Đừng cố gồng mình |
Khi điều khiển xe máy, hãy thả lỏng phần vai của mình. Đừng cố gồng lên hết sức tránh bị mỏi. Nhất là đối với những chuyến đường dài thì cần phải lưu ý hơn. Bên cạnh đó, bạn nên tạo tư thế ngồi tốt nhất. Hãy điều chỉnh phần hông và lưng đúng tư thế giúp bạn đỡ nhức mỏi hơn do máu tụ lại.
Tốt nhất cần giữ lưng thẳng và hơi nghiêng nhẹ về phía trước. Đặc biệt không được bật ngửa hay chồm tới. Cố gắng đảm bảo không chùng lưng xuống. Đây là điều mà khá nhiều người Việt mắc phải. Lâu ngày sẽ dẫn đến các bệnh về xương khớp như tê nhức vai gáy, thoái hóa cột sống…
Đối với phần hông, đừng nên ngồi quá gần phía trước hay lùi về sau quá nhiều. Việc này khiến bạn khó mà sang số khi điều khiển xe. Trường hợp bất ngờ như gặp chướng ngại vật, người băng qua đường đột ngột chắc chắn trở tay không kịp.
Ngoài ra, cần lưu ý với vị trí đặt bàn chân khi lái xe. Đối với loại xe tay ga thì khỏi phải bàn, bạn chỉ việc đặt chân vào đúng vị trí sàn xe. Còn xe số thì cần đặt chân sao cho mũi bàn chân luôn hướng về phía trước. Để có thể sẳn sàng sử dụng phanh bất cứ lúc nào.
Hai tay khi điều khiển xe phải mở một góc 120 độ thoải mái nhất. Cũng như phần vai, đừng cố gồng lên. Vừa làm mỏi mệt vừa tạo ra một hình dáng chẳng giống ai khi lái xe trên đường. Chưa kể, nếu nắm chặt quá, tay bạn có thể bị viêm bao gân ở tay. Hãy thả lỏng nhưng tuyệt đối đừng thả một tay hoặc cả hai tay khi lái xe. Rất nguy hiểm.
Mắt phải luôn tập trung nhìn về phía trước. Đảm bảo tầm nhìn để quan sát tình hình giao thông. Từ đó đưa ra các quyết định xử lý kịp thời và chuẩn xác nhất. Tránh xoay trước ngó sau liên tục hoặc mải mê nhìn các hàng quán ven đường. Đặc biệt là mãi mê cắm cúi vào màn hình điện thoại. Rất nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra do lỗi này.
Hiểu rõ xe như chính bản thân mình
Bên cạnh những tư thế lái cơ bản thì bạn cũng cần phải nắm rõ nhưng nguyên tắc an toàn khi điều khiển xe. Điều này không chỉ giúp bạn hoàn thiện các kỹ năng mà còn bảo vệ tính mạng trước những rủi ro trên đường.
Việc đầu tiên tất nhiên là phải hiểu rõ chiếc xe như hiểu rõ chính bản thân mình. Còi xe nằm ở đâu, sử dụng nó trong trường hợp nào. Hệ thống phanh xe ra sao, có hoạt động tốt hay không, nên phanh như thế nào mới đúng.
Rồi xe sử dụng loại lốp gì, có đảm bảo tiêu chuẩn không. Có bị mòn, cũ dẫn đến độ bám đường giảm. Rồi mỗi loại xe có đặc tính khác nhau thì sử dụng thế nào mới hợp lý. Không thể điều khiển xe tay ga như các mô tô phân khối lớn. Cách phanh, ôm cua cũng khác nhau. Nếu không biết bạn có thể gặp phải những rắc rối không hề nhỏ.
Hãy tập trung cao độ khi lái xe là điều mà mỗi tài xế cần chú ý. Đừng suy nghĩ vẩn vơ khi đang lưu thông trên đường. Một phút bất cẩn cũng gây ra những vụ tai nạn không ngờ. Vì vậy, hạn chế nghe, nhắn tin điện thoại, hay đeo tai phone khi điều khiển xe.
Chú ý quan sát các biển báo bên đường cũng như tình hình giao thông để xử lý tốt khi có người đi bộ băng qua đường, xe ô tô ngược chiều, người lái xe máy cùng chiều phía trước, hoặc trẻ em đi trên vỉa hè…Nên nhìn gương chiếu hậu nhiều hơn để đảm bảo mọi thứ không thoát khỏi tầm mắt của bạn.
Nếu lái xe ban đêm, càng phải tập trung cao độ hơn. Nhất là trong trường hợp các xe ngược chiều sử dụng đèn pha hoặc đèn độ, gây chói mắt. Hãy dùng còi báo hiệu khi khuất tầm nhìn, không nên chạy quá sát ô tô hoặc song song với chúng. Nếu có thể, hãy sử dụng các loại trang phục sáng màu, bắt mắt để xe khác dễ dàng thấy bạn.
Điểm cuối cùng cần lưu ý đó là không nên cố vượt mặt xe khác khi chưa đảm bảo các yếu tố an toàn. Điều này tồn đọng khá nhiều rủi ro mà bạn không thể kiểm soát được. Chỉ nên vượt khi xe ngược chiều cách xa xe của mình, tầm nhìn phía trước thông thoáng không bị ngăn trở và tình hình giao thông vắng vẻ.
Tuyệt đối không vượt khi qua các ngã rẽ hay khúc quanh. Sử dụng đèn và còi báo hiệu khi vượt để cảnh báo các phương tiện khác. Nhớ rằng trước, trong và sau khi vượt phải chú ý giữ cự ly an toàn với xe bị vượt.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.