Chiều 9/2 (tức 13 tháng Giêng âm lịch), Hội Phết Hiền Quan (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) diễn ra theo tục lệ truyền thống để tưởng nhớ nữ tướng Thiều Hoa – Đông Cung Công Chúa (hay Đức Thánh Mẫu Đại Vương) - người góp công lớn giúp Hai Bà Trưng đánh giặc. Điểm nhấn của lễ hội là màn đánh phết được tổ chức nhằm tái hiện lại cảnh luyện tập võ nghệ thuở xưa của Thiều Hoa công chúa, tôn vinh tinh thần thượng võ của nghĩa quân thời đó.
Khác với mọi năm, sau nhiều phản ánh về bạo lực trong hoạt động cướp phết những năm qua, Ban tổ chức đã quyết định thay đổi cách thức tổ chức màn cướp phết năm nay. Lần đầu tiên Ban tổ chức giới hạn số lượng người tham gia, thiết lập hàng rào giới hạn và bố trí lực lượng an ninh giám sát.
Ông Bùi Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã Hiền Quan, Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết, khác với mọi năm, ngoài phần lễ vẫn được giữ nguyên theo truyền thống thì phần hội có một số thay đổi. Cụ thể, người tham gia được chia thành hai đội, Giáp Thượng và Giáp Hạ (xanh và đỏ) với tổng số 100 người. Sân đánh phết có hàng dải băng quây vào tạo thành khuân viên bãi phết, bốn góc có cột, biển giới hạn. Có vùng dây đơn bên ngoài cho báo chí tác nghiệp và lực lượng an ninh làm nhiệm vụ. Phía ngoài cùng là khu vực nhân dân đứng xem.
“Việc giới hạn số người tham gia và thiết lập những quy định như vậy nhằm ngăn ngừa bạo lực, hạn chế tối đa những ẩu đả có thể xảy ra do có quá nhiều người lao vào tranh cướp”, ông Thanh nhấn mạnh.
Trưởng Ban tổ chức Bùi Văn Thanh cũng cho biết thêm: “Chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận Lễ hội là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”.
Video cận cảnh cướp phết
Tuy nhiên, cách tổ chức này không nhận được sự đồng thuận của người dân, bởi lẽ, hầu hết người dân bản địa cho rằng, làm như vậy là đánh mất đi bản sắc, giá trị truyền thống của Lễ hội. Việc cướp được phết hay đơn giản là chạm tay vào quả phết theo quan niệm của người dân là sẽ đem lại may mắn cả năm, bất cứ người dân nào trong làng, ngay cả du khách đến với lễ hội cũng đều muốn tham gia cướp phết. Thậm chí, nhiều nhóm thanh niên của các xã còn hạ quyết tâm cướp bằng được phết bất chấp việc giới hạn. Chính vì vậy, ngay khi màn Tế lễ kết thúc, Tiên Chỉ đem quả phết ra bãi phết, hàng nghìn thanh niên đã lập tức vượt qua rào chắn, lao vào cướp phết.
Việc kiểm soát số người tham gia là điều gần như “bất khả thi” bởi khuân viên bãi phết rất rộng (là bãi ruộng 15.000m2), rào chắn mỏng manh được tạo thành từ hàng dây mảnh mai, và lực lượng an ninh mỏng so với số người tham gia ra lễ hội. Ghi nhận thực tế trước giờ đánh phết, những người cao tuổi trong làng đều liên tục nhắc nhở thanh niên với khẩu hiệu: “Đây là lễ hội truyền thống của tổ tiên. Không được đánh nhau, chỉ được xô đẩy”.
Khi được hỏi về tính chất bạo lực của lễ hội này, anh Đỗ Tiến Dũng - một thanh niên quyết tâm dành phết chia sẻ: “Việc tranh giành dẫn đến xô sát hay mâu thuẫn nhất thời là điều không thể tránh khỏi, nhưng đó là truyền thống của lễ hội từ xưa đến nay, giống như việc rèn luyện quân lính ngày xưa, nhưng nếu gọi là đánh nhau là không đúng”.
Đồng quan điểm trên, nhiều nam thanh niên tham gia cướp phết của xã Hiền Quang, huyện Tam Nông bày tỏ: “Tất cả mọi người tham gia như vậy mới tạo ra khí thế cho lễ hội đúng như truyền thống bao đời nay. Những va chạm xảy ra hoàn toàn chỉ là nhỏ nhặt và hoàn toàn không xảy ra thù hằn lẫn nhau. Tất cả mọi người đều mệt lả, quần áo lấm lem bùn đất nhưng chúng tôi cũng cảm thấy rất vui vẻ, kể cả không cướp được phết. Chúng tôi muốn năm sau lễ hội sẽ vẫn được tổ chức như truyền thống để mọi người đều có thể tham gia”.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.