Phạt nặng, lượng xe quá tải giảm
Tại Hội nghị Sơ kết quy chế phối hợp kiểm tra xử lý xe quá tải trên tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai vào sáng 25/4, theo thống kê của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), tính từ ngày 18/3 đến 24/4, các lực lượng chức năng phối hợp với VEC đã phát hiện và xử lý 147 xe quá tải trên tổng số 14.067 xe kiểm tra (tương đương hơn 1%).
Kết quả phân tích lưu lượng xe quá tải nặng sau khi có sự phối hợp và các đơn vị đồng loạt triển khai kiểm soát tải trọng xe thì lưu lượng xe quả tải nặng tại tất cả các nút giao giảm 5%. Ngược lại, tại vị trí đầu tuyến (Km6), lưu lượng xe tải nặng tăng lên 31%. Tại vị trí cuối tuyến lưu lượng tăng 47% do các phương tiện đi đúng tuyến và không vòng tránh trạm cân bằng cách đi vào các nút giao.
Bên cạnh đó, qua đợt kiểm soát xe container đông lạnh qua tuyến Nội Bài-Lào Cai từ 12-24/4 đã phát hiện 24/506 xe quá tải. Chỉ trong đêm ngày 23/4, lực lượng tuần tra cơ động của Cục Cảnh sát giao thông đã kết hợp với trung tâm thông tin, tiến hành kiểm tra đột xuất 20 xe, phát hiện 13 xe container đông lạnh quá tải từ 15-30% và lập hồ sơ xử lý.
“Việc đồng loạt ra quân của các lực lượng chức năng, các đơn vị phối hợp theo quy chế cũng như sự chủ động của các địa phương sau hơn một tháng đã đem lại hiệu quả cao trong công tác kiểm soát xe quá tải trên đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, không còn xe quá tải lưu thông trên đường cao tốc,” ông Bùi Đình Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam cho hay.
Đánh giá về thực trạng xe quá tải lưu thông đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, ông Bùi Xuân Trường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ 1 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) khẳng định, lượng xe ôtô chở hàng quá tải lưu thông trên tuyến đường này giảm rõ rệt.
Giải thích rõ hơn, ông Trường nhìn nhận, chính sự vào cuộc quyết liệt, sự phối hợp giữa các đơn vị nhịp nhàng đồng bộ qua việc tổ chức kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm xe quá khổ, quá tải tại các điểm vào/ra và ngay cả các điểm nghỉ trên tuyến đường cao tốc đã tác động mạnh đến thái độ chấp hành của lái xe, chủ phương tiện, các doanh nghiệp vận tải và cả các chủ hàng.
Theo báo cáo của ông Nguyễn Việt Thắng, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Vĩnh Phúc có 3 nút giao. Riêng nút giao IC4, trạm cân của tỉnh cũng thường xuyên kiểm tra phương tiện lên/xuống nút này.
“Tại nút giao IC3 sau thời gian thực hiện vừa qua, lực lượng dân sự mỏng do chỉ có Thanh tra giao thông nên trực chiến rất căng thẳng, thậm chí có trường hợp lái xe sau khi bị xử phạt với mức vi phạm quá nặng nên khi cầm biên lai thì sốc và bị ngất. Lực lượng thanh tra phải dùng xe chuyên dụng của ngành đưa đi cấp cứu do vậy thiếu người làm,” ông Thắng chỉ ra khó khăn.
Bên cạnh đó, đại diện cơ quan chức năng của các địa phương nơi tuyến đường đi qua cũng thừa nhận, tại các nút giao, trong thiết kế xây dựng nút không có lối thoát ra ngoài dành cho xe quá tải, không có đủ chiều dài đường dự trữ dành cho việc chờ cân và xử lý xe vi phạm nên sẽ xảy ra tình trạng ùn tắc ở cả lối vào đường cao tốc và trên đường Quốc lộ khi có nhiều xe tải cùng lúc vào nút.
“Điều này sẽ làm khó khăn cho các lực lượng thực thi nhiệm vụ trong những trường hợp này do dồn ứ xe và mất trật tự an toàn giao thông trong khu vực đồng thời cũng gây cản trở các loại xe nhỏ khác ra vào đường cao tốc,” đại diện cơ quan chức năng nhìn nhận.
Tẩy chay và cắt nốt xe quá tải
Là điểm cuối của tuyến đường cao tốc, qua hơn một tháng, ông Hà Anh Ngọc, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Lào Cao cho biết, lực lượng thanh tra giao thông tỉnh đã kiểm tra và xử lý 725 xe quá tải tại nút giao IC17. Lượng xe hiện nay chỉ tập trung kiểm tra đầu vào đường cao tốc. Tuy nhiên, có một thực trạng là số xe quá tải lưu thông đến cuối tuyến vẫn còn nhiều.
Ông Ngọc cũng đặt ra sự nghi ngờ và cần phải quy trách nhiệm làm việc, sự phối hợp của lực lượng ở các nút giao địa phương có bố trí trạm cân để xe quá tải vẫn lưu thông và ‘lọt’ qua nhiều trạm cân đến tận cuối tuyến.
Với tư cách đơn vị quản lý, vận hành tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Tổng giám đốc VEC cho biết, xe đông lạnh vi phạm quá tải sẽ bắt buộc phải quay đầu, từ chối phục vụ do không có hệ thống bảo quản riêng hàng hóa.
“Hiện tại, việc xử lý xe quá tải mới chỉ làm được phần ngọn là xử lý đối với lái xe. Thời gian tới, các lực lượng cần truy nguồn gốc hàng hóa để xử lý nơi xuất xứ, chủ hàng, chủ vận tải, lái xe thì mới giải quyết gốc rễ vấn đề đồng thời công bố thông tin rộng rãi lên phương tiện truyền thông để nhận được sự tẩy chay của Hiệp hội vận tải, chủ hàng đối với các doanh nghiệp chở quá tải. Sở Giao thông Vận tải các tỉnh cũng phải cắt nốt xe quá tải vi phạm nhiều lần,” ông Nguyễn Văn Nhi kiến nghị.
Kết luận hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Vũ Đỗ Anh Dũng thẳng thắn bày tỏ, đường cao tốc là loại hình mới, Việt Nam hiện chỉ có 600km. VEC-đơn vị chủ đầu tư, quản lý tuyến đường đã thể hiện trách nhiệm cao trong kiểm soát tải trọng xe.
“Ngày trước kiểm tra xe nào cũng vi phạm quá tải, sau một tháng giờ đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, hiệu quả thấp vì mỗi ngày chỉ bắt được 5 xe. Cảnh sát giao thông khi bắt được lỗi vi phạm phải truy xe xuất phát từ đâu, bị kiểm tra ở đâu?,” ông Vũ Đỗ Anh Dũng đặt ra câu hỏi.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý các phương tiện quá tải nhằm ngăn chặn, giảm dần và mục tiêu không còn xe quá tải trên đường cao tốc, VEC đề nghị các đơn vị phối hợp tiếp tục duy trì công tác kiểm soát tải trọng đồng thời sẽ hoàn thiện công tác lắp đặt, kiểm định hệ thống cân cố định tại các trạm thu phí để đưa vào khai thác trước ngày 30/4 tới.
Ngoài ra, VEC cũng sẽ nghiên cứu bố trí các điểm quay đầu tại một số nút giao nhằm tạo điều kiện thông thoáng cho các phương tiện khi có hiện tượng dồn ứ tại khu vực trạm thu phí.
(Theo vietnamplus)
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.