Phó thủ tướng Trương Hòa Bình. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Sáng 15/8, quan điểm này được Phó thủ tướng Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia, nêu ra tại cuộc họp của Ủy ban này.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đề cập đến việc tốc độ tăng trưởng đội tàu bay trong nước thời gian qua dẫn đến nhu cầu cao về nguồn lực phi công, nhân viên bảo dưỡng tàu, tiếp viên hàng không... Với thực tế các hãng đang sử dụng tỷ lệ phi công nước ngoài cao, nhiều quốc tịch (lên đến 50 quốc tịch), ông đánh giá "có nguy cơ gây ra khó khăn trong công tác kiểm soát và tiêu chuẩn hóa".
Lãnh đạo Chính phủ nêu rõ "phi công do Nhà nước đào tạo là tài nguyên quốc gia, do vậy không nên để xảy ra tình trạng giành giật phi công trong nước". Các hãng không được quảng cáo quá năng lực; không tăng chuyến để buộc phi công phải quay vòng nhanh.
"Phải hướng đến ngành hàng không lành mạnh, tăng vị thế quốc gia, phát triển đúng chiến lược về nguồn nhân lực, tàu bay", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn, 7 tháng qua thị trường hàng không Việt Nam tăng trưởng 8,4% về sản lượng vận chuyển so với cùng kỳ năm 2018, tăng 29 máy bay; thêm một hãng hàng không mới là Bamboo Airways (các hãng trước đó gồm Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar và Vasco).
Vietnam Airlines đã đào tạo gần 800 trong tổng số 1.200 phi công là người Việt Nam. Từ khi thị trường hàng không có sự cạnh tranh mạnh, hãng này phải đối diện với nguy cơ chảy máu chất xám do các doanh nghiệp mới sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút phi công.
"Đầu tư cơ sở để đào tạo phi công, kỹ sư bài bản mất nhiều thời gian, tiền của, chúng tôi không thể yên tâm đầu tư lâu dài khi phải đối diện với những sự bất ổn, đảo lộn về thị trường như vậy", một lãnh đạo Vietnam Airlines nêu ý kiến.
Tại diễn đàn Quốc hội tháng 6, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận có tình trạng một số hãng hàng không tư nhân mới ra đời mua về nhiều máy bay nhưng không có chính sách thu hút nhân lực từ nước ngoài, không có kế hoạch đào tạo, thay vào đó lại bỏ kinh phí lôi kéo nhân lực của các đơn vị khác khiến kế hoạch của những hãng này bị ảnh hưởng.
Liên quan đến các tai nạn với tàu bay B737 Max của hãng hàng không Lion Air và Ethiopia Airlines, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn nói Cục hàng không đã chủ động theo dõi và đưa ra quyết định cấm hoạt động khai thác tàu bay B737 Max trong không phận Việt Nam. Hiện cơ quan chức năng chờ kết luận điều tra nguyên nhân tai nạn, công tác khắc phục được phê chuẩn bởi Cục hàng không liên bang Mỹ (FAA) và một số nhà chức trách hàng không khác..., trước khi quyết định việc cho phép khai thác B737 Max tại Việt Nam. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.