Phi công nghỉ việc phải báo trước 4 tháng để tránh rối loạn

30/09/2018 07:28

Lãnh đạo Bộ Giao thông cho rằng phi công là công việc đặc thù nên mỗi hãng có thể quy định riêng nhằm đáp ứng thực tiễn.

 

Phi công nghỉ việc phải báo trước 4 thán
Phi công nghỉ việc gây ảnh hưởng cho hãng hàng không. Ảnh minh họa: Đ.Loan

Chiều 28/9, trao đổi với báo chí về thư phản ánh vi phạm trong tuyển dụng phi công Vietnam Airlines của đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hãng Vietnam Airlines đã có báo cáo, rà soát các nội dung tuyển dụng phi công mà đại biểu Cương yêu cầu. Bộ Giao thông vận tải đã trả lời thư cho đại biểu.

"Mỗi hãng có quy trình đào tạo và tuyển dụng phi công riêng. Doanh nghiệp được làm theo đúng quy trình đó, việc đưa quy trình có vi phạm hay không thì chúng tôi đang xác minh", Thứ trưởng Đông nói.

Đề cập thông tư 21 của Bộ Giao thông vận tải quy định phi công nghỉ việc phải báo trước ít nhất 120 ngày là trái Bộ luật Lao động (Bộ Luật quy định, lao động nghỉ việc phải báo trước ít nhất 45 ngày), Thứ trưởng Đông nói, thông tư đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Luật Hàng không quy định, phi công là lao động đặc thù. Để tuyển phi công có kinh nghiệm thì mất ít nhất 4 tháng, do phi công phải học chính sách an toàn, làm quen các loại đường bay, có quá trình bay mô phỏng. Trước đây, các hãng hàng không đề nghị quy định báo trước 6 tháng, sau đó Bộ Giao thông vận tải đã quy định rút ngắn xuống 120 ngày. Ngoài ra, phi công bỏ hãng vào dịp cao điểm hè hoặc Tết thì đề nghị lùi thêm một tháng, để duy trì hoạt động hàng không bình thường, tránh rối loạn.

Ông Đông nói thêm, cuối năm 2017, các chuyến bay của hãng Jetstar Pacific bị ảnh hưởng do thiếu phi công, hãng Vietnam Airlines phải điều động phi công sang hỗ trợ. Cách đây 2 tháng, hãng Vietjet có nhiều chuyến bay bị ảnh hưởng do thiếu tiếp viên, vì nhiều tiếp viên báo nghỉ ốm song thực tế là họ dự tuyển vào hãng khác.

"Hiện nay tình trạng thiếu phi công trên thế giới là phổ biến nên tìm phi công cần thời gian. Do đó, quy định nghỉ việc phải điều chỉnh vì lợi ích của cá nhân và lợi ích cộng đồng", ông Đông nêu quan điểm.

Thứ trưởng Đông cũng khẳng định, nếu cơ quan kiểm soát văn bản có ý kiến thì Bộ Giao thông vận tải sẽ giải thích như vậy. 

 

Ý kiến của bạn

Bình luận