Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Nhà Trắng hôm 24/4. Ảnh: Reuters. |
"Chúng ta sẽ mở chiếc hộp Pandora. Đó có thể là chiến tranh", Macron nói với tạp chí Đức Der Spiegel hôm 6/5. "Mở chiếc hộp Pandora" là cách nói chỉ hành động trông có vẻ đơn giản, vô hại nhưng để lại hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, Tổng thống Pháp cũng nói thêm rằng "Tôi không nghĩ Donald Trump muốn chiến tranh xảy ra".
Ngày 12/5, Tổng thống Mỹ sẽ đưa ra quyết định có rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hay không. Theo hai quan chức Nhà Trắng và một nguồn tin am hiểu cuộc tranh luận tại Washington, Trump đã có quyết định cuối cùng song vẫn chưa biết chính xác ông sẽ làm thế nào. Trump cũng có thể tìm ra cách để ở lại thỏa thuận này.
Cuối tháng trước, trong chuyến thăm Washington, Macron đã hối thúc Trump không nên rút khỏi thỏa thuận này.
Anh, Pháp, Đức vẫn cam kết tuân thủ, nhưng trong một nỗ lực "giữ chân" Washington, ba nước này muốn các cuộc đối thoại mở về chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, hoạt động hạt nhân của Iran sau năm 2025 – thời điểm các điều khoản chính trong thỏa thuận hạt nhân hết hạn, và vai trò của Iran trong các cuộc khủng hoảng Syria, Yemen.
Theo thoả thuận ký năm 2015, Iran đồng ý hạn chế một phần đáng kể chương trình hạt nhân trong ít nhất 10 năm và một số khác sẽ bị hạn chế lâu hơn, đồng thời chấp nhận sự gia tăng giám sát của cộng đồng quốc tế.
Những nước đã ký thỏa thuận hạt nhân Iran cùng với Mỹ bao gồm Nga, Trung Quốc, Đức, Anh và Pháp, đều quyết tâm cứu vãn thỏa thuận vì cho rằng đây là cách tốt nhất để ngăn chặn Iran phát triển bom hạt nhân.
Hôm 3/5, Ali Akbar Velayati, cố vấn chính sách đối ngoại cho lãnh đạo tối cao Iran, cho biết nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân thì nước này cũng sẽ không tiếp tục tham gia.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.