1. Từ phát huy truyền thống…
Chúng ta biết rằng, ngay từ khi lập quốc, ông cha ta không chỉ đối phó với thiên tai để tồn tại và phát triển mà còn phải thường xuyên chống giặc ngoại xâm. Sau hơn 10 thế kỷ với 6 lần chống giặc ngoại xâm, vua quan thời nhà Lý đã cho ra đời chính sách “ngụ binh ư nông”, được xem là nhận thức đầu tiên của dân tộc ta về tính quy luật kết hợp kinh tế với quốc phòng.
Truyền thống quý báu đó đã được Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tiếp tục phát huy trong thời đại mới. Qua các kỳ Đại hội và cho đến nay Đảng ta vẫn khẳng định cần phải: “Kết hợp xây dựng phát triển kinh tế – xã hội với tăng cường sức mạnh quốc phòng và an ninh trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng của đất nước”. Và “kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh; quốc phòng, an ninh với kinh tế trong từng chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo”.
Ngay sau khi kháng chiến chống Pháp vừa mới giành thắng lợi, thì ngày 23/8/1956 Bộ Quốc phòng đã thành lập Cục Nông binh và chuyển 8 vạn quân sang làm nhiệm vụ sản xuất, xây dựng 29 nông trường quân đội trên các địa bàn như: Nông trường Mộc Châu, Điện Biên, Đông Hiếu… và xây dựng các nhà máy tại khu công nghiệp Thái Nguyên, Việt Trì. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, Bộ Quốc phòng đã điều chuyển gần 28 vạn quân sang làm kinh tế và Chính phủ đã cho thành lập Tổng cục Xây dựng kinh tế để chỉ đạo các lực lượng quân đội tham gia xây dựng và phát triển kinh tế gắn với quốc phòng – an ninh.
Trong công cuộc đổi mới, nhất là bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, quân đội ta đã phát huy vai trò nổi bật là làm nòng cốt trong việc xây dựng các khu kinh tế – quốc phòng trên những địa bàn chiến lược, biên giới, hải đảo vừa tham gia phát triển kinh tế – xã hội, vừa tăng cường tiềm lực và thế trận an ninh – quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Tính đến nay, quân đội ta đã xây dựng được 23 khu kinh tế – quốc phòng trên những địa bàn chiến lược quan trọng.
Lực lượng quân đội làm kinh tế đã được tổ chức khoa học theo mô hình doanh nghiệp và cũng đã xác lập được vị trí, tạo dựng được uy tín trên thương trường, tích cực tham gia vào những lĩnh vực, những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Tiêu biểu như: Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty 15, Tổng công 319… Trong các hoạt động kinh tế, các doanh nghiệp quân đội luôn gắn chặt hai nhiệm vụ: Quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng.
2. Đến chọn lựa phương thức hiệu quả…
Thông qua tổng kết thực tiễn, cho đến nay quân đội ta đã xác định được ba loại hình làm kinh tế chủ yếu đó là: Doanh nghiệp, các Đoàn Kinh tế quốc phòng, tăng gia sản xuất, cải thiện nâng cao đời sống của mỗi đơn vị.
Các doanh nghiệp kinh tế của quân đội đến nay đã hoàn toàn tự bươn chải trên thương trường và “Đại đa số doanh nghiệp quân đội đã đứng vững trong cơ chế thị trường, nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh khá, hoàn thành nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với nhà nước, góp phần củng cố vị trí chủ đạo của doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế”. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp quân đội đã khẳng định được vai trò của mình không chỉ ở thị trường trong nước mà còn đang vươn mạnh sang thị trường khu vực và thế giới. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, như các doanh nghiệp ở các ngành bay dịch vụ, xây dựng, dịch vụ cảng, đóng tàu, viễn thông…
Tổng Công ty Viễn thông Quân đội tuy mới tham gia nhập thị trường thông tin di động nhưng đã vươn lên cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực điện thoại di động và trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông có tốc độ phát triển nhanh nhất, mang lại lợi ích đáng kể cho đông đảo khách hàng trong nước và đang vươn mạnh sang các thị trường trong khu vực. Tính đến tháng 7/2014, Viettel đã có 45 triệu thuê bao di động trong nước. Doanh thu năm 2013 là 163.500 tỷ đồng (đứng thứ 2 cả nước), tăng trưởng 15% so với năm 2012. Lợi nhuận trước thuế đạt 36.500 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2013 Viettel nộp ngân sách gần 18.500 tỷ đồng, tăng 64% so với năm 2012, chiếm 8% tổng nộp ngân sách của tất cả các doanh nghiệp nhà nước.
Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn thuộc Quân chủng Hải quân, tính đến 12/2013, đã có doanh thu gần 7.000 tỷ, lợi nhuận hơn 1.000 tỷ, giải quyết lao động cho hơn 4.000 người. Tân Cảng Sài Gòn trở thành cảng container hiện đại nhất Việt Nam, chiếm gần 50% thị phần bốc xếp container ở Việt Nam và là một trong 34 cảng hiện đại nhất thế giới, cảng có khả năng thông qua 4,5 triệu TEU/năm tương đương hơn 60 triệu tấn/năm.
Tổng công ty Bay dịch vụ Việt Nam, qua việc thuyết phục các khách hàng bằng kỹ thuật và công nghệ quản lý tiên tiến, đến nay uy tín của Tổng công ty đã vượt khỏi biên giới, Tổng công ty đã đưa cả máy bay và tổ lái ra nước ngoài thực hiện các hợp đồng bay đạt hiệu quả cao.
Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khai khoáng, xây dựng, dệt may, da dày… cũng có nhiều thành tích đáng kể đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước, ngân sách của địa phương và sự bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế thị trường. Trong thời gian qua, cộng đồng các doanh nghiệp quân đội đã và đang chứng tỏ vai trò của mình là một bộ phận đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế đất nước. Năm 2013, doanh thu các doanh nghiệp quân đội đạt 247.413 tỷ đồng (+10%), lợi nhuận đạt 39.776 tỷ đồng (+28,3%), nộp ngân sách đạt 18.624 tỷ đồng (+11,5%), thu nhập bình quân đạt 8,3 triệu đồng/người/tháng (+9,2%), giải quyết việc làm cho trên 150 nghìn lao động… Nhiều doanh nghiệp đã khẳng định được năng lực cạnh tranh trên thị trường và đạt được những thành công bước đầu nhờ có chiến lược công nghệ và chiến lược kinh doanh phù hợp.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Quốc phòng đang tiến hành cổ phần hoá các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, chỉ duy trì 90 doanh nghiệp có vai trò nòng cốt trong nền công nghiệp quốc phòng, an ninh quốc gia, trong đó có Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, 17 tổng công ty, 72 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Đồng thời, duy trì 69 doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước là công ty con của các doanh nghiệp hoạt động theo hình thức công ty mẹ – công ty con thuộc Bộ Quốc phòng. Đối với doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng nòng cốt cũng không còn khép kín như trước đây mà vẫn có thể gia công, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, bao gồm cả tư nhân trong và ngoài nước.
Thực hiện Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã triển khai xây dựng các khu kinh tế quốc phòng để đỡ đầu, đón nhận hơn 100.000 hộ dân đến lập nghiệp ở những vùng đất còn hoang hoá, biên giới, hải đảo. Sau hơn 16 năm triển khai xây dựng, các khu kinh tế quốc phòng đã góp phần tạo nên một diện mạo mới về kinh tế, một thế trận bền vững về an ninh, quốc phòng trên các địa bàn chiến lược dọc biên giới.
Khi triển khai nhiệm vụ, các đoàn kinh tế quốc phòng đã nắm chắc tình hình địa bàn dân cư, làm công tác vận động quần chúng; tiến hành đồng bộ các nội dung quy hoạch ổn định dân cư gắn chặt với xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất phục vụ đời sống người dân; văn hoá, y tế, phát thanh truyền hình từng bước được đưa về tận thôn bản. Các đoàn kinh tế quốc phòng còn tham gia xây dựng chính quyền cơ sở, triển khai chương trình quân dân y kết hợp, tổ chức khám chữa bệnh cho nhân dân…
Tại các khu kinh tế quốc phòng trực tiếp tổ chức sản xuất tập trung như Binh đoàn 15, Binh đoàn 16 đã khai hoang trồng được hàng chục nghìn ha cao su, cà phê, điều cao sản… vừa góp phần tạo ra nguồn thu đáng kể cho ngân sách, vừa tạo điều kiện bố trí việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn. Các chương trình xoá đói giảm nghèo, khuyến nông, khuyến lâm đã làm thay đổi tập quán canh tác, sinh hoạt của dân. Đặc biệt, trong hai vụ bạo loạn chính trị diễn ra vào 2/2001 và 4/2004 tại Tây Nguyên, trên 4.000 hộ đồng bào dân tộc tại đây và những người trong buôn làng của họ không có ai nghe theo kẻ xấu tham gia biểu tình. Điều đó khẳng định hiệu quả to lớn của các khu kinh tế quốc phòng.
Những kết quả nêu trên đã dần dần tạo nên bộ mặt mới cho đời sống người dân, mang lại sự phấn khởi cho các hộ nghèo, dân ngày càng tin tưởng vào nhà nước và quân đội. Các đoàn kinh tế quốc phòng đã trở thành chỗ dựa cho chính quyền địa phương nơi đóng quân. Mô hình khu kinh tế quốc phòng do quân đội triển khai trong thời gian qua đã nhận được sự đánh giá cao của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. Các khu kinh tế quốc phòng đã trở thành một nhân tố không thể thiếu trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Việc triển khai xây dựng khu kinh tế quốc phòng nay đã được ghi vào Luật Quốc phòng Việt Nam.
3. Và tìm giải pháp cho thời kỳ mới…
Một là, đẩy mạnh kết hợp quốc phòng, an ninh trong đầu tư thu hút nguồn lực cho kinh tế biển
Để khai thác, sử dụng hiệu quả và biến các tiềm năng kinh tế biển thành nguồn lực cho đất nước, chúng ta có thể và cần tập trung đầu tư nguồn lực thích đáng cho các ngành kinh tế mũi nhọn, có thế mạnh ở các vùng ven biển, trên các đảo và quần đảo như: Khai thác, chế biến dầu khí, hải sản; xây dựng hệ thống cảng và dịch vụ, du lịch vận tải biển… Trong đó, ưu tiên xây dựng các trung tâm dịch vụ, thành lập các tập đoàn kinh tế mạnh với vai trò nòng cốt của đoàn kinh tế quốc phòng, nhằm kết hợp phát triển kinh tế với thực thi chủ quyền biển, đảo; tập trung nguồn vốn, khoa học, công nghệ, lao động để khai thác có hiệu quả các tiềm năng của biển; ưu tiên phát triển hạ tầng cơ sở kinh tế – xã hội gắn với quốc phòng – an ninh trên khu vực quần đảo Trường Sa và các đảo lớn xa bờ, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân trên các đảo và quần đảo.
Phát triển kinh tế biển phải gắn với xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển. Vừa qua Đảng, Nhà nước ta đã có chủ trương lớn trong việc đầu tư hỗ trợ đồng bào ven biển đóng các tàu lớn vỏ sắt để đánh bắt xa bờ, hỗ trợ ngư dân về vốn ưu đãi, đầu tư khoa học công nghệ mới để tăng giá trị hải sản xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường thế giới là bước đột phá rất quan trọng nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân các vùng ven biển và hải đảo, nhất là ở các vùng biển, đảo giữ vai trò quan trọng về quốc phòng, an ninh bảo vệ đất nước.
Hai là, dân sự hóa các hoạt động kinh tế – quốc phòng trên biển
Nhà nước cần có chính sách đặc biệt để khuyến khích mạnh mẽ nhân dân ra định cư làm ăn ổn định dài ngày trên biển; triển khai “thí điểm xây dựng các khu quốc phòng – kinh tế tại các đảo, quần đảo Trường Sa, vùng biển, đảo của Tổ quốc” đã được khẳng định trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Đây là một chủ trương chiến lược có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước. Chủ trương này đã và đang được hiện thực hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển đi đôi với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền của Việt Nam trên biển.
Ở một số đảo có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng… quá trình dân sự hoá bước đầu được thực hiện có hiệu quả, tạo được dư luận tốt đối với nhân dân trong và kiều bào ta ở ngoài nước. Các cơ sở hạ tầng trên nhiều đảo ở Trường Sa và các đảo ở gần bờ đã được xây dựng ngày càng khang trang hơn. Đời sống của nhân dân từng bước đi vào ổn định, khiến lòng tin của ngư dân và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển vào chủ trương, chính sách của Đảng ngày càng tăng. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay đặc biệt coi trọng thế trận đấu tranh quốc phòng, an ninh phi vũ trang.
Trang bị kỹ thuật phục vụ cho mục đích kinh tế – xã hội phải tính đến nhu cầu đấu tranh quốc phòng – an ninh trong hệ thống các cụm lực lượng trên biển, thực hiện kiểm soát, giám sát, báo động, chi viện, hỗ trợ nhau trong đấu tranh chống lại có hiệu quả các hoạt động xâm phạm chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển. Các cơ sở hậu cần – kỹ thuật, kinh tế – xã hội ven bờ, trên biển và trên các đảo phải sẵn sàng cho nhiệm vụ quốc phòng, ưu tiên xây dựng các đảo tiền tiêu xa bờ có công sự kiên cố, trang bị hoả lực mạnh, có khả năng tác chiến và đấu tranh quốc phòng dài ngày. Quá trình thiết kế, xây dựng hạ tầng cơ sở trên biển, đảo phải mang tính “lưỡng dụng” cao, không chỉ bền vững trước tác động của môi trường biển mà còn phải bền vững khi chuyển sang phục vụ mục đích đấu tranh quốc phòng – an ninh phi vũ trang.
Cần gắn kết các lực lượng quân đội làm kinh tế trên biển với các lực lượng hải cảnh, kiểm ngư để bảo vệ việc khai thác, đánh bắt hải sản của ngư dân trên biển, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển; đồng thời kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn các hành động khai thác hải sản trái phép của nước ngoài trên vùng biển của Việt Nam, đồng thời còn phải đáp ứng nhu cầu đấu tranh quốc phòng phi vũ trang trên biển. Các địa phương ven biển, huyện đảo phải có lực lượng dân quân tự vệ, an ninh nhân dân vừa tham gia sản xuất, khai thác hải sản, vừa làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự trên biển, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành động xâm phạm chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển.
Ba là, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch
Vấn đề “Kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh” lần đầu tiên đã được hiến định trong Điều 68, Chương IV về Bảo vệ Tổ quốc, trong Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Vì thế, phát triển kinh tế biển kết hợp với tăng cường quốc phòng – an ninh trên biển phải phù hợp với hiến pháp theo tư duy mới về biển và đại dương; việc cụ thể hoá các nội dung chiến lược bằng quy hoạch, kế hoạch, các dự án đã được triển khai trước đây, nay cần được rà soát lại để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới, nhất là việc luật hóa bằng các văn bản luật cụ thể.
Chỉ đạo điều hành chặt chẽ việc xây dựng các dự án quy hoạch, kế hoạch thăm dò khai thác kinh tế biển, đảo gắn liền với bảo vệ biển, đảo trong thời kỳ mới; bổ sung hoàn thiện cơ chế, quy chế phối hợp, hiệp đồng các lực lượng trong quá trình triển khai chuẩn bị và thực hành dự án phát triển kinh tế và bảo vệ biển, đảo. Để phát triển toàn diện, có chiều sâu và hiệu quả, bền vững, cần phải làm tốt công tác quy hoạch bảo đảm cho sự phát triển một cách chủ động, sáng tạo, điều đó đòi hỏi phải điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu mới.
Bốn là, tăng cường giáo dục quốc phòng, an ninh biển, đảo cho toàn dân
Cần sớm đưa các nội dung liên quan vào chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng, coi trọng bồi dưỡng các lực lượng trực tiếp hoạt động trên biển, đảo. Tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về chiến lược biển của các nước trong khu vực và thế giới để đề ra các chính sách phù hợp nhằm bảo vệ hữu hiệu chủ quyền quốc gia trên biển, đảo là nhu cầu ngày càng cấp bách. Vì thế, công tác tuyên truyền biển, đảo cần bám sát thực tiễn tình hình, nhất là âm mưu thủ đoạn chiến lược của đối phương để không ngừng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp với trình độ nhận thức của từng đối tượng, đồng thời tận dụng có hiệu quả các phương tiện kỹ thuật và chú trọng mở rộng phạm vi tuyên truyền, nhất là phòng tránh các thủ đoạn khiêu khích, kích động của đối phương gây ảnh hưởng đến đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Công tác tuyên truyền về chủ quyền quốc gia trên biển đòi hỏi có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và các địa phương; phải có sự chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ từ Trung ương tới cơ sở về nội dung và phương pháp tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền phải đa dạng và phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế, lồng ghép chặt chẽ giữa các hoạt động đối ngoại, chính trị, kinh tế, quân sự, quốc phòng, an ninh… Qua đó, làm cho nhân dân Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế hiểu và nắm vững các vùng, khu vực thuộc chủ quyền lịch sử lâu đời của Việt Nam cũng như chủ quyền biển Việt Nam được xác lập trên cơ sở các điều khoản quy định trong Công ước quốc tế về Luật Biển 1982.
Như vậy, tình hình an ninh, quốc phòng trên các vùng biển đảo ở Việt Nam, nhất là khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã và đang cấp bách đặt ra những yêu cầu mới đối với toàn dân. Với vai trò nòng cốt của quân đội trong bảo vệ biên giới trên biển, không chỉ đối với lực lượng thường trực sẵn sàng chiến đấu mà còn với cả lực lượng tham gia xây dựng kinh tế biển. Vì thế, phải sớm triển khai các giải pháp hiệu quả về kết hợp quốc phòng với an ninh kinh tế biển, đảo nhằm tiếp tục xây dựng và tăng cường tiềm lực, thế trận trên vùng biển, đảo của Tổ quốc, sẵn sàng đối phó hữu hiệu với các tình huống đấu tranh quốc phòng, an ninh trong tương lai nếu xẩy ra.
NGUYỄN NHÂM
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.