Phương án cầu Trần Hưng Đạo được chọn, thiết kế có gì đặc sắc?

Tác giả: Việt Cường

saosaosaosaosao
Thị trường 24/09/2021 07:13

Phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng đang gây ra làn sóng tranh luận, nhất là phương án 3 được chọn do TEDI thực hiện.


THD
Cầu Trần Hưng Đạo phải thể hiện được là công trình kiến trúc đặc trưng, có tính biểu tượng

 Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hà Nội vừa trình UBND TP.Hà Nội kết quả phê duyệt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng (phương án 3 do Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT- TEDI thực hiện). Xung quanh vấn đề này, rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học và bạn đọc bày tỏ ý kiến ở nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau. Để có cái nhìn tổng thể nhất, bài viết này, Tạp chí GTVT sẽ cung cấp cho bạn đọc thông tin chi tiết về kỹ thuật, công nghệ cũng như tiêu chuẩn, quy chuẩn được áp dụng trong phương án thiết kế cây cầu Trần Hưng Đạo. 

Phải là công trình kiến trúc đặc trưng

Theo lãnh đạo TEDI, nhiệm vụ thiết kế cầu Trần Hưng Đạo là phải thể hiện được công trình kiến trúc đặc trưng, có tính biểu tượng, có phương án chiếu sáng trang trí nổi bật, hài hòa, phù hợp cảnh quan, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật. Ngoài ra, cầu Trần Hưng Đạo phải đảm bảo các yêu cầu khác như: lưu lượng giao thông theo quy hoạch; tĩnh không thông thuyền theo quy định đối với đoạn sông bắc qua; không ảnh hưởng tới hoạt động của sân bay Gia Lâm; kết nối thuận tiện, hạn chế UTGT ở các nút giao hai đầu cầu.

Sử dụng hệ dầm chủ dạng dầm hộp liên tục bê tông cốt thép dự ứng lực

Hướng tuyến của dự án được bám theo hướng tuyến trong quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 và Quy hoạch chi tiết các phân khu đô thị H-1C, H1-4, phân khu đô thị N10.

Điểm đầu của tuyến dự kiến tại ngã năm giao giữa đường Trần Hưng Đạo với đường Lê Thánh Tông - Trần Thánh Tông và phố Hàn Thuyên. Tuyến bám theo đường Trần Hưng Đạo khoảng 340 m rồi chếch trái, cắt qua đường đê Nguyễn Khoái khoảng km0+368. Sau đó, tuyến đi thẳng vượt sông Hồng tại vị trí cách cầu Vĩnh Tuy khoảng 2 km về phía thượng lưu.

Tổng chiều dài tuyến khoảng 5,57 km, đi qua địa phận các phường: Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng), Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm) và Long Biên, Bồ Đề, Phúc Đồng, Gia Thuỵ, Việt Hưng (quận Long Biên).

Dự án gồm phần xây dựng cầu Trần Hưng Đạo và đường nối hai đầu cầu với chiều dài toàn bộ tuyến khoảng 5,5 km. Điểm đầu dự án là ngã 5 Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông thuộc địa bàn phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm. Điểm cuối dự án tại khu vực giao cắt với QL5A (đường Nguyễn Văn Linh), thuộc địa bàn phường Gia Thụy, quận Long Biên. Dự án sẽ xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật: cấp thoát nước, hệ thống hào, tuynen, cây xanh, chiếu sáng và tổ chức giao thông.

Các thông số kỹ thuật chính: Mặt cắt ngang đoạn từ ngã 5 Trần Hưng Đạo đến phố Đinh Công Tráng B=29,0 m; mặt cắt ngang đoạn từ phố Đinh Công Tráng đến đê Hữu Hồng (đường Trần Khánh Dư, Nguyễn Khoái) B=32,0 m; mặt cắt ngang cầu vượt sông B=31,0 m; mặt cắt ngang đoạn qua khu đô thị quy hoạch B=60,0 m; mặt cắt ngang đoạn từ đường Cổ Linh đến đường QL5A B=30,0 m.

Kết cấu cầu chính cầu Trần Hưng Đạo gồm: Hệ dầm chủ dạng dầm hộp liên tục bê tông cốt thép dự ứng lực chiều cao thay đổi, bề rộng cầu B=31,0 m; kết cấu 2 trụ chính phía ngoài có phần tháp được tạo dáng thẩm mỹ kiến trúc.

Công trình sử dụng kết cấu cầu đúc hẫng hiện đại với nhịp 156 m là chiều dài nhịp lớn nhất Việt Nam hiện nay, với chiều dài liên tục trên 850 m có điều chỉnh về kích thước, chi tiết để tạo hiệu ứng vòm phù hợp với phong cách kiến trúc.

Kết cấu cầu dẫn sử dụng dạng dầm bản rỗng phạm vi trong đô thị và dầm super T đoạn ngoài bãi sông có chiều rộng thay đổi phù hợp với quy mô mặt cắt tại từng đoạn. Kết cấu cầu nhánh lên xuống sử dụng dạng dầm bản rỗng phạm vi trong đô thị và dầm super T đoạn ngoài bãi sông; quy mô nhánh lên xuống B=7,0 m. Kết cấu hầm chui bằng bê tông cốt thép, bề rộng hầm B=18,5 m.

mat cat ngang
Mặt cắt ngang điển hình cầu chính

Tĩnh không thông thuyền theo yêu cầu Thông tư số 46/2016/TT-BGTVT

Tĩnh không thông thuyền: Theo yêu cầu tại Thông tư số 46/2016/TT-BGTVT ngày 29/12/2016 của Bộ GTVT, sông Hồng trong phạm vi dự án là sông cấp II, có khổ thông thuyền phải đảm bảo H³9,5 m, B³50 m, khoang thông thuyền chính nằm sát mép bờ sông phía đê Hữu Hồng. Cao độ mực nước thông thuyền +9,26 m (dựa trên H5% lũy tích mực nước trung bình ngày).

Tĩnh không sân bay Gia Lâm: Theo đề nghị của UBND TP. Hà Nội, ngày 19/6/2018, Bộ Quốc phòng đã có văn bản số 6504/BQP-TM có ý kiến về quản lý độ cao tĩnh không và quản lý độ cao công trình xây dựng xung quanh khu vực sân bay Gia Lâm. Theo đó, sân bay Gia Lâm không được quy hoạch là cảng hàng không nhưng vẫn là sân bay quân sự cấp II. Vì vậy, việc quản lý độ cao tĩnh không và quản lý độ cao công trình xây dựng xung quanh khu vực sân bay Gia Lâm vẫn được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 32/2016/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam.

Đối với công trình cầu Trần Hưng Đạo: Theo đề nghị của Công ty Cổ phần Him Lam, Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu) đã có văn bản số 361/TC-QC ngày 17/7/2019 về việc chấp thuận độ cao tĩnh không xây dựng công trình. Theo đó, độ cao tĩnh không xây dựng công trình cầu Trần Hưng Đạo cao tối đa là 47 m trên cốt đất 8 m.

Như vậy, độ cao tĩnh không tại khu vực xây dựng công trình cầu Trần Hưng Đạo là +55 m theo hệ cao độ quốc gia.

Trần Hưng Đạo
Các yêu cầu về tĩnh không được đơn vị thiết kế tuân thủ 

Tĩnh không đường chui: Cầu Trần Hưng Đạo vượt qua nhiều tuyến đường hiện hữu như đường đê Hữu Hồng, đường Cổ Linh... và các tuyến đường quy hoạch như đường trục TC05, đường đê Tả Hồng quy hoạch, đường trục khu đô thị Him Lam phố Đông; đường trục TC13... Do đó, việc thiết kế trắc dọc cầu cần được thiết kế để đảm bảo tĩnh không các tuyến đường chui dưới cầu là 4,75m.

Như vậy, cầu Trần Hưng Đạo bị khống chế bởi tĩnh không thông thuyền bên dưới và độ cao xây dựng bên trên. Các phương án kiến trúc phải thỏa mãn các điều kiện này.

Hiện tại, Hội đồng tuyển chọn “chấm” phương án 3  với phong cách xứ Đông Dương làm phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo. Tuy nhiên, cây cầu Trần Hưng Đạo sẽ khoác lên mình “chiếc áo” như thế nào để trở thành biểu tượng của Thủ đô thì sẽ còn nhiều việc cần làm.

Tổng Giám đốc TEDI Phạm Hữu Sơn cho biết, cả 3 phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo đều chỉ là thiết kế kỹ thuật, đến nay TP. Hà Nội mới chấp thuận về chủ trương dự án, chưa có quyết định phê duyệt dự án. Tất cả mọi việc đang dừng ở công tác tham mưu, thẩm định, lấy ý kiến. Hội đồng kiến trúc sẽ tiếp tục tiếp thu, chỉnh sửa để có được một công trình kiến trúc cầu hoàn thiện, đẹp với thời gian. 

Cầu Trần Hưng Đạo là dự án cầu BOT đầu tiên của TP. Hà Nội với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng từ 8.339 đến 8.958 tỷ đồng tùy theo các phương án thiết kế. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 20 năm, tiến độ thực hiện từ năm 2022 đến 2025.

Công ty Cổ phần Him Lam là đơn vị được UBND TP. Hà Nội giao lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Trần Hưng Đạo theo phương thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao) trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy trình, quy định.

Ý kiến của bạn

Bình luận