Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Cảng Hàng không Quảng Trị tạo động lực phát triển cho khu vực Trung bộ

Tác giả: Đại Thắng

saosaosaosaosao
Hàng không 06/07/2024 22:42

Ngày 6/7, UBND tỉnh Quảng Trị và liên danh nhà đầu tư T&T - CIENCO 4 chính thức khởi công Dự án Đầu tư xây dựng Cảng Hàng không (CHK) Quảng Trị với tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng.

cảng hàng không quảng trị
Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Cảng Hàng không Quảng Trị  tạo động lực phát triển cho khu vực Trung bộ - Ảnh 1.

Phối cảnh CHK Quảng Trị

Tham dự lễ khởi công có Phó Chủ tịch Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh Quảng Trị và chủ đầu tư, nhà thầu thi công.

Dự án Đầu tư xây dựng CHK Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại Quyết định số 2148/QĐ-TTg ngày 20/12/2021 và được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 8/2023.

Mục tiêu dự án nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải đường hàng không ngày càng tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển chính trị, kinh tế, xã hội; đảm bảo tính cơ động cao trong việc phòng thủ cũng như trong công tác cứu hộ, cứu nạn; đảm bảo quốc phòng - an ninh của khu vực Trung bộ nói chung và của tỉnh Quảng Trị nói riêng; phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển GTVT.

CHK Quảng Trị được xây dựng tại các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Dự án có quy mô hơn 265 ha, tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng, được xây dựng đạt tiêu chuẩn CHK cấp 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II, có khả năng phát triển khai thác tàu bay Code E, đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách/năm và 25.500 tấn hàng hóa/năm.

Thời gian thực hiện dự án là 50 năm, trong đó thời gian chuẩn bị dự án và đầu tư xây dựng là 24 tháng; thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn là 47 năm 2 tháng. Dự kiến đến tháng 7/2026, CHK Quảng Trị sẽ được đưa vào khai thác, sử dụng.

CHK Quảng Trị được xác định là một trong 16 CHK quốc nội thời kỳ 2021 - 2030 và một trong 19 CHK quốc nội tầm nhìn đến năm 2050 theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023. Trước đó, CHK Quảng Trị đã được Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 188/QĐ-BGTVT ngày 26/1/2021.

Cuối tháng 12/2023, tỉnh Quảng Trị đã trao Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp dự án PPP cho liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng giao thông T&T (thành viên Tập đoàn T&T Group) và Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO 4.

Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, việc quy hoạch, đầu tư xây dựng CHK Quảng Trị không chỉ là một công trình hạ tầng giao thông thuần túy phục vụ mục đích thương mại, dịch vụ, vận tải hàng hóa, logistics, đảm bảo quốc phòng, an ninh, mà còn chứa đựng một ý nghĩa vô cùng lớn lao - trở thành biểu tượng của hòa bình, của hợp tác phát triển và hội nhập; là "đòn bẩy" thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của mảnh đất Quảng Trị. Sự kiện quan trọng này cũng mở ra cơ hội để Quảng Trị được kết nối bằng đường hàng không, rút ngắn hành trình trên dặm dài thiên lý Bắc - Nam.

"Dự án CHK Quảng Trị là dự án CHK đầu tiên trong cả nước được triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) ngay sau khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực. Để tạo điều kiện cho tỉnh thực hiện hoàn thành dự án trọng điểm này sớm nhất, tỉnh Quảng Trị cam kết sẽ đồng hành, tạo mọi điều kiện và bàn giao mặt bằng còn lại trong năm 2024 để liên danh nhà đầu tư triển khai dự án theo đúng kế hoạch đề ra", ông Hưng cho biết. 

Thay mặt liên danh nhà đầu tư, ông Đỗ Quang Hiển, Nhà sáng lập, Chủ tịch Ủy ban Chiến lược Tập đoàn T&T Group cam kết sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực để hoàn thành CHK Quảng Trị, đưa dự án trở thành động lực phát triển kinh tế địa phương, đồng thời trở thành cầu nối gắn kết, kết nối nhân dân cả nước hướng về vùng đất thiêng Quảng Trị. Cùng với các dự án động lực, quy mô lớn khác về năng lượng, hạ tầng, bất động sản khác của T&T Group đang được triển khai và đề xuất đầu tư, T&T Group quyết tâm gắn bó, đồng hành cùng Quảng Trị, thực hiện mục tiêu đến năm 2030 đưa Quảng Trị trở thành tỉnh đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước theo Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 29/12/2023.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Cảng Hàng không Quảng Trị  tạo động lực phát triển cho khu vực Trung bộ - Ảnh 2.

Lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, tỉnh Quảng Trị cùng chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện nghi thức khởi công dự án

Biểu dương tinh thần trách nhiệm, sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân và đánh giá cao sự đồng hành đầy quyết tâm của liên danh nhà đầu tư trong việc phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh Quảng Trị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhìn nhận, thực tiễn đã chứng minh và khẳng định vai trò "mở đường" vô cùng quan trọng của hạ tầng giao thông, trong đó có sân bay. Giao thông phát triển đến đâu sẽ thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội đến đó; tạo điều kiện để mở ra không gian phát triển mới với nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, khu dịch vụ - du lịch được hình thành và phát triển, quỹ đất được khai thác hiệu quả với giá trị gia tăng cao hơn và đặc biệt là giảm chi phí logistics, tăng cường lưu thông, nâng cao hiệu quả các hoạt động kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Phó Thủ tướng cho hay, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ đã xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong ba đột phá chiến lược.

Để thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm, dành nguồn lực rất lớn với nhiều hình thức đầu tư và chính sách phù hợp để huy động xã hội hóa cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, về hàng không, đã khánh thành cải tạo nâng cấp CHK Điện Biên, Phú Bài, đường cất hạ cánh CHK Nội Bài, Tân Sơn Nhất và đang triển khai xây dựng CHK quốc tế Long Thành, mở rộng CHK Cát Bi, Nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất, Nhà ga hành khách T2 Nội Bài…

Với vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của tỉnh Quảng Trị trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, CHK Quảng Trị đã được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch là một trong 30 CHK của cả nước được đầu tư trước năm 2030, với tổng vốn đầu tư gần 6.000 tỷ đồng, quy mô cấp 4C, sân bay quân sự cấp II và giao UBND tỉnh Quảng Trị là cơ quan có thẩm quyền để kêu gọi đầu tư dự án từ nguồn vốn xã hội hóa. 

"Sau khi hoàn thành, CHK Quảng Trị có khả năng phát triển khai thác tàu bay Code E, đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách/năm và 25.500 tấn hàng hóa/năm, góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải đường hàng không ngày càng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đảm bảo tính cơ động cao trong xây dựng khu vực phòng thủ, đảm bảo quốc phòng - an ninh của khu vực Trung bộ nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Để hoàn thành dự án quan trọng này, đồng thời bảo đảm an toàn, chất lượng, tiến độ, hiệu quả theo kế hoạch, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT và các bộ, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm, ủng hộ và có trách nhiệm giải quyết kịp thời các thủ tục và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng và nghiệm thu, đưa công trình vào vận hành, khai thác.

Phó Thủ tướng đề nghị Tỉnh Quảng Trị cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư, các đơn vị xây dựng, tư vấn trong quá trình triển khai dự án, nhất là bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng, tái định cư, giữ vững an ninh trật tự; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo chất lượng công trình.

Bên cạnh đó, nhằm tận dụng tốt hiệu quả của phương thức vận tải hàng không, ngay từ bây giờ, tỉnh Quảng Trị cần chủ động xây dựng các cơ chế, chính sách; kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch tâm linh, về nguồn kết hợp khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nhất là các khu bảo tồn thiên nhiên kỳ thú và các bãi biển đẹp trên địa bàn.

Ban QLDA, tư vấn giám sát và nhà thầu phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại, xây dựng kế hoạch, phương án thi công khoa học, chi tiết, phù hợp, đảm bảo hiệu quả, chất lượng, an toàn, giữ gìn môi trường; tuân thủ tuyệt đối yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.