Phát triển hạ tầng giao thông thực hiện CNH, HĐH đất nước trong các Nghị quyết của Đảng

Tiêu điểm tháng 09/01/2023 10:06

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước là chủ trương lớn, là nhiệm vụ chiến lược, trung tâm, quan trọng hàng đầu của Đảng, Nhà nước...


Tại Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thảo luận và thống nhất thông qua Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là nội dung quan trọng, mang tính xuyên suốt, được Đảng tập trung chỉ đạo để đạt được những kết quả toàn diện nhất, thiết thực nhất, phù hợp với sự vận động, phát triển của thời đại.

Phát triển hạ tầng giao thông thực hiện CNH, HĐH đất nước trong các Nghị quyết của Đảng - Ảnh 1.

Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn (Quảng Ninh)

Chủ trương xuyên suốt, nhất quán trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Dưới quan điểm của Đảng, CNH, HĐH đất nước là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội, dựa chủ yếu vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; là nhiệm vụ trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Trải qua mỗi kỳ Ðại hội, dù cho cách diễn đạt có thể khác nhau, nhấn mạnh các nhiệm vụ cấp bách khác nhau phù hợp mỗi giai đoạn phát triển của đất nước, song về cơ bản, Ðảng ta đã đề ra và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nhiều chủ trương, đường lối quan trọng về CNH, HĐH với tinh thần xuyên suốt, nhất quán là hướng tới đẩy mạnh CNH, HĐH nhằm đưa đất nước trở thành nước công nghiệp phát triển có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng cao.

Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước ta đã có thế và lực mới, Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, chủ động, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, chủ động, thực chất, hiệu quả, Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề cập và nhấn mạnh tính tổng thể, toàn diện của CNH, HĐH đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới. Ðây cũng là những định hướng để cụ thể hóa các chủ trương của Ðảng nêu trong Văn kiện Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng; là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng trong việc định hướng những tư duy mới, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp mới nhằm tạo động lực thúc đẩy CNH, HĐH đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XIII.

Đại hội XIII nhấn mạnh: "Tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển quốc gia, các vùng, các ngành, lĩnh vực phù hợp với thực tiễn đất nước nhằm nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế; đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực, thế giới".

Chủ trương đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức không chỉ là sự tiếp nối đường lối chiến lược CNH, HĐH đã được đề ra trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (năm 1991) mà còn là bước phát triển mới trong nhận thức của Đảng từ Đại hội IX, Đại hội X, Đại hội XI, Đại hội XII và Đại hội XIII. Điều đó không chỉ phản ánh tư duy tích cực đổi mới, ngày càng nắm bắt xu thế tất yếu của thời cuộc mà còn cho thấy sự vận dụng sáng tạo của Đảng ta về phát triển kinh tế tri thức nhằm đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại.

Tư duy lý luận của Ðảng đã thể hiện sự nhất quán, vận dụng sáng tạo tinh thần chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về mục tiêu xuyên suốt của CNH, HĐH đất nước nhằm không ngừng phát triển, nâng cao trình độ của lực lượng sản xuất, nâng cao năng suất lao động xã hội, xây dựng cơ sở vật chất, từ đó cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng, củng cố thế và lực của đất nước, phát triển nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng XHCN. Ðây cũng chính là quá trình từng bước thực hiện mô hình CNH, HĐH phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển của Việt Nam.

Phát triển hạ tầng giao thông là nền tảng để hiện đại hóa đất nước

Qua hơn 35 năm đổi mới, tư duy lý luận và chủ trương, đường lối của Ðảng về CNH, HĐH gắn với phát triển nông nghiệp, các ngành dịch vụ, các lĩnh vực đô thị, kết cấu hạ tầng, các đột phá về cơ sở vật chất ở những ngành kinh tế công nghiệp nền tảng... cho thấy sự thống nhất và phát triển, hoàn thiện về mặt tư duy lý luận, gắn chặt với thực tiễn sinh động.

Trong nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII xác định cần thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho CNH, HĐH đất nước.

Theo đó, tiếp tục xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia và vùng về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu, năng lượng, hạ tầng số, các công trình hạ tầng xã hội về y tế, giáo dục của vùng.

Phát triển hệ thống đường bộ cao tốc đạt mục tiêu 5.000 km vào năm 2030; quan tâm đúng mức và phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt có trọng tâm, trọng điểm; tập trung cải tạo, nâng cấp để tiếp tục khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có; nghiên cứu, sớm đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số thành phố khác, một số tuyến đường sắt kết nối với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển.

Tiếp tục đẩy nhanh xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2030; xây dựng đề án tổng thể, thống nhất về cơ chế giao quản lý, khai thác các tài sản kết cấu hạ tầng giao thông hàng hải, hàng không, đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa theo hướng tăng cường xã hội hóa, tách biệt rõ vai trò quản lý nhà nước với vai trò quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng GTVT; nghiên cứu áp dụng thí điểm mô hình đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư - sử dụng công; đa dạng hóa nguồn lực, huy động tối đa nguồn lực từ quỹ đất trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.