Kỳ 1:
Không chỉ ở các tuyến đường nông thôn, tỉnh lộ mà ngay tại các đô thị, không khó để phát hiện người đi xe máy vượt đèn đỏ, lấn làn, không đội mũ bảo hiểm…. Có những trường hợp chẳng những không chấp hành biển báo, vạch kẻ đường, tín hiệu đèn mà còn thực hiện hành vi vi phạm giao thông ngay trước mặt CSGT.
Vô tư vi phạm
Sáng 17/5, giờ đi làm buổi sáng, tuyến đường Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ ken kín các loại phương tiện. Khác với nhiều trục đường khác, dọc tuyến Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ có riêng một làn đường cho xe buýt nhanh (BRT). Thế nhưng, khái niệm "làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh" gần như không tồn tại vào những giờ đi làm buổi sáng và tan tầm buổi chiều. Rất nhiều người đi xe máy vô tư lưu thông trong làn BRT, nối đuôi những chiếc xe buýt. Cũng chính vì thế, buýt nhanh lúc này thành buýt chậm, thậm chí rất chậm. Cảnh sát giao thông có xử phạt chắc cũng không xuể.
Video: Người đi xe máy vô tư lưu thông trong làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh (BRT), sáng 17/5
Trước đó, trưa 13/5, không phải giờ cao điểm, đường Láng Hạ (Hà Nội) khá thông thoáng, các loại phương tiện lưu thông bình thường và không thấy chiếc ôtô nào đi vào làn BRT. Thế nhưng vẫn không khó để bắt gặp những người đi xe máy "lượn" vào làn BRT, dù các làn đường bên ngoài vẫn rất rộng, thoáng phương tiện.
Đơn cử như trường hợp người điều khiển xe máy BKS 29B1-105.83 lưu thông một đoạn dài trong làn đường BRT, từ đoạn nút giao với đường Đê La Thành cho đến gần đường Láng.
Tương tự, một số người khoác áo của các hãng xe công nghệ cũng vô tư đi vào làn BRT, có trường hợp đang chở khách.
Người đi xe máy vô tư lưu thông vào làn BRT, bất kể là giờ cao điểm hay khi đường thông thoáng
Đã quá quen với cảnh nhiều người đi xe máy trong làn BRT, chị Trang Thu (nhà ở ngõ 29, Láng Hạ) cho hay: "Vào đầu giờ sáng hoặc tan tầm buổi chiều, người đi xe máy vào làn BRT khá phổ biến. Chỉ khi nào thấy phía trước có cảnh sát giao thông hoặc cảnh sát 141 "đón lõng" thì họ mới "lượn" ra hoặc quay đầu trốn tránh thôi".
Một nghiên cứu của nhóm tác giả đến từ Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM và Đại học Bách khoa TP. HCM cho thấy, năm 2022, Việt Nam có hơn 70 triệu xe máy đang lưu hành.
Từ năm 2018 – 2022, bình quân mỗi năm số xe máy lưu hành tăng thêm 3.123.883 chiếc.
Sáng 13/5, ghi nhận tại nút giao Nguyễn Chí Thanh – Kim Mã, nhóm phóng viên Tạp chí GTVT cũng không khó để nhận thấy nhiều người đi xe máy vô tư vượt đèn đỏ, theo hướng Kim Mã – Nguyễn Thái Học.
Khu vực các bến xe ở Hà Nội như Giáp Bát, Mỹ Đình, Nước Ngầm cũng xuất hiện nhan nhản các trường hợp người đi xe máy chạy ngược chiều, vượt đèn đỏ, lấn vào làn ôtô…
Tại TP. HCM, những người thường xuyên đi qua giao lộ đường song hành cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây và đường Nguyễn Thị Định (TP. Thủ Đức) luôn cảm thấy khó chịu bởi cảnh ùn tắc, dồn toa. Cũng chính vì thế, nhiều trường hợp vô tư vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, leo lên lề đường và ngó lơ hiệu lệnh cảnh sát giao thông có mặt điều tiết giao thông.
"Hành vi vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều khiến các dòng phương tiện xung đột và kết quả là ùn tắc càng lâu hơn", anh Trần Huỳnh Sang (TP. Thủ Đức) cho hay.
Video: Không lo sợ bị "phạt nguội", nhiều người đi xe máy thản nhiên đi vào làn BRT
Tại kỳ họp thứ 14, HĐND TP Hà Nội khóa XVI (tháng 12/2023), Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết, hiện thành phố có 550 nút điểm đèn tín hiệu, 605 camera. Các camera truyền tải, kết nối về Trung tâm chỉ huy của Công an TP. Hà Nội. "605 đầu camera chia làm 2 loại. Loại đầu tiên chỉ đo lưu lượng giao thông trên đường, quan sát tổng thể; loại thứ hai có thể nhận diện được những điều kiện của người điều khiển phương tiện giao thông để xử lý vi phạm", Giám đốc Công an TP. Hà Nội chia sẻ.
Lực lượng CSGT ở Hà Nội "đón lõng" người đi xe máy vào Đại lộ Thăng Long và đường Vành đai 2 trên cao để "phạt nóng"
Thực tế, hệ thống camera giám sát, chỉ huy giao thông trên địa bàn Hà Nội phát huy hiệu quả trong việc ghi nhận vi phạm của người điều khiển ôtô để "phạt nguội" (gửi thông báo đến chủ xe ôtô hoặc phối hợp với cơ quan đăng kiểm). Tuy nhiên, không có nhiều trường hợp người điều khiển xe máy vi phạm giao thông bị "phạt nguội".
Đơn cử, từ đầu năm 2024 cho đến ngày 8/5/2024, một đơn vị CSGT phụ trách địa bàn có tuyến BRT xử phạt được 157 trường hợp ôtô đi vào làn BRT và 144 trường hợp xe máy. Điều đáng nói, những trường hợp xe máy đi vào làn BRT đều là "phạt nóng", tức là Trung tâm đèn tín hiệu phát hiện vi phạm hoặc đơn vị trên tuyến bố trí đón lõng và phạt trực tiếp, chứ không phải ghi nhận biển số xe, sau đó gửi thông báo "phạt nguội".
"Với chủ xe ôtô thì dễ hơn, vì còn liên quan đến việc đi đăng kiểm, nếu có hình ảnh vi phạm và gửi thông báo "phạt nguội" mà chủ xe chưa đến giải quyết thì sẽ không được đăng kiểm. Tuy nhiên, với người điều khiển xe máy thì khó hơn nhiều. Trong nhiều trường hợp thông báo "phạt nguội" gửi đi không có hồi âm và cũng không có chế tài để cưỡng chế xử phạt", một cán bộ CSGT ở Hà Nội chia sẻ.
Bất ngờ nhận thông báo "phạt nguội"
Theo ghi nhận của PV Tạp chí GTVT, mỗi ngày cạnh bờ kè đường Hoàng Sa (phường 11, quận 3, TP. HCM), nhiều người đi xe máy, có cả những người hành nghề xe ôm công nghệ vẫn thản nhiên chạy ngược chiều với tốc độ cao, gây bất an cho người đi đúng làn đường theo quy định.
Tương tự, tại đường Cộng Hoà (quận Tân Bình) vào giờ cao điểm nhiều người đi xe máy chen lấn, luồn lách lao lên vỉa hè hết phần đường dành cho người đi bộ.
Vào giờ tan học trên đường Dương Bá Trạc (phường 1, quận 8) chỉ trong vài phút, PV đã ghi nhận hàng chục trường hợp phụ huynh chở con đi học không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người người quy định…
Gần đây, nhiều người dân ở TP. HCM bất ngờ nhận được thông báo "phạt nguội" do vi phạm giao thông, đặc biệt là hành vi vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ cho phép.
Nhận được thông báo "phạt nguội" gửi đến nhà, chị Đ.T.H (TP. Thủ Đức) khá bất ngờ. Tuy nhiên, khi đọc thông báo, xem hình ảnh, chị H. thừa nhận bản thân đã điều khiển xe máy chạy quá tốc độ trên đường Mai Chí Thọ, TP. Thủ Đức và hành vi diễn ra trước Tết Nguyên đán 2024.
"Tuyến đường Mai Chí Thọ khá thông thoáng, vắng xe nên thỉnh thoảng tôi đi nhanh hơn, cũng một phần nghĩ rằng không có cảnh sát giao thông, còn camera giám sát để "phạt nguội" chỉ áp dụng với ô tô", chị H. phân bua.
Cũng nhận được thông báo "phạt nguội", ông L.V.H (huyện Nhà Bè) sau khi kiểm tra thông tin, hình ảnh đã nghiêm chỉnh đến trụ sở Đội CSGT hoàn tất các thủ tục để nộp phạt. "Thông tin, hình ảnh rõ ràng. Hôm đó cháu tôi chạy xe máy ngược chiều vào một tuyến đường ở quận 1", ông H. thừa nhận.
Quý I/2024, Phòng CSGT Công an TP. HCM đã gửi hơn 16.500 thông báo "phạt nguội" về địa chỉ nhà các trường hợp người đi xe máy vi phạm giao thông, tuy nhiên tỷ lệ người đến giải quyết, nộp phạt chưa nhiều (trong ảnh: Người đi xe máy vi phạm giao thông tại TP. HCM).
Một cán bộ Đội CSGT Hàng Xanh (Phòng CSGT TP.HCM cho biết, để "phạt nguội" đối với xe máy thường khó hơn ôtô bởi khó tìm được chủ phương tiện. "Nhiều trường hợp mua bán xe máy, không làm thủ tục sang tên, chuyển chủ sở hữu nên khi nhận được thông báo "phạt nguội" (tra biển số xe), họ không phản hồi hoặc đến giải quyết vì bản thân họ nhận thấy mình không gây ra hành vi đó nên không có nghĩa vụ giải quyết, nộp phạt", vị cán bộ cho hay.
Theo Phòng CSGT Công an TP. HCM (PC08), trong quý I/2024, PC08 đã có hơn 16.500 trường hợp người đi xe máy vi phạm được PC08 gửi thông báo "phạt nguội" về địa chỉ nhà. Tuy nhiên, tỷ lệ người đến giải quyết, nộp phạt chưa nhiều.
Đi xe máy trên vỉa hè, phụ huynh chở con đi học không đội mũ bảo hiểm, học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm... là những hình ảnh vi phạm giao thông không hiếm gặp trên địa bàn TP. HCM
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm TTATGT quý I và phương hướng nhiệm vụ quý II/2024, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, người lái ôtô hiện nay chấp hành khá tốt quy định pháp luật, vì "phạt nguội" rất tốt, nhưng người điều khiển xe máy còn khá nhiều vi phạm và không khó để chứng kiến những hành vi này tại các nút giao thông khi không có mặt lực lượng chức năng.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, xe máy vẫn là phương thức đi lại chủ yếu của người dân, chiếm tới 80 - 90% lưu lượng giao thông trên đường, nên việc cải thiện hành vi của người đi xe máy chắc chắn sẽ giúp kéo giảm thêm TNGT.
Trong khi đó, hiện nay nhiều địa phương đã và đang đầu tư, lắp đặt hệ thống camera giám sát chỉ huy điều hành giao thông phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính, nhất là trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông. Chủ trương đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để thu thập dữ liệu và "phạt nguội" vi phạm giao thông thay vì phạt trực tiếp cũng được lãnh đạo Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia chỉ đạo tập trung thực hiện.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị, với nhóm hành vi vi phạm của người điều khiển xe máy cũng cần tăng cường xử "phạt nguội", để phòng ngừa vi phạm và nguy cơ TNGT liên quan đến người đi xe máy.
Theo ông Khuất Việt Hùng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, từ năm 1990 trở về trước, đô thị Việt Nam là đô thị phi cơ giới, phương tiện giao thông được sử dụng chính là xe đạp. Tuy nhiên, từ năm 2000 các đô thị lớn chủ yếu là xe máy. Ưu điểm của loại hình phương tiện giao thông này là dễ tiếp cận, song bất cập là nguy cơ gây tai nạn giao thông lớn. Ông Hùng dẫn chứng, có đến 60% số tai nạn giao thông là người đi xe máy gây ra; 90% người thiệt hại trong số các vụ tai nạn giao thông là người đi xe máy.
Kỳ 2: "Phạt nguội" người đi xe máy nhìn từ Bắc Giang
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.