Quản lý, vận hành trạm dừng nghỉ trên cao tốc - (Bài 3): Thiếu trạm, chất lượng dịch vụ chưa đồng đều

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 19/07/2023 07:15

Dù đã xây dựng quy hoạch trạm dừng nghỉ nhưng do khó khăn cơ chế thu hút đầu tư, giải phóng mặt bằng nên còn 1 số tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác nhưng chưa có trạm dừng nghỉ, một số tuyến có trạm dừng nghỉ nhưng chất lượng dịch vụ chưa đồng đều...

Xây dựng, vận hành trạm dừng nghỉ trên cao tốc còn bất cập - Ảnh 1.

Khu vực quy hoạch trạm dừng nghỉ trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: Sơn Khê

Thiếu trạm dừng nghỉ

Tại phía Bắc, tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái dài 176 km, từ cầu Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên) đến nút giao cầu Bắc Luân 2 (TP. Móng Cái) hiện chưa có trạm dừng nghỉ hay trạm xăng nào. Còn lại, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có 1 trạm, Hà Nội - Hải Phòng có 3 trạm, Cầu Giẽ - Ninh Bình có 1 trạm, Nội Bài - Lào Cai có 5 trạm.

Theo quy hoạch cao tốc Bắc - Nam nhánh Đông, cơ quan có thẩm quyền đã hoạch định đầu tư khoảng 41 trạm dừng nghỉ. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn trong cơ chế thu hút vốn đầu tư, GPMB nên đến nay mới đầu tư đưa vào khai thác 9/41 trạm, trong đó đã đưa vào khai thác 6 trạm (gồm 2 trạm trên cao tốc Bắc Giang - Hà Nội, 1 trạm trên đoạn Cầu Giẽ - Cao Bồ, 1 trạm đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, 1 trạm trên cao tốc Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và 1 trạm trên cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương); đang đầu tư 3 trạm (1 trạm đầu tuyến La Sơn - Túy Loan, 1 trạm trên cao tốc Lạng Sơn - Bắc Giang và 1 trạm trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận), còn lại 32 trạm chưa đầu tư (trong đó một số trạm đã GPMB, một số trạm chưa GPMB).

Ông Phạm Hùng Thái - Giám đốc Điều hành dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho biết, hiện nay chủ đầu tư (Ban QLDA Thăng Long) đang lựa chọn nhà thầu để xây dựng trạm dừng nghỉ trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, dự kiến quý I/2024 mới khởi động trạm dừng nghỉ này. Cũng theo ông Thái, hiện công tác GPMB xây dựng trạm dừng nghỉ cơ bản đã hoàn thành, không gặp vướng mắc gì. Tuy nhiên, sau khi có hướng dẫn của Cục Đường cao tốc Việt Nam, đơn vị này đang lựa chọn nhà thầu theo quy định và thực hiện đúng tiến độ, trình tự. Được biết, trạm dừng nghỉ này sẽ được đặt tại km47+500, thuộc địa phạn xã Tân Đức, huyện Hàm Tân (giáp ranh với tỉnh Đồng Nai).

Tương tự, ông Phạm Quốc Huy - Giám đốc Quản lý dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cho biết, đơn vị đang lập hồ sơ thiết kế và hồ sơ lựa chọn nhà đầu tư, dự kiến đến tháng 10 sẽ hoàn tất hồ sơ để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và sẽ triển khai xây dựng từ đầu năm 2024.

Chất lượng, giá dịch vụ mỗi nơi một kiểu

Hầu hết các trạm dừng nghỉ hiện nay hoạt động riêng lẻ, thiếu lực lượng hướng dẫn từ khi khách vào, khách ra, khu vực đón tiếp...

Đơn cử như trạm dừng nghỉ trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, những ngày cuối tuần thường đón lượng hành khách khá đông đi du lịch từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa về Hà Nội. Lái xe mạnh ai nấy đỗ, cứ trống là vào, thậm chí xe đông phải đỗ ra ngoài đường dẫn... Hành khách theo thói quen xuống xe đi thẳng vào khu vệ sinh, rồi ra mua nước, bánh trái, kéo thành đoàn về phía xe của mình, nhưng không biết rằng hành động này rất nguy hiểm vì lượng xe ra vào khu vực rất đông, rất dễ xảy ra tai nạn.

Thường xuyên di chuyển từ Hà Nội về Ninh Bình, anh Tạ Quý Dương (trú tại TP. Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) cho biết tất cả theo một thói quen, hành khách cũng không được hướng dẫn, mạnh ai nấy đi để "giải quyết nhu cầu cá nhân". Khu vực vệ sinh tuy khá rộng song việc phải chờ đợi đến lượt diễn ra khá phổ biến. Mặt khác, nhiều nơi hành khách phải trả tiền để được đi vệ sinh. Bên cạnh đó, những mặt hàng thiết yếu như đồ ăn, nước uống giá cao gấp đôi so với bên ngoài. Đơn cử như chai nước 500 ml lạnh giá 10 nghìn đồng, trong khi bên ngoài bán 5 nghìn đồng; cái bánh giò bên ngoài bán 10 - 15 nghìn đồng tại đây bán 30 nghìn đồng.

Trái ngược với cảnh chen chúc tại trạm dừng nghỉ tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình, qua khảo sát của Tạp chí GTVT tại các trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, các khu được thiết kế, tổ chức đều khoa học, các vị trí đỗ xe được kẻ vạch rõ ràng, phân rõ ô tô con, xe khách, xe tải, lối đi bộ, diện tích đỗ xe và ra vào đạt tiêu chuẩn hiện hành, thậm chí còn lắp thêm cao su chặn lốp để hỗ trợ lái xe. Bên cạnh đó, trạm còn bố trí đội ngũ nhân viên an ninh điều phối bãi đỗ xe.

Anh Đoàn Minh Tuyến - lái xe của hãng Vân Đồn xanh nhận xét, chất lượng dịch vụ ở trạm V52 Hải Dương trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã tạo được dấu ấn trong lòng hành khách và các nhà xe. Thêm nữa, giá cả dịch vụ ăn uống, mua sắm quà, đồ lưu niệm hợp lý; khu vệ sinh sạch sẽ... đã khiến người dân, du khách hài lòng mỗi khi dừng nghỉ tại các trạm trên tuyến.

Ông Nguyễn Tuấn Phương (64 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) chia sẻ, đây là lần thứ 3 vào trạm dừng nghỉ này. "Tôi rất ấn tượng với thái độ phục vụ niềm nở, nhiệt tình, chu đáo của nhân viên; quầy dịch vụ ăn uống sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; quầy bán quà lưu niệm có nhiều đặc sản các vùng miền, địa phương theo tiêu chuẩn OCOP. Đặc biệt, khu vệ sinh tại trạm này rất sạch sẽ, được nhân viên liên tục lau rửa, đảm bảo môi trường văn minh, lịch sự. Tôi cho rằng những trạm dừng nghỉ các tuyến cao tốc trên toàn quốc cũng nên học tập mô hình này", ông Phương nói.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, hiện nay VEC đang quản lý 7 trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc: Nội Bài - Lào Cai (5 trạm), Cầu Giẽ - Ninh Bình (1 trạm) và TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (1 trạm). Các trạm này được các doanh nghiệp ký hợp đồng khai thác dịch vụ ăn uống, cung ứng xăng dầu, sửa chữa..., giá cả được niêm yết công khai và tuân thủ theo những quy định trong hợp đồng kinh tế. Ngoài ra, VEC cũng công khai đường dây nóng trên tuyến cũng như tại các trạm dừng nghỉ để tiếp nhận thông tin từ lái xe, hành khách không chỉ về sự cố trên cao tốc mà còn cả chất lượng dịch vụ tại các trạm dừng nghỉ. Duy nhất hiện nay trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi VEC chưa xây dựng được trạm dừng nghỉ bởi nhiều lý do. Trong thời gian tới, VEC sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền để đầu tư hoàn thiện hệ thống trạm dừng nghỉ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, hiện nay chất lượng dịch vụ tại các trạm dừng nghỉ chưa đồng đều, có trạm làm rất tốt, gây ấn tượng cho hành khách, lái xe từ cảnh quan cho đến chất lượng dịch vụ, giá cả vệ sinh môi trường song không ít trạm còn đơn điệu, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần có tiêu chí phân loại, đánh giá để người dân, doanh nghiệp được hưởng dịch vụ tốt nhất từ các trạm dừng nghỉ.