Phanh ABS - công nghệ cần thiết cho người Việt

Ứng dụng 06/12/2016 05:42

Yamaha NVX Premium có giá bán 51 triệu đồng, trở thành mẫu xe bình dân rẻ nhất thị trường trang bị ABS

test-vespa-946-2

Vespa 946 - mẫu xe ga diện chính hãng đầu tiên tại Việt Nam trang bị ABS. 

 Người dùng xe máy tại Việt Nam trước đây quá "quen tai" với công nghệ ABS (Anti-lock Braking System) trên xe ô tô hoặc mô tô phân khối lớn. Xe ga cũng có, nhưng chỉ là những mẫu xe hoặc diện cao cấp, mang phân khối vài trăm cc, hay Vespa 946 có giá bằng cả chiếc Kia Morning mới cóng.

Thị trường xe máy bình dân dần bão hòa, cuộc cạnh tranh tập trung nhiều vào phân khúc xe tay ga cao cấp, hướng đến giới trung lưu thành thị. Nhưng dù thế nào đi nữa, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm là điều tất yếu. Lúc này, công nghệ được ưu tiên hàng đầu. Xuất phát điểm từ những công nghệ động cơ, công nghệ chìa khóa và cho đến hiện tại là công nghệ phanh ABS đang dần thịnh hành.

Piaggio đi đầu xu hướng. Vespa 946 là sản phẩm theo diện chính hãng đầu tiên mang công nghệ phanh ABS. Cho đến tháng 9/2015, Yamaha khiến công nghệ này gần gũi hơn khi đưa ra chiếc N-MX. Nối tiếp là Piaggio Liberty ABS, Piaggio Medley, Honda SH 2017 và mới đây là Yamaha NVX - mẫu xe rẻ nhất trên thị trường có trang bị phanh ABS.

Trong buổi ra mắt xe Honda SH 2017, hãng cho biết, công nghệ ABS rất thịnh hành ở châu Âu, và dự kiến 30% lượng SH bán ra là bản ABS. Trước đó, ngày ra mắt Honda Air Blade năm ngoái, họ phát một tờ phiếu lấy ý kiến, mà trong đó có câu hỏi bạn muốn chiếc xe có những trang bị nào trong tương lai? Tất nhiên, dòng chữ ‘Phanh ABS’ được xếp trên cùng.

Vì sao phanh ABS cần thiết?

BMW Motorrad là nhà sản xuất đầu tiên trên thế giới trang bị công nghệ phanh ABS lên dòng xe phân khối lớn. Kể từ đó, công nghệ này trở lên phổ biến như một trang bị thiết yếu. Các cơ quan an toàn giải thích rằng, khó có thể mua một chiếc xe ô tô không có ABS. Đó là trang bị tiêu chuẩn của các dòng xe du lịch như sedan hay hatchback. Vì vậy, nếu ABS cần thiết cho xe hơi, tại sao xe máy lại không?

Chuyên gia so sánh sự khác biệt giữa một chiếc có và không có ABS.

Lái xe máy nguy hiểm hơn xe ô tô gấp 20 lần. Bởi thế mà phanh gấp một chiếc xe máy kém ổn định hơn rất nhiều so với ô tô. Người lái phải điều lực phanh trước sau sao cho hợp lý. Nếu xảy ra tình huống bị khóa bánh trước, thì hầu hết kể quả là một tai nạn dù nặng hay nhẹ. Trớ trêu thay, theo một nghiên cứu của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy châu Âu năm 2004, nhiều người vì sợ tình trạng khóa bánh trước, mà không bao giờ tác động lực phanh tối đa lên bánh trước ở bất cứ thời điểm nào, dù nguy hiểm đến đâu. Dẫn đến nhiều vụ tai nạn không đáng có đã xảy ra.

Hệ thống phanh ABS thực hiện hàng trăm phép tính mỗi giây nhờ các cảm biến ở bánh xe. Và khi phát hiện phanh gấp, hệ thống tự động nhấp nhả phanh 10 lần mỗi giây mà con người không thể thực hiện được. ABS giúp ngăn chặn hoàn toàn tình trạng khóa bánh hay trượt bánh trên đường trơn trượt.

Điểm qua các số liệu. Viện An toàn Giao thông Đường bộ Mỹ (IIHS) đã tiến hành một nghiên cứu về tính hiệu quả của mô tô và đi đến kết luận rằng, 37% xe máy có dung tích trên 250cc trang bị ABS ít có khả năng xảy ra va chạm chết người hơn. Bên cạnh đó, Tổng cục đường bộ Thụy Điển báo cáo rằng, 48% tất cả các tai nạn nghiêm trọng và tai nạn làm chết người của các dòng môtô trên 125cc có thể tránh được nhờ hệ thống ABS. Còn ở Úc, cơ quan Vicroads cho biết, ABS có thể làm giảm 31% tỷ lệ tử vong và chấn thương nặng do tai nạn xe máy.

Hiệu quả từ việc phổ biến ABS từ ô tô sang mô tô phân khối lớn rất cao. Vì thế, tương lai áp dụng trên các dòng xe máy cỡ nhỏ là điều tất yếu. Tại châu Âu, bắt đầu từ ngày 1/1/2016 trở đi, tất cả các xe máy mới bán ra có dung tích trên 125cc buộc phải có ABS.

Công nghệ phanh ABS cần thiết với tất cả dòng xe máy trên 125cc. Bằng chứng là nhiều mẫu xe tay ga cao cấp tại Việt Nam đã có ABS, đi kèm mức giá cũng dễ tiếp cận hơn. Qua đó, có thể thấy viễn cảnh về việc phổ biến công nghệ ABS tại Việt Nam chỉ còn là chuyện thời gian.

Ý kiến của bạn

Bình luận