Phát triển giao thông xanh tại Việt Nam

Tác giả: Linh Nhật

saosaosaosaosao
Diễn đàn khoa học 21/11/2016 04:30

Việc mở rộng và xây dựng mới các công trình hạ tầng giao thông sẽ không thể thỏa mãn nhu cầu đi lại ngày càng tăng tại các đô thị và giải pháp cơ bản, lâu dài chính là phát triển giao thông công cộng để thay thế cho phương tiện giao thông cá nhân. Đó cũng chính là xu thế và chiến lược để phát triển các đô thị xanh, giao thông xanh bền vững và sinh thái, tạo nên tính cạnh tranh cao hơn giữa các đô thị…

Anh cua bai

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất từ nước biển dâng và là nước thứ 2 trên thế giới đã và đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của tác động biến đổi khí hậu. Các đô thị tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển đô thị xanh, bền vững, đặc biệt là phát triển giao thông xanh.

Cụ thể: Quy hoạch các đô thị Việt Nam hầu hết đều được lập theo phương pháp truyền thống. Sản phẩm quy hoạch thiếu sự linh hoạt, thiếu sự phối hợp đa ngành trong quá trình lập quy hoạch, thiếu kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch và nguồn lực để xây dựng theo quy hoạch…

Đặc biệt, trong thời gian qua, công tác quy hoạch phát triển GTVT thiếu đồng bộ và nguồn lực thực hiện nên tốc độ phát triển mạng lưới đường bộ chậm so với nhu cầu đi lại; việc phát triển các hình thức giao thông thân thiện với môi trường như đi bộ, giao thông phi cơ giới, giao thông công cộng… chưa được quan tâm.

Trong khi đó, kết cấu hạ tầng giao thông tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, tỷ lệ đất dành cho giao thông còn thấp; thiếu các điểm dừng xe, bãi đỗ xe; nhất là tại các đô thị lớn, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ với tốc độ nhanh hơn thực trạng đầu tư cải tạo, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; việc kiểm soát khí thải xe cơ giới còn phức tạp và thiếu thống nhất giữa các ngành liên quan… Cùng với đó, phương tiện cá nhân gia tăng một cách nhanh chóng và không kiểm soát được (bình quân hàng năm tăng trên 10%) đang là một trong các tác nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường.

Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng), giao thông đóng vai trò quan trọng trong phát triển đô thị và có ý nghĩa đặc biệt trong xây dựng đô thị theo hướng xanh và bền vững. Giao thông công cộng là bộ phận cấu thành của hệ thống GTVT đô thị. Chiến lược Phát triển GTVT của Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030 cũng đặt ra yêu cầu cơ bản về phát triển giao thông công cộng. Mục tiêu đặt ra là nhanh chóng phát triển phương thức vận tải nhanh, khối lượng lớn đối với các đô thị lớn; đảm bảo tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng từ 25 - 30% đến năm 2020; phát triển vận tải ở các đô thị theo hướng sử dụng vận tải công cộng là chính, đảm bảo hiện đại - an toàn - tiện lợi; đồng thời, kiểm soát gia tăng phương tiện cá nhân…

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, trước hết phải phát triển hoàn thiện hệ thống mạng lưới giao thông theo quy hoạch được duyệt; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào thiết kế, xây dựng khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng thân thiện với môi trường; phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng; kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông; tăng cường năng lực quản lý và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường GTVT cho cán bộ quản lý…

Bên cạnh đó, thực hiện xây dựng các tuyến phố đi bộ, khuyến khích cộng đồng tham gia giao thông bằng các phương tiện phi cơ giới như xe đạp, xe điện và đi bộ, đồng thời khuyến khích việc đầu tư phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn sử dụng năng lượng sạch, ít gây ô nhiễm môi trường như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao và xe buýt nhanh…

Phát triển đô thị xanh, giao thông xanh là định hướng mang tính chiến lược, cần có sự quan tâm vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương tới địa phương và toàn thể cộng đồng. Với tư duy đúng, lộ trình phù hợp và những giải pháp sáng tạo, phát triển đô thị xanh, giao thông xanh sẽ đóng góp một phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia…

Phát triển giao thông xanh ở TP. Hồ Chí Minh

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục Dự án hỗ trợ kỹ thuật cho Dự án Phát triển giao thông xanh TP. Hồ Chí Minh do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Dự án nhằm cải thiện chất lượng và hiệu quả của hệ thống giao thông công cộng dọc theo hành lang ưu tiên cao ở TP. Hồ Chí Minh.

Tổng vốn của Dự án là 10,77 triệu USD, trong đó 10,5 triệu USD vốn viện trợ không hoàn lại của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) ủy thác WB quản lý, vốn đối ứng 0,27 triệu USD (tương đương 5,955 tỷ đồng).

Dự án sẽ quy hoạch phân khu từng quận huyện dọc hành lang và thiết kế đô thị dọc hành lang được điều chỉnh phù hợp tạo điều kiện cho việc thực hiện quy hoạch phát triển theo định hướng TOD (định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở phát triển đô thị); một cơ chế khuyến khích thành phần tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng giao thông công cộng được xây dựng; khung pháp lý và quy định nhằm phát triển đô thị tinh gọn, bền vững, tập trung quanh trạm dừng giao thông công cộng khối lượng lớn trên nguyên tắc TOD.

Bên cạnh đó, không gian công cộng điển hình được xây dựng dọc hành lang nhằm tăng tính thu hút của hệ thống BRT và việc phát triển đô thị xung quanh trạm dừng BRT; số lượng hành khách sử dụng hệ thống xe buýt nhanh tăng từ 24.700 hành khách/ngày lên thành 27.000 hành khách/ngày tại thời điểm năm thứ 5 sau khi bắt đầu dự án và từ 27.000 hành khách/ngày lên 29.000 hành khách/ngày vào năm thứ 6.

Dự án được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2020, UBND TP. Hồ Chí Minh là cơ quan chủ quản Dự án.

Ý kiến của bạn

Bình luận