Về điều kiện tham gia giao thông, Luật Giao thông đường bộ quy định người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.
Bên cạnh đó, xe tập lái và người ngồi trên xe tập lái phải đáp ứng các quy tắc sau:
- Xe tập lái phải có Giấy phép xe tập lái do Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải cấp.
- Xe tập lái phải có biển xe “Tập lái” theo mẫu quy định; có ghi tên cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý trực tiếp ở mặt ngoài hai bên cánh cửa hoặc hai bên thành xe theo quy định.
- Giáo viên thực hành phải đeo phù hiệu ““Giáo viên dạy lái xe”, học viên tập lái phải đeo phù hiệu “Học viên tập lái xe”.
- Giáo viên dạy thực hành phải cho học viên chạy đúng tuyến đường, thời gian quy định trong Giấy phép xe tập lái.
Ngoài ra, các tiêu chuẩn (chuyên môn, kỹ thuật) về giáo viên dạy thực hành, xe tập lái, sân tập lái, đường tập lái…phải được thực hiện nghiêm túc. Cụ thể, theo Thông tư 46/2012/TT-BGTVT, các tiêu chuẩn được quy định chi tiết như sau:
Về tiêu chuẩn giáo viên dạy thực hành lái xe :
- Giáo viên dạy lái xe ô tô phải có giấy phép lái xe hạng tương ứng hoặc cao hơn hạng xe đào tạo, nhưng không thấp hơn hạng B2; thời gian hành nghề lái xe của giáo viên dạy các hạng B1, B2 từ 03 năm trở lên; thời gian hành nghề lái xe của giáo viên dạy các hạng C, D, E và F từ 05 năm trở lên.
- Đã qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe theo hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và được cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe theo mẫu quy định.
Về xe tập lái:
- Cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải có xe số tự động (thuộc sở hữu hoặc hợp đồng), bảo đảm số giờ tập lái theo nội dung, chương trình đào tạo.
- Ô tô tải được đầu tư mới để dạy lái xe các hạng B1, B2 phải là xe có trọng tải từ 1.000 kg trở lên với số lượng không quá 30% tổng số xe tập lái cùng hạng của cơ sở đào tạo.
- Có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ còn hiệu lực.
- Có hệ thống phanh phụ bố trí bên ghế ngồi của giáo viên dạy thực hành lái xe, kết cấu chắc chắn, thuận tiện, an toàn, bảo đảm hiệu quả phanh trong quá trình sử dụng.
- Thùng xe phải có mui che mưa, nắng và ghế ngồi chắc chắn cho người học.
Về sân tập lái xe:
- Cơ sở đào tạo lái xe ô tô có lưu luợng đào tạo 1.000 học viên trở lên phải có ít nhất 02 sân tập lái xe, bảo đảm diện tích mỗi sân theo quy định.
- Sân tập lái ô tô phải có đủ hệ thống biển báo hiệu đường bộ, đủ tình huống các bài học theo nội dung chương trình đào tạo. Kích thước các hình tập lái phù hợp tiêu chuẩn Trung tâm sát hạch lái xe đối với từng hạng xe tương ứng.
- Mặt sân có cao độ và hệ thống thoát nước bảo đảm không bị ngập nước; bề mặt các làn đường và hình tập lái trong sân được thảm nhựa hoặc bê tông xi măng, có đủ vạch sơn kẻ đường và hình các bài tập lái được bó vỉa.
- Có diện tích dành cho cây xanh; nhà chờ có ghế ngồi cho học viên học thực hành.
Về diện tích tối thiểu của sân tập lái:
- Đào tạo các hạng B1 và B: 8.000 m2.
- Đào tạo đến hạng C: 10.000 m2.
- Đào tạo đến các hạng D, E và F: 14.000 m2.
Về đường tập lái xe ô tô:
Đường giao thông công cộng do Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải quy định cho cơ sở đào tạo để dạy lái xe phải có đủ các tình huống giao thông phù hợp với nội dung chương trình đào tạo, như: đường bằng, đường hẹp, đường dốc, đường vòng, qua cầu, đường phố, thị xã, thị trấn đông người. Tuyến đường tập lái (kể cả đường thuộc địa bàn tỉnh, thành phố khác) phải được ghi rõ trong giấy phép xe tập lái.
*Thông tin bài viết tham khảo từ Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 171/2013/NĐ-CP và Thông tư 46/2012/TT-BGTVT.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.