Ảnh minh hoạ |
Tăng nặng mức phạt
Nghị định bổ sung khá nhiều hành vi vi phạm và tăng nặng mức phạt so với quy định hiện hành. Cụ thể, từ ngày 1-8, tổ chức, cá nhân không cứu giúp người bị tai nạn giao thông nếu có khả năng giúp đỡ, có yêu cầu giúp đỡ mà không cứu giúp thì có thể bị xử phạt từ 500.000-1 triệu đồng với cá nhân, 1-2 triệu đồng đối với tổ chức. Xe không được quyền ưu tiên nhưng lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên bị phạt tiền từ 800.000-1,2 triệu đồng.
Mức phạt tiền này cũng áp dụng với hành vi chạy xe dưới tốc độ tối thiểu trên những đoạn đường quy định tốc độ tối thiểu. Ngoài ra, người dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang lái ôtô bị phạt tiền từ 600.000-800.000 đồng.
Về các quy định trên, anh Đoàn Mạnh Thắng ở đường Tô Hiệu, quận Hà Đông, Hà Nội cho rằng, thực tế đã xảy ra không ít vụ tai nạn thương tâm do cá nhân vừa điều khiển ô tô vừa sử dụng điện thoại. Việc làm này khiến họ mất tập trung, hạn chế khả năng quan sát dẫn đến không kịp xử lý các tình huống giao thông bất ngờ trên đường. Do đó, để đảm bảo ATGT, cơ quan chức năng cần xử phạt thật nặng những trường hợp vi phạm để làm gương.
Cũng theo Nghị định 46/2016, mức phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển xe ô tô, mô tô được điều chỉnh theo hướng tăng lên. Lái xe trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 4-6 tháng (mức phạt hiện nay là 10-15 triệu đồng).
Đối với người điều khiển môtô, xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 miligam/lít khí thở sẽ bị phạt gấp đôi so với quy định hiện hành là từ 1-2 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 1-3 tháng.
Chế tài mạnh đảm bảo tính răn đe
Nhằm ngăn chặn việc xe máy đi vào đường cao tốc đang xảy ra trên nhiều tuyến đường, gây mất ATGT nghiêm trọng, Nghị định 46/2016/NĐ-CP tăng mức phạt đối với hành vi này lên từ 500.000-1 triệu đồng (mức phạt hiện nay từ 200.000-400.000 đồng). Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
Người điều khiển, người ngồi trên xe mô-tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô-tô, xe gắn máy sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính sẽ bị phạt từ 100.000 – 200.000 đồng (quy định hiện hành là từ 60.000 – 80.000 đồng). Ngoài ra, Nghị định bổ sung nhiều mức phạt theo hướng tăng nặng đối với các hành vi chở hàng quá tải, vi phạm quy tắc giao thông đường bộ nhằm tăng tính răn đe.
Liên quan đến nghị định này, luật sư Nguyễn Thành Trung – Đoàn Luật sư Hà Nội nhận xét, Nghị định đã sửa đổi, bổ sung, mô tả lại để làm rõ hơn đối với một số hành vi và nhóm hành vi vi phạm, như: Hành vi vi phạm của người điều khiển xe ô tô chở người trên buồng lái quá số lượng quy định; Vận chuyển hành khách lắp thêm hoặc tháo bớt ghế, giường nằm; Người điều khiển xe ô tô, xe mô tô… không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng từ 19h ngày hôm trước đến 5h sáng hôm sau.
Bên cạnh đó, nghị định còn bổ sung quy định xử phạt đối với một số hành vi và nhóm hành vi vi phạm, như xử phạt đối với người điều khiển xe ô tô có hành vi vi phạm chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy; Người điều khiển xe ô tô lùi xe ở đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ, tổ chức, cá nhân chiếm dụng phần đường xe chạy hoặc lề đường của đường ngoài đô thị làm nơi trông, giữ xe.
Đặc biệt, nghị định còn bổ sung quy định xử phạt đối với người điều khiển xe ô tô dừng, đón trả hành khách trên đường cao tốc, không đúng địa điểm, quá thời gian quy định được ghi trong hợp đồng...
Có thể nói, Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã quy định chế tài xử phạt tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả hành vi vi phạm nhằm đảm bảo tính răn đe và khả thi cao.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.