Tăng mức trần học phí trường chất lượng cao. |
Trường chất lượng cao là mô hình trường học đã được triển khai thí điểm tại Hà Nội từ khoảng 10 năm về trước. Song phải đến năm 2013, khi Luật Thủ đô ra đời, mô hình này mới có căn cứ pháp lý chính thức để thực hiện.
Điều đáng nói cho đến nay, Hà Nội vẫn là địa phương đầu tiên và duy nhất xây dựng mô hình trường chất lượng cao với những tiêu chuẩn bắt buộc về điều kiện dạy học, về chương trình giáo dục, dịch vụ, cam kết chất lượng...
Theo Nghị quyết điều chỉnh, mức trần học phí của các trường công lập chất lượng cao sẽ tăng theo lộ trình trong 4 năm học liên tiếp với các mức khác nhau tùy từng cấp học, từ năm học 2016-2017 đến năm học 2019-2020.
Theo đó, đối với trường mầm non, tiểu học năm học 2016-2017 là 3,9 triệu đồng/học sinh/tháng, đến năm học 2019-2020 là 5,1 triệu đồng/học sinh/tháng. Bậc THCS, THPT năm học 2016-2017 là 4,1 triệu đồng/học sinh/tháng, đến năm học 2019-2020 là 5,3 triệu đồng/học sinh/tháng.
Từ năm học 2020-2021 trở đi, mức trần học phí sẽ được điều chỉnh cùng với việc xây dựng định mức phân bổ ngân sách và các yếu tố liên quan. Trên cơ sở mức trần học phí quy định, hàng năm hiệu trưởng nhà trường xem xét quyết định mức thu học phí cụ thể sao cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Khi thông tin tăng học phí được đưa ra, rất nhiều phụ huynh học sinh không khỏi băn khoăn. Chị Nguyễn Mai có con chuẩn bị vào lớp 1 năm học tới cho biết: “Nếu theo đúng tuyến, con tôi sẽ vào học tại trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm) vào năm học tới.
Nhưng nếu năm sau thành phố quyết định mức trần học phí là 3,9 triệu đồng/học sinh/tháng, có lẽ tôi phải cân nhắc lại việc học của con. Vì theo tôi chi phí như vậy là quá cao. Tuy nhiên, nếu chỉ vì học phí cao mà phải cho con học trái tuyến cũng không đành".
Đồng qua điểm với chị Mai, chị Phương Anh - một phụ huynh có con đang học tại tiểu học Trưng Vương - cho biết: “Tăng học phí mà cơ sở vật chất cũng như chất lượng giáo dục không tăng thì nhà trường sẽ không có học sinh.
Vì với mức học phí 3,9 triệu đồng/ tháng, phụ huynh hoàn toàn có thể đăng ký cho con theo học tại các trường dân lập, các trường liên kết quốc tế cũng chỉ ở mức học phí tương đương như vậy”.
Anh Hải Nam (quận Long Biên) cho rằng: “Tôi thấy trường công lập chất lượng cao hiện nay có một số thay đổi về chương trình giảng dạy như tăng tiết học tiếng Anh, học ngoại khóa, cơ sở vật chất cũng đã được cải thiện nhưng chỉ ở mức 'nhỉnh' hơn các trường công bình thường.
Vì vậy, việc tăng học phí thời điểm này là chưa thực sự thuyết phục. Tăng học phí vậy chất lượng có tăng không? Hiện nay các trường công lập chất lượng cao mới chỉ quan tâm đầu tư cơ sở vật chất chứ chưa quan tâm nhiều đên chất lượng là chương trình giảng dạy.
Tôi thấy chương trình ở trường này với chương trình ở trường công lập bình thường không khác nhau là mấy. Chính vì vậy, phụ huynh sẽ rất cân nhắc khi cho con theo học ở đây”.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - cũng lo ngại mức học phí trường chất lượng cao ở Hà Nội là quá cao, nhất là ở bậc THPT.
“Hà Nội cần minh bạch cả về thu - chi lẫn chất lượng giảng dạy tại các trường chất lượng cao. Các tiêu chí phải rõ ràng, chứ không phải chuyện tận dụng cơ sở vật chất tốt, thuê vài người nước ngoài về dạy ngoại ngữ là 'đeo mác' chất lượng cao.
Cần xem xét thấu đáo bối cảnh thu nhập của các gia đình hiện nay, chứ không thể trường công lập mà chỉ đề dành cho học sinh 'con nhà giàu' theo học, như thế là bất bình đẳng”, ông Nhĩ phân tích.
Các phụ huynh có con đang theo học tại trường công bình thường cho biết hiện nay, ở bậc tiểu học chi phí cho 1 học sinh là từ 1-1,1 triệu đồng (bao gồm học phí, học tiếng anh và các khoản thu khác) được áp dụng cho cả khu vực nội và ngoại thành.
Trường bán công Trưng Vương đang thu ở mức 2 triệu đồng/tháng. Nếu trường chất lượng cao mà thu mình học phí đã là 3,9 triệu đồng là quá cao so với mức thu nhập của phụ huynh học sinh hiện nay.
Vấn đề này cũng không hẳn chỉ có phụ huynh băn khoăn mà bản thân các trường cũng cảm thấy “lo lắng”. Việc tăng học phí thực sự là một quyết định không dễ dàng với hiệu trưởng nhà trường bởi sẽ phải đối mặt với nguy cơ khó tuyển sinh, thậm chí còn phải lo “giữ chân” học sinh nếu không các em sẽ chuyển trường giữa chừng.
Khảo sát 8 trường công lập chất lượng cao hiện nay cho thấy, chỉ có một trường có mức thu học phí đạt mức trần quy định tại Nghị quyết 15/2013/NQ-HĐND (3,4 triệu đồng/học sinh/tháng ở cấp THPT), các trường còn lại có mức thu bình quân đạt 46% mức trần, trường có mức thu thấp nhất bằng 17% mức trần.
Rõ ràng, mối lo không tuyển được học sinh khiến cho các trường phải cân đo đong đếm kỹ càng khi quyết định điều chỉnh học phí. Nếu thu học phí cao, chất lượng giáo dục không tương xứng thì chính các nhà trường sẽ rơi vào tình trạng thiếu vắng học sinh và sẽ gây khó khăn trực tiếp cho các trường.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.