng Trưng bày Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, hình tượng linh vật sư tử hay còn được gọi là con nghê có trong nghệ thuật tạo hình, trong văn hoá Việt. Việt Nam vốn không có sư tử thực trong đời sống, bởi vậy hình tượng sư tử xuất hiện trong nghệ thuật Việt Nam là do được truyền vào theo sự du nhập của Phật giáo. Hình tượng sư tử là biểu tượng văn hóa của nhiều nền văn hoá trên thế giới, tuy nhiên mỗi nước hình tượng sư tử lại có một đặc điểm, phong cách nghệ thuật khác nhau.

Theo đó, sư tử đá ngoại lai Trung Quốc có đặc điểm như đầu to, ngực nở, móng vuốt sắc, phô trương uy lực, sức mạnh. Hình tượng sư tử của Việt Nam lại mang yếu tố hoa mỹ, bờm ép sát cơ thể, đuôi mềm mại uyển chuyển. Những lich vật như sư tử, tì hiu, nghê, sấu đá của ta mang những nét hiền hòa, gần gũi và hết sức thân thiện.

“Về hiện vật sư tử ngoại lai đang được sử dụng rộng rãi hiện nay, đó là trường hợp cụ thể về con sư tử canh gác điện Thái Hòa của Bắc Kinh, nó hoàn toàn mang tính biểu tượng của nhà cầm quyền Trung Quốc ngày xưa mà dân ta cứ thế bê nguyên vào sử dụng”, ông Hữu nhấn mạnh.

Sư tử trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam là hiện vật sư tử gác cổng chùa Phật tích, hình tượng sư tử gác ở cổng lăng, trên các trụ biểu của công trình kiến trúc cổ. Phong cách nghệ thuật của Việt Nam khác hoàn toàn so với phong cách nghệ thuật của các nước. Hình tượng sư tử Việt Nam thể hiện bản sắc riêng phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, vừa mang đặc điểm, phong cách nghệ thuật đặc trưng riêng của mỗi thời kỳ lịch sử.

Nâng cao hiểu biết của người dân về linh vật Việt

Theo ông Hữu, cũng như các nước Á Đông, trong văn hóa Việt Nam, sư tử còn có tên gọi khác là Nghê (Kim Nghê, Toan Nghê). Ở Trung Quốc, sư tử được gọi là Nghê khi tạc làm bệ tượng Phật, là vật cưỡi của Văn Thù Bồ Tát, đội lư hương hoặc ngồi trên nắp đỉnh trầm, dù đều trong hình tướng sư tử.

Ở Việt Nam thì diễn biến khá phức tạp về đặc điểm hình thức và cả tên gọi. Về đặc điểm tạo hình cơ bản có hai loại: Hình sư tử (các chi tiết hình thể của sư tử) và sư tử - chó (đầu sư tử, thân chó). Trong đó, hình sư tử xuất hiện ở mọi thời đại, trên nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Hình sư tử - chó xuất hiện từ khoảng thời Lê sơ, chủ yếu trên đồ thờ cúng, trong trang trí kiến trúc hoặc trong tư cách là linh vật trấn giữ… Những linh vật trong hình sư tử - chó, dân gian thường gọi là Nghê, nhưng trong văn bản chính thống ghi chép về việc tạo tác này vẫn gọi là sư tử. Nhiều khi, hình sư tử trong trang trí kiến trúc cũng gọi là Nghê hoặc Lân.

Hình tượng sư tử sớm nhất được biết hiện nay bắt đầu từ thời Lý (thế kỷ 11 - 13), chủ yếu trong nghệ thuật Phật giáo. Theo thời gian, đặc biệt từ thời Trần - Lê sơ, khi Nho giáo phát triển, sư tử được các triều đình phong kiến chọn làm biểu trưng cho sức mạnh vương quyền thì hình tượng sư tử xuất hiện dày đặc trên nhiều loại hình nghệ thuật, vô cùng đa dạng về đặc điểm hình dáng, đồng thời tùy theo loại hình nghệ thuật và vị trí, chức năng sử dụng mà được gửi gắm những ý nghĩa biểu tượng tốt đẹp khác nhau.

Để người dân có thể hiểu và nhận thức sâu sắc hơn về sự phong phú và độc đáo của sư tử Việt Nam, trong thời gian qua, các triển lãm, chuyên đề trưng bày về sư tử, nghê thuần Việt được tổ chức ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Gần đây nhất là triển lãm “Linh vật Việt Nam” được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Đoàn - Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết thêm, linh vật không chỉ là con Lân, con Nghê mà Bảo tàng còn mong muốn giới thiệu tới công chúng rộng hơn về các loại hình linh vật và diễn biến theo thời gian của chúng.

“Qua trưng bày lần này, chúng tôi mong muốn khách tham quan sẽ có một cái nhìn khái quát về diễn biến phát triển, đặc điểm tạo hình, phong cách nghệ thuật, chức năng sử dụng cùng những ý nghĩa biểu tượng văn hóa của các linh vật Việt Nam”, ông Đoàn chia sẻ.

Ý kiến của bạn

Bình luận