Hành lang pháp lý khẳng định vai trò thiết yếu
Tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008, quy định trạm dừng nghỉ được xác định là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông. Trạm dừng nghỉ cũng thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Hoạt động của trạm dừng nghỉ phải bảo đảm trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ và chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ở địa phương. Cùng với đó, doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác trạm dừng nghỉ có quyền, nghĩa vụ tổ chức dịch vụ phục vụ người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; thực hiện công việc theo hợp đồng ủy thác với người vận tải.
Theo đánh giá mới đây của Bộ Tư pháp, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ cao tốc phù hợp tình hình thực tiễn, ngày 19/5/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2023 sửa đổi Nghị định số 32/2014 về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc. Nghị định 25 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2023. Một trong những mục đích quan trọng của việc ra đời Nghị định 25 là nhằm rà soát, sửa đổi các điều, khoản, điểm của Nghị định 32 không còn phù hợp, cũng như sửa đổi, bổ sung những nội dung phù hợp với thực tiễn, hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ cao tốc.
Đáng chú ý trong đó, Điều 1 Nghị định 25 sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 3 Nghị định 32/2014, bao gồm quy định trạm dừng nghỉ thuộc công trình đường cao tốc.
Nghị định 25 cũng bổ sung Điều 16a, bao gồm quy định về trạm dừng nghỉ. Cụ thể, khoản 1 Điều 16a quy định, trạm dừng nghỉ của đường cao tốc được xây dựng theo quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật để phục vụ cho người tham gia giao thông, hỗ trợ công tác cứu nạn, cứu hộ, sửa chữa, cung cấp nhiên liệu, năng lượng cho phương tiện tham gia giao thông.
Khoản 2 Điều 16a quy định vị trí, quy mô xây dựng trạm dừng nghỉ được xác định khi lập dự án, thiết kế xây dựng trạm và được triển khai trong dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc hoặc sau khi đường cao tốc đã đưa vào khai thác, sử dụng. Việc đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về đấu thầu, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công.
Trạm dừng nghỉ cung cấp nhiều dịch vụ miễn phí
Cũng tại khoản 4 Điều 16a nêu rõ: "Đối với công trình dịch vụ chuyên ngành đường bộ, Bộ GTVT quy định việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với quy định pháp luật về đấu thầu, đầu tư và pháp luật chuyên ngành, các quy định của Nghị định này".
Những quy định chi tiết tại Thông tư 48/2012 của Bộ GTVT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ. Đáng chú ý trong đó, Mục II Thông tư 48 quy định trạm dừng nghỉ phải được xây dựng theo quy hoạch trạm dừng nghỉ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Điểm đấu nối của đường ra, vào trạm dừng nghỉ với các đường khác (trừ quốc lộ) phải được thực hiện theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp trạm dừng nghỉ được sử dụng cho phương tiện lưu thông trên cả hai chiều của đường cao tốc thì phải có đường đi trên cao hoặc đi ngầm tại nơi giao cắt với đường cao tốc để sang đường (Theo quy định tại Điều 11, 13 của TCVN 4054: 2005).
Theo Bộ GTVT, trạm dừng nghỉ có các chức năng cơ bản, gồm: cung cấp dịch vụ nghỉ ngơi; quản lý giao thông đường bộ; cung cấp thông tin; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội địa phương; quảng bá bản sắc văn hóa địa phương.
Các công trình, thiết bị của trạm dừng nghỉ phải được xây dựng, lắp đặt đảm bảo chất lượng và sự bền vững tương ứng với cấp công trình theo quy định tại TCXDVN 276:2003 và các quy định liên quan khác. Hệ thống điện, nước, chiếu sáng, thông tin liên lạc của trạm dừng nghỉ phải đảm bảo đồng bộ, hoàn chỉnh, tuân thủ theo các quy định để có thể cung cấp an toàn, liên tục và ổn định các dịch vụ cho người và phương tiện tham gia giao thông theo quy định tại QCVN 07:2010/BXD và TCXDVN 276:2003. Trạm dừng nghỉ phải có điện thoại cố định, được phủ sóng điện thoại di động và có hệ thống thiết bị truyền thanh.
Quy chuẩn cũng quy định về các hạng mục công trình cơ bản của trạm dừng nghỉ được chia thành 3 nhóm, gồm: các công trình dịch vụ công; các công trình dịch vụ thương mại và các công trình bổ trợ, trong đó bắt buộc phải có các công trình nêu trên.
Công trình dịch vụ công (cung cấp các dịch vụ miễn phí) gồm: bãi đỗ xe; không gian nghỉ ngơi; phòng nghỉ tạm thời cho lái xe; khu vệ sinh; nơi cung cấp thông tin; nơi tổ chức, phát động tuyên truyền về ATGT; nơi trực của nhân viên cứu hộ, sơ cứu TNGT. Công trình dịch vụ thương mại gồm: khu vực phục vụ ăn uống, giải khát; khu vực giới thiệu và bán hàng hóa; trạm cấp nhiên liệu; xưởng bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; nơi rửa xe; phòng ngủ cho lái xe và hành khách lưu trú qua đêm. Công trình bổ trợ (khuyến khích) gồm: biểu trưng của địa phương hoặc của trạm dừng nghỉ; nơi sản xuất, chế biến đặc sản của địa phương; nơi sinh hoạt cộng đồng (tổ chức hội chợ, hoạt động văn hóa).
Trạm dừng nghỉ cần là một hợp phần của dự án đường cao tốc
Thực tế cho thấy, nhiều tuyến cao tốc đã khai thác từ lâu như Pháp Vân - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương đã có trạm dừng nghỉ phục vụ nhu cầu vận tải và của người dân, song nhiều tuyến hiện vẫn chưa có. Trao đổi với Tạp chí GTVT, lãnh đạo Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) cho biết, chi phí đầu tư cho 1 trạm dừng nghỉ (loại 1) có tổng mức lớn, lên tới hàng trăm tỷ đồng, bao gồm chi phí đền bù GPMB khoảng 6 -10 ha hai bên đường, đường dẫn lối vào, ra kết nối với làn xe chạy cao tốc, san nền, xây dựng hạ tầng cấp thoát nước, thông tin, điện, xử lý môi trường nước thải..., cùng với đó là xây dựng công trình nhà trạm đạt khoảng 4.000 - 8.000 m2 sàn/1 bên trạm.
"Vì vậy, khi lập dự án đầu tư đường cao tốc nên có chính sách bổ sung thành phần trạm dừng nghỉ là một hợp phần của dự án đường cao tốc", lãnh đạo VIDIFI bày tỏ và cho biết thêm cần ít nhất các hạng mục: đường tăng giảm tốc ra vào trạm dừng nghỉ, đền bù GPMB và san nền... Khi đó, nhà đầu tư sẽ tiếp tục đầu tư vào công trình nhà trạm, nội thất, cảnh quan và tổ chức kinh doanh, cung cấp các dịch vụ công cộng, vốn lưu động.
"Có như vậy, nhà đầu tư mới được hỗ trợ một phần chi phí về công trình hạ tầng trạm, làm giảm tổng mức đầu tư, khi đó phương án tài chính của trạm mới khả thi, bởi đa số các trạm đều xa trung tâm các thành phố lớn, ngoại trừ số ít các trạm trên một số tuyến có lợi thế về thương mại do có lưu lượng lớn", lãnh đạo VIDIFI chia sẻ.
Hiện nay, Cục Đường cao tốc Việt Nam đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo quy hoạch hệ thống trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc để trình Bộ GTVT xem xét thông qua trong thời gian sớm nhất.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.