Phụ huynh thức khuya dậy sớm cùng con trước kỳ thi THPT quốc gia 2017

19/06/2017 09:13

Nhằm giúp con chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi sắp tới, không ít cha mẹ cùng thức khuya dậy sớm, cẩn thận chăm lo việc ăn, ngủ, nghỉ.

onthi3
Phụ huynh đưa con đến trung tâm vào cuối tuần. Ảnh: Nguyễn Sương.

Ba ngày trong tuần, chị Hồng Diệp (Hà Nội) phải dậy từ 5h sáng để chuẩn bị đưa đón con gái đi học thêm môn Ngữ văn. Chị chỉ là một trong số hàng nghìn phụ huynh tất bật mỗi ngày để hỗ trợ con tốt nhất cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

Chỉ còn chưa đến một tuần nữa, các sĩ tử sẽ bước vào kỳ thi căng thẳng kéo dài trong 2,5 ngày. Đây là giai đoạn nước rút, thí sinh tập trung ôn thi, bố mẹ cũng bận rộn lo cho con em mình.

Chăm lo đủ bề

Chị Diệp cho hay vì thời tiết nóng bức, giáo viên luyện thi môn văn của con chị bắt đầu dạy từ 6h30. Giờ đó, hàng quán còn chưa mở. Vì thế, chị phải dậy sớm chuẩn bị bữa sáng rồi mới đưa con gái đến lớp.

“Thấy con mắt nhắm, mắt mở ăn vội tô mì, cái bánh mà tôi xót lắm nhưng cũng đành chịu. Cố gắng bao lâu cũng chỉ mong mấy hôm nữa, cháu thi đại học đạt kết quả tốt”, chị Diệp nói.

Không cần dậy sớm như chị Diệp song ông Huy, bộ đội về hưu sống ở Hà Nội, cũng dành phần lớn thời gian trong ngày để đưa đón con tới lớp luyện thi.

Ông cho biết gần một năm nay, nhiệm vụ chính của ông là chăm lo cho con gái học lớp 12. Sau khi thăm dò, tìm hiểu thông tin từ người quen, ông quyết định cho con theo học tại trung tâm cách nhà hơn 12 km, bên cạnh việc ôn thi cùng giáo viên dạy cấp ba của con.

Có hôm, con gái học đến 4 ca tại trung tâm. Dù khá mất thời gian, ông vẫn muốn tự mình đưa đón vừa để con đỡ vất vả, vừa đảm bảo an toàn.

Không ít cha mẹ chia sẻ mỗi cuối tuần, họ đều tranh thủ thời gian đưa con đến lớp rồi vội vàng quay xe về để lo việc khác. Với họ, đó là một trong những cách để bày tỏ sự quan tâm tới đứa con đang học hành căng thẳng.

Không riêng chuyện đưa đón, việc ăn uống của sĩ tử cũng được phụ huynh chăm sóc kỹ lưỡng. Biết con thường xuyên phải thức khuya dậy sớm ôn bài, chị Diệp luôn cố gắng làm những món ngon để bồi bổ.

Chị cho biết nhiều phụ huynh khác còn mua thuốc bổ cho con uống. Tuy nhiên, chị sợ lạm dụng thuốc sẽ để lại hậu quả không tốt cho con nên không dám mua về.

“Thời gian rảnh, tôi lên mạng hoặc đọc sách để học cách nấu những món ăn bổ dưỡng, đặc biệt tốt cho trí não để tẩm bổ cho con. Tôi cố gắng học thật nhiều món để cháu không bị ngán”, chị kể.

Chị Thúy Giang ở Hà Tĩnh còn lên chùa cầu nguyện cho con thi tốt. Đây cũng là tâm lý chung của không ít phụ huynh.

Căng thẳng không kém sĩ tử

Ngoài việc lo lắng việc ăn uống, ngủ nghỉ, học hành, phụ huynh còn phải chú ý đến tâm lý của con. Có thể nói, với nhiều gia đình có con dự thi năm nay, người lớn cũng căng thẳng không kém thí sinh.

Chị Minh Tú (Hà Tĩnh) chia sẻ đây là lần thứ hai con gái chị thi THPT quốc gia. Năm ngoái, kết quả thi của em không quá kém nhưng không đủ để trúng tuyển trường mong muốn nên quyết tâm ôn thi lại thay vì nộp nguyện vọng bổ sung.

thi_zingvn
Phụ huynh đồng hành cạnh con trong kỳ thi THPT quốc gia năm ngoái. Ảnh: Việt Hùng.

Gần một năm nay, chứng kiến con gái sống khép mình vì xấu hổ với bạn học, đặt trọng tâm cuộc sống lên bài vở, chị vừa thương con vừa lo lắng. Gia đình cũng từng rất hoang mang mỗi lần nghe tin thay đổi thi cử nhưng không dám lộ rõ vì sợ ảnh hưởng tâm lý của con.

“Tôi chỉ mong lần này, con thi thật tốt. Nhìn con cố gắng học tập lại không muốn để gia đình bận tâm, lo lắng, tôi xót lắm”, chị nói.

Mỗi ngày, thấy con thức đến 3h sáng ôn bài, ngoài việc thỉnh thoảng ghé phòng, đưa cho con ly sữa hay quả trứng luộc, chị không biết làm gì hơn. Trước đó, gia đình xác định cùng thức, cùng ngủ với con. Song sự quan tâm thái quá ấy lại vô tình tăng áp lực, khiến con gái mệt mỏi hơn nên họ từ bỏ.

Mọi sự chăm lo đều xuất phát từ tình thương của cha mẹ cùng mong muốn con thành công. Tuy nhiên, không phải lúc nào, con cái cũng vui vẻ đón nhận việc được chăm sóc ấy.

Trong lúc chờ con tan học, một phụ huynh ở Hà Nội tâm sự chị chỉ đón con vào cuối tuần. Những ngày còn lại, cháu muốn đi học cùng bạn bè.

Người phụ nữ ngoài 50 tuổi cho hay học lực của con trai không quá tốt. Càng đến gần kỳ thi, cậu càng tỏ ra bồn chồn và dễ cáu gắt, không hài lòng khi người nhà hỏi đến tiến độ học tập hay dự định chọn trường, ngành.

“Biết thái độ con như vậy là không đúng nhưng chúng tôi cũng không uốn nắn nhiều. Thời điểm này, gia đình chỉ muốn con tập trung ôn thi với tâm lý thoải mái nhất”, chị nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận