Ông Trần Quang Hoài chỉ rõ sự khác biệt giữa biển xe hộ đê giả và thật |
Về đối tượng được cấp biển “xe hộ đê”, Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng Cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay biển này chỉ được cấp cho lãnh đạo Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan T.Ư là thành viên của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai; lãnh đạo một số địa phương và lực lượng chuyên trách tham gia hộ đê, cứu đê gồm công an và quân đội. Biển được cấp dành cho xe công vụ, chứ không phải loại xe cá nhân.
Đối với các cơ quan chuyên trách về phòng chống thiên tai, biển “xe hộ đê” có thời gian được cấp sử dụng theo năm. Nhưng đối với các cơ quan bộ, ngành chỉ tham gia nhiệm vụ phòng chống thiên tai vào mùa mưa bão thì “xe hộ đê” được cấp sử dụng theo thời hạn nhất định, chỉ trong mùa mưa bão.
Ông Trần Quang Hoài cũng cho biết, ngay cả việc sử dụng biển này cũng phải tuân thủ đúng quy định, không thể tùy tiện. Biển “xe hộ đê” chỉ được phép sử dụng khi có tình huống thiên tai xảy ra, được các cơ quan nhà nước thông báo và phải có công lệnh đi kèm. Còn lại các trường hợp sử dụng trong điều kiện bình thường là sai mục đích, sai quy định.
Theo ông Trần Quang Hoài, đến nay đã xác định 7 xe biển trắng không nằm trong danh sách được cấp biển "xe hộ đê". Trong đó, có những chiếc xe hạng sang như Cadillac, Lexus… có những dấu hiệu làm giả con dấu, chữ ký. Cụ thể, 7 chiếc xe sử dụng biển “Xe hộ đê” giả mang biển kiểm soát: 30E - 558.19; 30E - 85.086; 14A - 048.67; 15A - 154.68; 15A - 326.89; 29D - 307.95; và 29U - 6069.
Ông Trần Quang Hoài cho biết, biển “xe hộ đê” các xe này sử dụng không đúng mẫu của Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Tổng Cục Phòng chống thiên tai (là đơn vị cấp biển). Mẫu chữ ký, con dấu cũng là “tự sáng tác”. Người ký cấp biển không phải là người đang thực thi công vụ.
Cụ thể, biển “xe hộ đê” giả đều có chữ ký của ông Văn Phú Chính, nguyên Cục trưởng Cục phòng chống thiên tai, đã nghỉ hưu từ năm 2017. Đặc biệt, chữ ký của ông Văn Phú Chính trên biển giả cũng không đúng với chữ ký khi ông này còn công tác. “Có nhiều dấu hiệu rất rõ làm giả mẫu biển, chữ ký, thậm chí làm giả cả con dấu của đơn vị cấp biển. Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân”, ông Hoài nói.
Mới đây, Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, đơn vi này cũng khá đau đầu với tình trạng xe đeo biển “xe hộ đê” lưu thông trên các tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác.
Cụ thể, trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, trong năm 2017, có 6.992 lượt xe, còn 9 tháng đầu năm 2018 có 3.518 lượt; tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai trong năm 2017 có 6.418 lượt, 9 tháng đầu năm 2018 có 4.350 lượt; cao tốc TP.HCM-Long Thành- Dầu Giây năm 2017 có 1.966 lượt, 9 tháng đầu năm 2018 có 1.088 lượt."
Theo ông Trần Quang Hoài, tình trạng sử dụng biển “xe hộ đê” giả hòng trốn phí đường bộ đã xuất hiện từ nhiều năm. Lường trước việc này, hàng năm, Tổng cục Phòng chống thiên tai đều có công bố rộng rãi mẫu biển và danh sách những phương tiện được cấp để tiện theo dõi và giám sát.
“Ở các tuyến đường có thu phí, nếu phát hiện trường hợp giả mạo biển “xe hộ đê” hoặc sử dụng không đúng mục đích, các trạm thu phí kiên quyết không cho xe qua, đồng thời ghi hình, chụp ảnh và phản ánh về đơn vị cấp biển để có biện pháp xử lý”, ông Hoài đề nghị./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.