Búi tóc cao trên đầu của người Thái đen là chứng tỏ người con gái đã có chồng, người ta chỉ bỏ tằng cẩu khi gội đầu |
Luật tục tằng cẩu của phụ nữ dân tộc Thái đen khiến cho việc đội mũ bảo hiểm (MBH) trở nên không an toàn, thậm chí gây nguy hiểm cho người đội. Từ thực tế đó, Ủy ban ATGT Quốc gia đề xuất nghiên cứu sản xuất loại MBH dành riêng cho phụ nữ dân tộc.
Rào cản luật tục
Khu vực Tây Bắc hiện có rất nhiều đồng bào dân tộc Thái đen sinh sống. Theo phong tục, phụ nữ Thái đen khi lấy chồng, phải búi tóc lên trên đỉnh đầu - tiếng Thái gọi là tằng cẩu. Đây là dấu hiệu để phân biệt giữa phụ nữ có chồng và chưa chồng. Một mặt, tằng cẩu thể hiện sự thủy chung của người phụ nữ, mặt khác là cách tôn trọng chồng và gia đình nhà chồng. Vì vậy, khi tham gia giao thông bằng xe máy, phải đội MBH, phụ nữ Thái đen buộc phải bỏ tằng cẩu. Đây là điều không dễ, khi luật tục này đã ăn sâu vào văn hóa và sinh hoạt của cộng đồng người Thái đen. Ngược lại, nếu không bỏ tằng cẩu, không thể đội MBH, nếu đội cũng không có tác dụng và vẫn vi phạm Luật Giao thông.
Phong tục này cũng có ở nhiều dân tộc khác như: Dao, Mông đỏ, Hà Nhì, Lào, Khơ Mú... Thậm chí, phụ nữ Mông đỏ còn độn và cuốn tóc thành vành có đường kính từ 30-50 cm nên việc đội MBH rất khó khăn.
Đánh giá công tác tuyên truyền vận động phụ nữ đồng bào dân tộc đội MBH hiệu quả đạt được chưa cao, ông Vũ Hoàng Linh, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa chỉ ra nguyên nhân là do phong tục, thói quen, nhận thức còn hạn chế. Một bộ phận không nhỏ phụ nữ dân tộc thiểu số cho rằng, đội MBH đi môtô, xe gắn máy không quen, vướng víu, chỉ đi lại trong thôn bản nên không cần thiết.
Khác với Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, đa số phụ nữ dân tộc thiểu số đã nghiêm chỉnh chấp hành quy định đội MBH khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, theo ông Lê Ngọc Quản, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hòa Bình, để đội MBH theo đúng quy định, phụ nữ dân tộc thiểu số phải thay đổi trang phục truyền thống, làm thay đổi nét đẹp văn hóa của phụ nữ dân tộc và ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của chị em. Nếu để nguyên trang phục, đội MBH sẽ làm hạn chế tác dụng của MBH về bảo vệ, giảm chấn thương vùng đầu khi xảy ra tai nạn. Với phụ nữ Thái đã có chồng gần như đội MBH không có tác dụng.
Ông Lại Huy Danh, Phụ trách Phòng Quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Việt Nam, Bộ KHCN) cho biết, hiện chỉ có ba loại MBH đạt chuẩn gồm: Nửa đầu, che tai và có cả hàm. “Mũ thời trang hiện nay cũng có đủ ba bộ phận vỏ, hấp thụ xung động, quai đeo nhưng bộ phận hấp thụ xung động mỏng. Trong khi đó, phụ nữ dân tộc chỉ chiếm khoảng 1% tổng dân số, nên chưa nhà đầu tư nào dám sản xuất mũ này cho đồng bào thiểu số vì quy trình sản xuất, thử nghiệm tốn kém chi phí”, ông Danh nói.
Khẳng định 1% phụ nữ đồng bào dân tộc cũng phải quan tâm, giải quyết vì tính nhân văn và con người, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, các doanh nghiệp gặp khó khăn về kinh tế và tài chính nhưng Ủy ban ATGT Quốc gia và Ban ATGT địa phương sẽ cố gắng đưa vào chương trình vận động.
Loại mũ bảo hiểm khoét lỗ được hãng Protect nghiên cứu |
Sẽ thí điểm sản xuất MBH cho phụ nữ dân tộc
Để đội MBH theo đúng quy định, nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, cần khảo sát, tham khảo, lắng nghe ý kiến của phụ nữ dân tộc thiểu số. Trên phương diện văn hóa, PGS.TS. Lê Thị Hoài Phương cho biết, búi tóc cao trên đầu của người Thái đen không phải là tín ngưỡng mà là luật tục của một tộc người. Theo bà Phương, phụ nữ Thái bỏ tằng cẩu khi tham gia giao thông là vấn đề khó nhưng có thể vận động được vì luật tục vẫn có thể thay đổi. Đối tượng vận động là chồng và gia đình nhà chồng.
Ông Dương Anh Tài, đại diện nhà sản xuất MBH Protec đưa ra hai phương án sản xuất MBH là loại có lỗ phía trên đỉnh, khi đội búi tóc xuyên qua lỗ này và phương án MBH che phủ toàn bộ cả búi tóc và phạm vi cần bảo vệ của đầu.
“Khoét lỗ mũ trên đỉnh để mũ có thể ốp sát phần đầu là một giải pháp nhưng khả năng bảo vệ, đâm xuyên tại vị trí búi tóc cần nghiên cứu thêm. Hoặc làm chiếc mũ ôm toàn bộ vùng búi tóc và phần đầu người đội có thể đạt tất cả các chỉ tiêu nhưng trọng lượng nặng, mũ dễ xô lệch, chi phí sản xuất cao hơn mũ thông thường 30-60%”, ông Tài cho biết thêm.
Theo Thượng tá Giàng Páo Sính, Trưởng phòng CSGT Điện Biên, việc cần làm đầu tiên là lấy ý kiến của phụ nữ dân tộc, cho họ xem các mẫu thiết kế mũ để đạt được hiệu quả cao.
Thống nhất quan điểm các nhà sản xuất nên nghiên cứu đưa ra thiết kế mẫu mũ dành cho phụ nữ có luật tục tằng cẩu, ông Khuất Việt Hùng cho biết, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ có văn bản đề nghị Bộ KHCN nghiên cứu, sửa đổi bổ sung về quy chuẩn riêng dành cho đối tượng này, cho sản xuất thí điểm trước khi hoàn thiện bộ Quy chuẩn quốc gia về MBH.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.