Phân tích các yếu tố tác động đến năng suất các nhân tố tổng hợp Ngành Giao thông vận tải

27/12/2018 11:40

Tóm tắt: Thông qua khảo sát doanh nghiệp, bài viết phân tích các yếu tố tác động đến năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) ngành giao thông vận tải.

Từ khoá: Năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP), đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, giao thông vận tải

Abstract: This paper studiesfactors affecting to total factor productivity (TFP) ofthe transport sector.

Keywords: Total factor productivity (TFP), innovation, transportation

ThS. Nguyễn Thị Diễm Hằng

ThS. Lã Trà Linh

Viện Chiến lược và Phát triển GTVT

1. Đặt vấn đề

Trong những năm qua, mặc dù tình hình trong nước và quốc tế còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ngành giao thông vận tải cũng đã có những bước phát triển đáng được ghi nhận. Giai đoạn 2006 - 2016, tốc độ tăng trưởng bình quân về hành khách đạt 9,2%/năm, về hàng hóa đạt 9,3%/năm. Vận tải đáp ứng nhu cầu vận chuyển của toàn xã hội cả về số lượng lẫn chất lượng. Các dự án trọng điểm của ngành được thực hiện với sự nỗ lực, quyết tâm cao,đảm bảo chất lượng, tiến độ thi công, tháo gỡ những khó khăn trong điều kiện vốn đầu tư xây dựng chưa đáp ứng được nhu cầu.

Trong giai đoạn 2012 - 2014,mức độ đóng góp của TFP cho tăng trưởng toàn ngành đạt 88%, đóng gópcủa vốn là 9% và đóng góp của lao động là3%. Tốc độ tăng TFP của toàn ngànhgiao thông vận tải đạt trung bình 1,31%/năm, trong đóngành vận tải hàng không là cao nhất, đạt 2,13%/năm và thấp nhất là ngành vận tải đường sắt với 1,12%/năm. Điều đó cho thấy trong bối cảnh khó khăn về vốn và lao động thì năng suất các yếu tố tổng hợp mà yếu tố chính là khoa học công nghệ đóng vai trò then chốt, là yếu tố mang tính bền vững, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp ngành giao thông vận tải.Thông qua các cuộc phỏng vấn doanh nghiệp, nghiên cứu này sẽ phân tích các yếu tố tác động đến năng suất nói chung và năng suất các yếu tố tổng hợp TFP các doanh nghiệp trong ngành giao thông vận tải.

2. Nội dung

Cơ sở lý thuyết

Ngoài hai yếu tố sản xuất truyền thống là lao động và vốn, các nhà kinh tế từ lâu đã nhìn nhận rằng công nghệ có thể được tích hợp trong các mô hình tăng trưởng kinh tế như một yếu tố nội sinh, và đổi mới sáng tạo và đổi mới công nghệ là động lực của năng suất và tăng trưởng. Theo đó, các yếu tố tác động đến năng suất doanh nghiệp được thể hiện trong hình sau:

Untitled

Để hiểu rõ hơn vai trò của đổi mới sáng tạo và đổi mới công nghệ đối với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành giao thông vận tải, phần khảo sát này sẽ thu thập những thông tin ở cấp độ doanh nghiệp mà các cuộc điều tra hàng năm của Tổng cục thống kê không quan sát được. Nội dung khảo sát gồm 4 phần chính là (1) Thông tin chung về doanh nghiệp, (2) Hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp: cho thấy khả năng mà doanh nghiệp có thể nhanh chóng áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới nhằm nâng cao năng suất; (3) Hoạt động đổi mới sáng tạo và (4) Các chỉ số về độ phức tạp trong kinh doanh của doanh nghiệp..

Nghiên cứu đã tổ chức phỏng vấn 20 doanh nghiệp trong ngành giao thông vận tải, trong đó có 11 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, 7 doanh nghiệp xây dựng công trình giao thông và 2 doanh nghiệp tư vấn.

Một số kết quả khảo sát doanh nghiệp GTVT

TFP phụ thuộc vào quản trị, công nghệ và nguồn nhân lực. Chính vì vậy, đổi mới công nghệ là điều kiện quan trọng nhất để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nói chung và tăng tốc độ phát triển của TFP nói riêng.

- Về thực trạng máy móc thiết bị các doanh nghiệp đang sử dụng: 57% doanh nghiệp tự đánh giá các máy móc, thiết bị, phần mềm đang sử dụng tương đương với công nghệtrong nước hoặc các nước Lào, Campuchia, Myanma; 17% các doanh nghiệp cho rằng thiết bị sử dụng tương đương với các nước ASEAN khác trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Indonesia; 4% cho rằng các thiết bị, phần mềm doanh nghiệp mình đang sử dụng có thể so với các nước Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore; có 9% các doanh nghiệp cho rằng đang sử dụng hệ thống thiết bị, phần mềm tương đương với các nước phát triển, đây chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động trong ngành hàng không. Có 13% doanh nghiệp cho là thiết bị đang sử dụng rất lạc hậu, chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động trong ngành đường sắt và đường thủy nội địa.

Trong ngành vận tải, ngoài vận tải hàng không là ngành có hệ thống thiết bị, máy móc công nghệ cao hiện đại so với khu vực và thế giới, ngành vận tải đường bộ cũng được các doanh nghiệp cho rằng có sử dụng hệ thống thiết bị, phần mềm có thể so sánh với các nước trong khu vực. Hầu hết các phần mềm quản lý vận tải là do các công ty trong nước xây dựng nhưng theo các doanh nghiệp, hệ thống phần mềm nhìn chung đã đáp ứng yêu cầu quản lý. Các doanh nghiệp vận tải đường sắt và đường thủy nội địa thì có hệ thống thiết bị, máy móc công nghệ trong nước, được đánh giá là lạc hậu, chỉ ngang với công nghệ sử dụng ở Lào và Campuchia.

Trong ngành công trình xây dựng, 43% doanh nghiệp cho rằng hệ thống máy móc thiết bị, công nghệ đang sử dụng hiện đại so với trong nước và có thể so sánh với các nước trong khu vực khác như Malaysia, Thái Lan, Indonesia…; 17% các doanh nghiệp cho rằng hệ thống thiết bị có thể so sánh với các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Tây Âu. Đây hầu hết là các tổng công ty xây dựng nhà nước lớn như Cienco 1, Cienco 4, với hệ thống máy móc thiết bị và công nghệ xây dựng được đầu tư hiện đại. Còn lại, các công ty công trình đường sắt cho biết, hệ thống thiết bị đang sử dụng thường rất lạc hậu, thô sơ.

- Về nhu cầu đổi mới công nghệ: 83% các doanh nghiệp cho rằng áp lực đổi mới công nghệ đến từ môi trường cạnh tranh trong nước, trong khi chỉ có 17% doanh nghiệp cho rằng áp lực đến từ việc tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, và tất cả những doanh nghiệp này đều là doanh nghiệp thuộc ngành hàng không dân dụng. Các doanh nghiệp công trình xây dựng có mức độ đổi mới cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng các công trình giao thông hiện đại trên cả nước. Các doanh nghiệp duy tu sửa chữa đường sắt là doanh nghiệp có mức độ đổi mới thấp, hầu hết sử dụng thiết bị lạc hậu, quy mô doanh nghiệp nhỏ, vốn điều lệ thấp nên khó khăn trong việc đổi mới công nghệ.

- Khó khăn chính mà các doanh nghiệp đang phải đối đầu trong việc thay đổi công nghệlà chi phí đầu tư, đặc biệt đối với những doanh nghiệp nhỏ, vốn điều lệ thấp. Họ cũng là những doanh nghiệp khó tìm được các nguồn tài trợ cho đầu tư công nghệ, thậm chí cũng khó tiếp cận được vốn vay và do đó thường ít có sự thay đổi công nghệ.

- Vấn đề cơ chế, pháp lý cũng là một khó khăn của các doanh nghiệp khi đổi mới công nghệ. Đây thường là khó khăn của các doanh nghiệp vận tải do sự đồng bộ về công tác quản lý vận tải với hoạt động vận tải của các doanh nghiệp.

- Theo các doanh nghiệp, việc đầu tư công nghệ mới sẽ giúp tăng năng suất do tiết kiệm chi phí sản xuất từ quy trình/công nghệ mới, tuy nhiên cũng sẽ ảnh hưởng đến việc làm của người lao động. Những người lao động bị ảnh hưởng nhiều nhất đó là những lao động không có kỹ năng. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp có mức độ lao động thủ công cao như doanh nghiệp duy tu sửa chữa đường sắt, việc áp dụng công nghệ đơn giản như gác ghi tự động cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến lao động phổ thông, do đó không được sự ủng hộ trong nội bộ các doanh nghiệp này.

Untitled

- Đổi mới sáng tạo đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp khi họ tiếp cận kiến ​​thức tiên tiến tạo ra nhiều giá trị hơn bằng cách cải tiến và thích ứng với các công nghệ tiên tiến. Quá trình đổi mới sáng tạo yêu cầu một môi trường thuận lợi cho hoạt động đổi mới và được hỗ trợ bởi cả nhà nước và tư nhân. Cụ thể, doanh nghiệp bản thân cần có đầu tư đủ cho nghiên cứu và phát triển (R&D); sự liên kết và hợp tác trong nghiên cứu và phát triển công nghệ giữa doanh nghiệp với các tổ chức nghiên cứu khoa học chất lượng cao, các trường đại học có thể tạo ra những kiến ​thức cơ bản cần thiết để xây dựng các công nghệ mới.

- Trong các doanh nghiệp giao thông vận tải, hoạt động đổi mới sáng tạo hiện đang là một điểm yếu. Tại hầu hết các doanh nghiệp nhỏ không có đầu tư cho nghiên cứu phát triển hay tự phát triển sản phẩm mới. Chỉ có 30% doanh nghiệp có đầu tư cho nghiên cứu phát triển, đó là các doanh nghiệp ngành hàng không, các doanh nghiệp xây dựng công trình lớn. Phong trào nghiên cứu cải tiến quy trình sản xuất trong nội bộ công ty nhằm tiết kiệm chi phí có ở 55% doanh nghiệp trả lời phỏng vấn.

- Đầu tư cho nghiên cứu phát triển của các doanh nghiệp chỉ chiếm trung bình 2,5 điểm trên thang điểm 7, cho thấy mức độ đầu tư rất hạn chế. Theo quy định, doanh nghiệp phải trích quỹ đầu tư phát triển, nhưng thường ở những doanh nghiệp nhỏ, quỹ này thường không có hoặc nếu có cũng không hoạt động đúng mục đích. Thậm chí một số doanh nghiệp vận tải lớn, việc trích quỹ đầu tư phát triển cũng rất hạn chế.

- Mức độ hỗ trợ của Chính phủ cho các hoạt động nghiên cứu phát triển ở doanh nghiệp thông qua các công cụ chính sách, trợ giúp về ngân sách hay các chương trình hỗ trợ quốc gia chỉ được các doanh nghiệp đánh giá mức 1,1 trên thang điểm 7, cho thấy sự hỗ trợ mà doanh nghiệp nhận được hầu như không có hoặc doanh nghiệp không thể tiếp cận được sự hỗ trợ này.

3.      Kết luận

Nghiên cứu này đã đánh giá tác động của đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo đối với năng suất các yếu tố tổng hợp ngành giao thông vận tải thông qua khảo sát sâu đối với một số doanh nghiệp trong ngành. Kết quả cho thấy, các doanh nghiệp ngành đường sắt là những doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, chậm đổi mới, còn sử dụng nhiều lao động thủ công, chưa ứng dụng các phần mềm quản lý trong hoạt động, do đó, năng suất lao động thấp. Nhìn chung, trừ ngành vận tải hàng không, các ngành khác hầu hết đều còn thiếu vốn đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ ứng dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh và quản lý của doanh nghiệp. Chi cho nghiên cứu phát triển của các doanh nghiệp rất thấp, một số doanh nghiệp không có quỹ đầu tư phát triển hoặc sử dụng sai mục đích. Tỷ lệ đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ ngành GTVT còn thấp. Cơ cấu nhân lực khoa học công nghệ theo chuyên ngành và lĩnh vực còn nhiều chênh lệch. Các kết quả trên cũng phù hợp với kết quả tính toán TFP các chuyên ngành giao thông vận tải, trong đó ngành vận tải hàng không là ngành có tốc độ tăng TFP bình quân hàng năm cao nhất và ngành đường sắt là ngành có tốc độ tăng TFP bình quân hàng năm thấp nhất.

Thông qua phân tích này, có thể thấy được một số nguyên nhân chậm đổi mới khoa học công nghệ, dẫn đến năng suất lao động ngành giao thông vận tải chưa cao như khó khăn trong việc tiếp cận các tổ chức tài chính, các chính sách trong nước chưa hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay, doanh nghiệp chủ yếu dựa vào vốn chủ sở hữu để chi cho cải tiến công nghệ nên hiệu quả chưa cao. Do đó, tùy từng ngành, từng lĩnh vực, cần có các biện pháp khác nhau nhằm tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong tổ chức sản xuất, nâng cao năng suất lao động toàn ngành.

Tài liệu tham khảo

1. Cục Thông tin  KH&CN Quốc gia, Tổng luận số 10/2011 - Năng suất yếu tố tổng hợp - Tình hình và tỷ trọng đóng góp của nó vào tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

2. Ngô Hoàng Thảo Trang (2016). Phân tích tác động của môi trường kinh doanh lên năng suất của doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua vai trò trung gian xuất khẩu và đổi mới. Tạp chí khoa học đại học mở TP.HCM - Số 54(3) 2017, 131-146.

3.Nguyễn Thắng và cộng sự (2014). Các nhân tố tác động đến năng suất lao động ở Việt Nam.

4. Phạm Ngọc Toàn (2016). Tác động đổi mới công nghệ đến năng suất các nhân tố tổng hợp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

5. Ban Kinh tế Trung ương - Chẩn đoán tăng trưởng kinh tế Việt Nam (2017)

Ý kiến của bạn

Bình luận