Phụ nữ xứ dừa chế ná thun, sắm ghe truy đuổi cát tặc

Xã hội 17/09/2018 07:44

Bị bọn cát tặc tấn công khi giáp mặt, song người dân cồn Dơi (Bến Tre) không chùn bước, vẫn xuống ghe tuần tra ngày đêm trên sông Tiền.

 

CAT-TAC-4452-1533104491
Chiếc ná thun được bà Bé dùng bắn vỡ đèn ghe hút cát. Ảnh: Hoàng Nam.

Chiều muộn cuối tháng 7, từ một doi đất ở Cồn Dơi, chiếc ghe gỗ nhỏ nhổ neo, chở theo bốn thành viên Tổ phòng chống cát tặc cồn Dơi (xã Tân Phú, huyện Châu Thành) nổ máy, ngược nước sông Tiền, hướng về khu vực ngã ba sông. Ngồi ở mũi ghe, bà Hồ Thị Bé (68 tuổi), vừa đảo mắt nhìn ven sông, tay lăm lăm chiếc ná thun, dưới chân là mớ đá xanh vừa nhặt được dọc đường.

"Chị ấy là thành viên nữ lớn tuổi nhất trong nhóm, nhưng cũng là người gan lì nhất. Có lần cũng tại chỗ này, chúng tôi truy đuổi một ghe hút cát trộm, đích thân chị dùng ná thun bắn bể đèn pha của ghe cát", bà Đào Thị Hồng Thu (54 tuổi), thành viên tổ chỉ tay về phía ngã ba sông kể. Dưới chân bà Thu, mớ gậy tầm vong dài một mét đã được bào nhẵn, phòng khi giáp lá cà với dân trộm cát.

Ở xóm cồn thưa người này, đàn ông, thanh niên trong xóm phần lớn đều đi làm ăn xa, lo ngại lực lượng mỏng, bà Bé rủ thêm con gái, chị Trần Thị Tuyết Nhung (36 tuổi) cùng tham gia đội. Sau một năm thành lập, tổ phòng chống cát tặc cồn Dơi gồm 13 người, trong đó có ba phụ nữ. Tổ đã phối hợp công an bắt 10 sà lan cát từ 50-100 m3.

"Hồi đội mới thành lập, thấy tụi tui đàn bà, con gái, nhiều người cười, nghi ngại đủ điều. Sau mấy lần chúng tôi trực tiếp dùng ná, gậy gộc truy đuổi ghe cát chạy... xịt khói, họ mới tin", bà Bé tươi cười nhớ lại.

Đêm xuống, chiếc ghe gỗ đã chạy được tầm 3 cây số, xa xa đã thấy mũi cồn. Đứng phía sau cầm lái, ông Nguyễn Văn Lai (67 tuổi), Tổ trưởng nháy đèn ra hiệu cho cả nhóm, nói: "Tối nay im hén, mình quay về, dành sức khuya đi tiếp".

Bị gửi lựu đạn, trộm ghe vì chống cát tặc

Ở gần cái tuổi xưa nay hiếm, ông Lai là thành viên có số lần chạm trán với cát tặc nhiều nhất. Có lần, giữa đêm ông cùng người bạn dùng ghe bám theo một sà lan hút cát, khi cặp được vào mạn sà lan thì bị bọn chúng dùng vòi rồng xịt hai người văng xuống sông, may mắn các thành viên trong đội đều là dân địa phương, bơi giỏi như rái cá mới thoát chết.

cat-tac-4841-1533135552
Đội chống cát tặc tuần tra trên sông Tiền. Ảnh: Hoàng Nam.

Một lần khác, sau khi truy đuổi quyết liệt và tố cáo nhóm trộm cát trên sông, một buổi chiều, có người bán vé số đến trước cửa nhà ông bỏ lại một túi nylon màu đen rồi đột ngột bỏ đi. Ông Lai đang ăn cơm, thấy lạ nên ra mở bọc, tá hỏa phát hiện có gần chục quả lựu đạn đã gỉ sét nên đem nộp công an.

"Vô số lần các thành viên trong tổ bị cát tặc dùng đá ném, toét đầu. Đến nỗi, chiếc ghe đi tuần tra cũng bị chúng đêm đến cắt dây trộm mất, dân địa phương sợ bị trả thù nên cũng không ai dám cho thuê ghe", ông Lai nhớ lại.

Không bỏ cuộc, sau đó tổ chống cát tặc bàn nhau tự bỏ tiền túi, vận động thêm được tổng cộng 16 triệu đồng mua chiếc ghe hai tấn như hiện nay.

Hơn một năm sau khi thành lập, bất kể nắng mưa, dù bận việc cỡ nào, cứ chiều là tổ chống cát tặc thay phiên nhau đi tuần trên sông. Sáng hôm sau, ông Lai tiếp tục dùng xe máy đảo một vòng quanh cồn nghe ngóng tình hình.

"Thường ngày nghỉ tụi nó hay hoạt động, mình mà bỏ theo dõi một bữa là coi như công sức cả năm đổ sông đổ biển", ông Lai chia sẻ.

Thỉnh thoảng, chiếc xe máy phải giảm ga khi đến những đoạn mặt đê hẹp. Cặp sông Tiền, một căn nhà cấp bốn của người dân chỉ mới cất vài năm giờ chỉ còn trơ cột, khung sắt. Nhiều đoạn bị sạt lở ăn sâu vào 3-4 m. Theo người dân, tình trạng sạt lở nặng bắt đầu diễn ra 5-7 năm nay, kể từ khi ghe hút cát trộm hoạt động rầm rộ. Dân sống ven cồn đã bỏ ra mỗi hộ 50 triệu đồng, dùng đá kè bờ nhưng đều bất lực trước tình trạng sạt lở.

IMG-0216-6906-1532996207
Ghe chống cát tặc tuần tra giữa đêm. Ảnh: Hoàng Nam.

"Hơn 2.000 m2 đất vườn nhà tôi bị trôi xuống sông, phải đập bỏ nhà, lùi sâu vô hơn 50 m cất nhà mới mà vẫn lo, không biết trụ được đến bao giờ. Cát tặc đã dồn chúng tôi vào đường cùng, đất đai, mồ mả tổ tiên đều ở đây, không chống lại chúng thì biết đi đâu sống nữa", bà Đào Thị Hồng Thu bức xúc nói.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành (Bến Tre) đánh giá, dù chỉ mới thành lập hơn một năm, mô hình chống cát tặc của người dân cồn Dơi đã có hiệu quả rõ rệt.

"Từ ngày có đội chống cát tặc của các cô, chú, nạn hút cát trộm ở khu vực đã giảm đáng kể. Vừa qua, chúng tôi đã tiến hành tổng kết đánh giá, đề xuất nhân rộng mô hình", bà Nga nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận