Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công thương cần tái cơ cấu ngay chính bộ máy của mình - Ảnh CẤN DŨNG |
Theo tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) - ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, trước thực tế giá dầu giảm, tập đoàn này đang phải cắt giảm khoảng 1,3 tỉ USD chi phí thăm dò khai thác.
“Chi phí khai thác đầu giếng” một thùng dầu của VN, ông Sơn nêu là 15 USD/thùng, đó là chưa bao gồm thuế phí, chi phí của nhà đầu tư, chi phí quản lý, khấu hao… Nếu tính các chi phí khác như vay vốn, khấu hao… thì phải cộng thêm khoảng 10 USD/thùng nữa. PVN đã phải cắt giảm chi phí nhưng cuối năm 2015 “chi phí đầu giếng” vẫn còn 13 USD/thùng, 6 tháng đầu năm còn 12 USD/thùng.
Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn nêu việc cắt giảm chi phí sẽ ảnh hưởng đến khai thác các năm sau. “Công trình khai thác mới sẽ giảm. Sản lượng dầu thô 2016 khó duy trì mức cao như năm 2015. Năm 2017 khai thác dầu trong nước chỉ khoảng 12,4 đến 12,9 triệu tấn” - ông Sơn cảnh báo.
Chia sẻ những khó khăn của ngành công thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu Chính phủ mới chấp chính được khoảng 3 tháng, trong khi đó đất nước chưa bao giờ hạn hán như vậy, rồi nhiều sự việc như sự cố cá chết ở miền Trung, riêng Thủ tướng phải họp 17 cuộc…
Công nhận và đánh giá cao nỗ lực của ngành công thương nhưng Thủ tướng cũng chỉ rõ tồn tại, hạn chế, như tăng trưởng một số lĩnh vực của ngành công thương thấp hơn năm trước. Không có sản xuất làm sao giải quyết việc làm? Thủ tướng hỏi và hỏi đích danh tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may: không hiểu sao dệt may thị trường mở rộng như thế mà tăng trưởng lại giảm?
Thủ tướng cũng thẳng thắn nêu những vấn đề trong ngành công thương như một số chuỗi bán lẻ lớn bị nước ngoài chi phối, quản lý bán hàng đa cấp, phân bón giả chưa chặt chẽ gây bức xúc xã hội… Rồi việc sắp xếp đổi mới doanh nghiệp cũng chậm, chưa hiệu quả.
Dẫn số liệu trên cả nước tiếng là cổ phần hóa gần hết nhưng thực tế nếu tính tổng vốn nhà nước đã cổ phần hóa thì mới được 7%, còn 93% chưa được cổ phần hóa. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: chỉ trừ lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ, còn lại đẩy mạnh cổ phần hóa...
Nhân nói về tái cơ cấu, Thủ tướng nói thẳng: Bộ Công thương cần tái cơ cấu ngay tại cơ quan bộ. Dẫn số liệu cho thấy Bộ Công thương có 30 vụ, 10 trường đại học, 22 trường cao đẳng…
Thủ tướng đề nghị bộ cần nghiên cứu tái cơ cấu ngay bộ máy của mình. Chỉ tên từng thứ trưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các thứ trưởng phải tái cơ cấu ngay bộ phận mình phụ trách. “Bộ máy cồng kềnh đi vào đi ra nhiều quá không hiệu quả, phải tái cơ cấu lại” - Thủ tướng nói và lo “nói mãi không chịu làm”.
Nêu thách thức lớn với ngành công thương như thể chế quản lý còn nửa thị trường, nửa kế hoạch hóa, thiếu mạnh mẽ, mạch lạc trong xây dựng chính sách, điều hành, đặc biệt việc chống độc quyền còn hạn chế, Thủ tướng yêu cầu phải làm tốt hơn, phải đẩy mạnh hoạt động, chống mặt trái thị trường về cạnh tranh.
Thủ tướng cũng khẳng định quan điểm khi cho rằng các chính sách của Bộ Công thương cần tạo động lực cho tư nhân tham gia. Ông định hướng khu vực tư nhân phải lớn hơn, phải là động lực, chỉ trừ một số lĩnh vực. “Loanh quanh mãi tư tưởng nhà nước, quốc doanh sẽ khó khăn” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại lời khuyên của cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu cho VN, rằng: khi con phượng hoàng cất tiếng gáy, nó sẽ át cả đàn chim sẻ. Ông Lý Quang Diệu từng nói VN đừng nên vui mừng khi thấy Singapore là nhà đầu tư lớn nhất vào VN, ở nghĩa nào đó là VN phải ra biển lớn. Cho rằng VN tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là đã chấp nhận luật chơi chung, ra biển lớn, Thủ tướng băn khoăn quy mô doanh nghiệp VN vẫn nhỏ, thậm chí nhiều nơi “li ti”.
Dẫn bài học Mexico tham gia Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ, Thủ tướng cho rằng thương mại tự do phải đi liền với cải cách và nâng cao năng lực trong nước. Ông yêu cầu Bộ Công thương phải đề xuất cơ chế, bản thân bộ cũng phải tăng cường minh bạch, tiến tới xóa bỏ xin cho, chống lợi ích nhóm, giúp mọi doanh nghiệp đi bằng đôi chân của mình…
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.