Chị Cúc bên cậu con trai 3 tuổi, năm nay cũng đi nhà trẻ. Ảnh: Đức Hùng |
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 nêu rõ chủ trương miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập. Hiện chưa rõ khi nào học sinh mới được miễn, bởi dự án Luật giáo dục sửa đổi còn đang lấy ý kiến, dự kiến thông qua vào kỳ họp đầu năm 2019. Tuy nhiên, chủ trương này đã nhận được phản ứng tích cực từ người dân và nhà giáo dục.
Nông dân vui vì bớt được khoản đóng góp
Từ Thái Bình, chị Quỳnh (35 tuổi) mừng ra mặt khi hay tin học sinh THCS và trẻ mầm non 5 tuổi sẽ được miễn học phí. Gia đình vay tiền mở tiệm may nhưng làm ăn thua lỗ nên nợ mấy trăm triệu đồng. Chồng chị lúc làm công nhân xây dựng, lúc làm hàn xì, lương bập bõm. Chị Quỳnh nhận hàng ở xưởng may công nghiệp về làm thêm, thu nhập mỗi tháng chỉ 1,5-2 triệu đồng.
"Con bé thi thoảng nhập viện, nhiều lúc trong nhà không có nổi 200.000 đồng. Đến đợt nộp học phí, tiền ăn cho con, tôi muối mặt nhờ ông bà, họ hàng giúp", người mẹ kể.
Tổng tiền học phí của hai con chị Quỳnh (lớn học lớp 7, bé học mầm non 4 tuổi) mỗi tháng khoảng 100.000 đồng, một năm học 900.000 đồng. Chi phí này nhỏ so với nhiều khoản đóng góp khác như tiền ăn bán trú (với bé 4 tuổi), tiền đồng phục, đóng góp mua sắm trang thiết bị trường học. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh của gia đình, miễn được khoản nào chị Quỳnh đều thấy vui.
Đọc báo biết tin miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS, chị Đặng Thị Cúc ở xã Thạch Lưu (Thạch Hà, Hà Tĩnh) rất vui. Năm nay, con gái vào lớp mầm non 5 tuổi, con trai 3 tuổi đi nhà trẻ. Vài tuần qua, vợ chồng chị luôn sốt sắng, chuẩn bị sẵn 5 triệu đồng để làm chi phí học tập cho con.
Chị Cúc chia sẻ, năm ngoái con gái học lớp 4 tuổi, phải đóng 2,7 triệu đồng cho cả năm. Khoản đóng không quá lớn, nhưng khi hai con cùng đi học, gia đình rất áp lực bởi ngoài tiền ở trường còn vô vàn khoản khác. Nếu được miễn học phí, vợ chồng sẽ có thêm khoản tiền để lo cho cuộc sống.
Tại Hà Tĩnh, trẻ 5 tuổi và học sinh THCS ở niền núi mỗi tháng đóng học phí 30.000-35.000 đồng, vùng nông thôn 45.000-50.000 đồng, thành thị 80.000-120.000 đồng. Nếu được miễn học phí, gia đình chị Cúc bớt được khoảng 500.000 đồng một năm. "Nông thôn thu nhập chủ yếu từ đồng áng và làm thuê, bớt được vài trăm nghìn đồng mỗi năm là rất quý giá", chị Cúc nói.
Bà Hoàng Thị Liễu (trú xã Thạch Lưu) có ba con đang tuổi ăn học, trong đó hai cháu bậc Tiểu học, một cháu bậc THCS. Mỗi tháng, vợ chồng bà đi làm thuê được khoảng 4 triệu đồng, chắt bóp mới đủ trang trải cuộc sống và tiền ăn học cho các con, không tiết kiệm được gì.
"Nếu được miễn học phí, tôi rất mừng. Bởi cứ đến kỳ nộp học phí, khi chưa có tiền, con bị nhắc tên trên lớp, cô giáo gọi điện giục nộp, tôi rất áp lực và thấy tội cho con. Mong chính sách này được thực hiện sớm", bà Liễu nói.
Theo người phụ nữ 47 tuổi, học phí mỗi tháng bà phải nộp cho con đang học THCS là 45.000 đồng, nếu được miễn cả năm sẽ tiết kiệm được 405.000 đồng. "Dân quê không có thu nhập, một năm tiết kiệm được khoản này là khá lớn, thay vì bữa ăn toàn rau dưa, tôi có thể trích ra mua thêm ít thịt", bà Liễu nói.
Phụ huynh thành phố không vui lắm
Sinh sống ở TP HCM, ông Nguyễn Vũ Bình (ngụ quận 2) có hai con đang học phổ thông. Đứa lớn học lớp 7, đứa nhỏ vào lớp 1, tiền học phí cả năm cho con lớn gần một triệu đồng.
Có nguồn thu nhập khá, ông Bình nói học phí không phải gánh nặng mà chủ yếu là nhiều khoản thu "không tên". Theo quy định, các trường không thu tiền cơ sở vật chất, tiền vệ sinh, nhưng hễ sắm thiết bị mới, sửa nhà vệ sinh thì lập tức trường kêu gọi cha mẹ đóng thông qua giáo viên chủ nhiệm, hội phụ huynh.
"Giá như vẫn thu tiền cơ sở vật chất, nhưng theo khung do Nhà nước quy định có lẽ phụ huynh còn nhẹ gánh hơn. Từ chuyện đó mà tôi cũng không thấy vui lắm nếu miễn học phí THCS. Miễn khoản này mà đẻ ra bao khoản khác thì phụ huynh thêm mệt", ông nói.
Không nhớ con phải đóng bao nhiêu tiền học phí mỗi tháng, chị Vũ Thị Tuyết (Phúc Thọ, Hà Nội) chỉ biết con số nhỏ so với nhiều chi phí khác. Ba con năm nay vào lớp 10, lớp 8 và lớp 3, vợ chồng chị đang tích cóp 15 triệu đồng để nộp học. "Tiền quỹ lớp, học phí, mua sắm trang thiết bị học tập, học thêm, tiền sổ liên lạc điện tử, hội phụ huynh học sinh...", người mẹ liệt kê.
Năm học 2017-2018, Hà Nội quy định mức học phí mầm non, THCS, THPT công lập... vùng thành thị là 110.000 đồng/tháng, nông thôn là 55.000 đồng, miền núi 14.000 đồng. Như vậy, trừ bé học tiểu học được miễn, mỗi bé nhà chị Tuyết phải đóng 495.000 đồng cho 9 tháng học một năm. Trong khi đó, chỉ tính tiền học thêm ba môn với mỗi tuần ba buổi, một năm hai con lớn của chị cần đóng gần 10 triệu đồng. Chi phí này cao gấp 10 lần tiền học phí.
Vui vì Chính phủ chủ trương miễn học phí cấp THCS, nhưng chị Tuyết cho rằng nếu giảm thêm các khoản đóng góp khác thì giúp ích rất lớn cho việc huy động học sinh tới trường. Hai năm trước, bạn học cùng lớp của con gái lớn nhà chị (khi đó học lớp 8) đã nghỉ học do gia đình không đủ tiền chi trả các khoản thu khác như: tiền đồng phục, quỹ hội phụ huynh học sinh, tiền mua sắm trang thiết bị trường học..., dù cháu thuộc hộ nghèo, được miễn học phí.
"Trong năm, cô giáo chủ nhiệm đã đóng giúp học sinh, nhưng cuối năm bố mẹ không có tiền trả cô nên em đó xấu hổ và nghỉ học", chị Tuyết kể.
Thay đổi mang tính chất cách mạng
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng đánh giá, chủ trương miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS là đúng đắn, thể hiện rõ định hướng "giáo dục là quốc sách". Nó cho thấy trách nhiệm của nhà nước đối với cấp học phổ cập, tức giáo dục bắt buộc.
"Chúng ta quy định phổ cập tiểu học không thu học phí. Mầm non 5 tuổi và THCS cũng là bậc học bắt buộc, nhưng trước nay ta phải thu phí. Điều này là mâu thuẫn trong chính sách", ông Thắng nói và cho rằng việc miễn học phí toàn bộ bậc học phổ cập đáng lý phải thực hiện sớm, tuy nhiên giờ Chính phủ thông qua vẫn là đáng ghi nhận. Vài trăm nghìn học phí một năm với gia đình ở đô thị không nhiều, nhưng với con em vùng khó khăn là con số đáng kể.
Học sinh tại một trường vùng cao của Quảng Ninh. Ảnh: Minh Cương. |
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi đánh giá việc thể chế hóa và thực thi miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS là "thay đổi mang tính cách mạng trong chính sách giáo dục của Đảng và Nhà nước". Ý nghĩa và tác động của chính sách này rất lớn, tạo ra sự ràng buộc trách nhiệm giữa nhà nước và học sinh, phụ huynh.
"Trước nay chúng ta phổ cập từ mầm non 5 tuổi đến hết THCS nhưng chỉ miễn học phí tiểu học nên không thể gọi là học tập bắt buộc, buộc mọi gia đình đưa trẻ đúng độ tuổi đến trường. Nếu nhà nước miễn học phí toàn cấp phổ cập sẽ vừa tạo điều kiện học sinh đến trường, vừa tạo trách nhiệm cho học sinh, phụ huynh thực hiện việc học tập ấy. Phổ cập giáo dục sẽ toàn diện", ông Thi nói.
GS Đào Trọng Thi vui mừng khi đề xuất nhiều năm nay của ông và các chuyên gia khác có cơ hội thành hiện thực. "Sau nhiều lần Chính phủ chưa thông qua, bây giờ chủ trương miễn học phí được thống nhất thì tôi tin ngân sách đã được cân đối và chính sách này là khả thi", ông Thi nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.