Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Malaysia – ông Liow Tiong Lai tại một buổi họp báo. |
Bất đồng giữa nhiều quốc gia
Ngày 6/8, 1 tuần kể từ sau khi mảnh vỡ máy bay Boeing 777 được người dân đảo Reunion phát hiện, thủ tướng Malaysia – ông Najib Razak đã lên tiếng khẳng định rằng mảnh vỡ này thuộc về chuyến bay MH370, trong khi các quốc gia còn lại như Pháp, Úc và Mỹ chỉ đưa thông tin rằng mảnh vỡ “có khả năng cao” thuộc về chuyến bay mất tích.
Cuối ngày 6/8, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Malaysia – ông Liow Tiong Lai trong một buổi họp báo cho biết, đội tìm kiếm của quốc gia này đã tìm thấy thêm một số vật khả nghi như cánh cửa sổ và giấy nhôm. Hiện những mẫu vật này đã được gửi về Pháp để phân tích.
“Tôi chỉ có thể xác nhận rằng những mẫu vật đó thuộc về 1 chiếc máy bay, chứ không khẳng định chúng là của MH370.” – Ông Liow cho biết.
Phát ngôn trên của ông Liow đã khiến giới chức Pháp ở cả Paris lẫn đảo Reunion tỏ ra “bối rối” vì không ai trong số họ biết về chuyện này. Văn phòng công tố viên tại Paris, Pháp – cơ quan đang dần đầu trong cuộc điều tra pháp lý về vụ MH370 – khẳng định rằng họ không nhận được thêm bất cứ mảnh vỡ máy bay nào. Trong khi đó, các quan chức nước này chọn cách im lặng, không bình luận về vụ việc.
Về phía Úc, ngày 7/8, trong một thông báo, phát ngôn viên của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giao thông Australia Warren Truss cho biết mặc dù đã có một số lượng lớn mảnh vỡ kim loại được người dân gửi tới cảnh sát trên đảo Reunion, nhưng không một mảnh nào trong số chúng thuộc về bộ phận của máy bay.
Ngoài ra, ông Liow còn khiến dư luận “dậy sóng” khi nói rằng các chuyên gia đã phát hiện ra con dấu bảo trì và loại sơn trên mảnh vỡ máy bay Boeing 777 trùng khớp với hãng hàng không Malaysia. Về điều này, một quan chức giấu tên của chính phủ Úc đã khẳng định rằng loại sơn đươc phát hiện trên mảnh vỡ không phải là dấu hiệu đặc thù của chuyến bay MH370. Loại sơn nói trên được Boeing dùng cho tất cả máy bay mà công ty này chế tạo.
Phản bác lại điều này, ông Liow cho rằng đây chỉ là sự khác biệt “cách lựa chọn từ ngữ” giữa các quốc gia khác nhau. Nhưng chính sự mâu thuẫn trong các phát ngôn đã khiến nhiều gia đình nạn nhân, những người trong hơn 500 ngày qua luôn từng phút ngóng chờ thông tin về người thân của họ, phản đối mạnh mẽ. Dư luận đã đặt ra câu hỏi, tại sao các quốc gia này không thể có sự đồng nhất trước khi công khai những thông tin quan trọng như vậy?
Mâu thuẫn leo thang
Ngày hôm nay, khoảng 30 người là thân nhân của các hành khách trên chuyến bay MH370 đã tập trung bên ngoài đại sứ quán Malaysia tại Bắc Kinh, Trung Quốc với hi vọng được gặp quan chức Malaysia để có được thông tin chính xác về mảnh vỡ máy bay. Thậm chí những người này đã có một vụ va chạm nhỏ với lực lượng bảo vệ bên ngoài đại sứ quán.
Một người nhà nạn nhân gục đầu trong lúc những người đang biểu tình bên ngoài trụ sở của Malaysia Airlines tại Bắc Kinh, Trung Quốc |
Tại Malaysia, mâu thuẫn đã diễn ra ngay trong nội bộ chính phủ. Nghị sĩ Liew Chin Tong của đảng đối lập cho rằng ông Liow cần nhanh chóng có lời giải thích rõ ràng về những thông tin mà ông này đã đưa ra trước đó.
Việc phát hiện ra phần cánh máy bay Boeing 777 đã thu hút sự chú ý của thế giới vào cuộc tìm kiếm chuyến bay mất tích – vốn được nhiều người kì vọng rằng sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho cuộc điều tra về tai nạn của MH370.
Tuy nhiên, thông tin từ cơ quan điều tra BEA của Pháp rất ít khi được lộ ra. Đơn cử như trường hợp của máy bay số hiệu 447 của Pháp rơi tại Đại Tây Dương vào tháng 7 năm 2009, thông báo cuối cùng về vụ việc phải đến tận năm 2012 mới được thông báo. Cuộc điều tra pháp lý về vụ việc phải đến tận năm 2014 mới được tiến hành mà hiện giờ vụ việc vẫn chưa được trình lên tòa án xét xử.
Xavier Tytelman, một chuyên gia hàng không tại Pháp cho biết mặc dù việc mảnh vỡ của máy bay gần như chắc chắn là thuộc về MH370, nhưng Malaysia vẫn cần phải có những bằng chứng đáng tin cậy trước khi vội vàng đưa ra kết luận.
“Quan chức Malaysia, mỗi khi có bất cứ thông tin hay manh mối nào mới nhưng chưa được kiểm chứng, họ đã vội công bố chúng như thể nó đã là sự thật. Đó là một sai lầm lớn có thể khiến họ mất uy tin trong mắt người dân và dư luận thế giới”. – Ông Xavier cho biết.
Ông Xavier nhấn mạnh rằng, chính bản thân nước Úc đã từng gặp phải tình huống tương tự khi tiến hành cuộc tìm kiếm MH370. Đó là khi họ đột ngột thay đổi khu vực tìm kiếm mà không giải thích, cùng với việc cuộc tìm kiếm đã diễn ra quá lâu mà không có tiến triển nào tích cực. Điều đó đã khiến Úc bị dư luận chỉ trích và mất lòng tin vào việc giải mã bí ẩn của MH370.
Hiện nhiều người đã không còn tin vào những thông báo của chính phủ Malaysia. Trả lời đài truyền hình BFM của Pháp vào hôm thứ Năm (6/8), ông Ghislain Wattrelos – người có vợ và 2 con mất tích cùng MH370 cho biết: “Tôi vui mừng rằng mảnh vỡ đã được gửi tới Pháp để phân tích. Tôi tin vào chính phủ nước mình hơn là Malaysia. Họ đã nói dối chúng tôi ngay từ đầu”.
Trong một tuyên bố ngày 6/8, Bộ Quốc Phòng Pháp đã nêu rõ, để phục vụ cho cuộc điều tra, Pháp sẽ triển khai bổ sung hải quân và không quân để kiếm tìm những mảnh vỡ khác xung quanh quần đảo Reunion. Theo đó, một máy bay sẽ được cử tới khảo sát tuần tra một vùng rộng lớn ở Ấn Độ Dương nhằm mở đường cho các hoạt động tìm kiếm bằng máy bay trực thăng và của các đơn vị hàng hải Pháp.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.