Quảng Nam: Cần lắm cây cầu dân sinh giúp dân an toàn trong mưa lũ

Tác giả: Phạm Trọng Nghị

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 11/10/2021 11:27

Ðã có nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra nhưng năm này qua năm khác người dân chỉ biết chờ đợi và đánh cược tính mạng với dòng nước lũ.


Đang lo ngại nhất, mỗi khi mùa mưa, lũ đến, việc đi học của các cháu gặp muôn vàn khó khăn, có khi phải nghỉ học cả tuần vì gặp nước lũ lớn. Những khi có người đau ốm, sinh nở, cần cấp cứu gấp, nhiều người cứ cuống cuồng không biết làm thế nào để vượt sông đến trạm y tế.

Những vụ đuối nước thương tâm vẫn luôn hiện hữu

Theo thống kê của UBND xã Duy Châu (huyện Duy Xuyên) trong những năm gần đây trên địa bàn đã có 11 người bị nước cuốn trôi, tử vong, tài sản cũng bị cuôi trôi nhiều vô kể…mới đây vào khoảng 4h sáng ngày 08/10, bà H.T.C. (sinh 1956) cùng 4 người nữa tại thôn Lệ Bắc, xã Duy Châu trong lúc đi chợ trên đường thôn Lệ Bắc nối với ĐT 610 đã bị nước lũ cuốn trôi, 4 người may mắn thoát nạn còn bà C. hiện đang mất tích. Đây là nạn nhân thứ 12 bị đuối nước thương tâm tại khu vực này.

04
Mỗi lần mưa lũ đổ về người dân thông Lệ Bắc lại lơm lớp nỗi lo đuối nước khi phải lưu thông qua đoạn đường bị ngập

Hàng năm cứ vào mùa nước lũ, để hạn chế rủi ro, mỗi lần nước sông Thu Bồn dâng lên, địa phương phải cử người cảnh giới 2 đầu con đường để tránh việc người dân bất chấp lội qua.

Theo chia sẻ của người dân ở thôn Lệ Bắc, xã Duy Châu, đây là khu vực thường xuyên xảy ra tại nạn do nước cuốn trôi. Con đường bê tông nhỏ hẹp, đã xuống cấp cũng là lối đi duy nhất nối thôn Lệ Bắc với tuyến DT610 của huyện. Chỉ cần nước sông dâng ở mức báo động 1 cũng khiến việc đi lại của người dân hết sức khó khăn, nguy hiểm, hơn 1500 nhân khẩu của gần 300 hộ dân bị cô lập hoàn toàn với phần còn lại của địa phương.

Nhiều năm nay, việc đi lại của người dân mỗi khi mưa lũ đến địa phương sẽ bố trí 1 con đò và hợp đồng với một người có bằng lái đò để đưa bà con nhân dân thôn Lệ Bắc qua lại hai bên bờ sông Thu Bồn. Việc đưa đò cũng chỉ bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 18 giờ chiều mỗi ngày, ban đêm không hoạt động vì quá nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân.

Tuy nhiên, việc dùng đò cũng gặp khó khăn, khi nước sông chỉ hơn nửa mét thì không thể dùng đò vì quá cạn, ghe thuyền không di chuyển được, nhưng đây là thời điểm nước chảy rất mạnh, tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất. Nhiều lần địa phương tuyên truyền, cắm biển báo nhưng một số người vẫn phải lội qua vì cuộc sống mưu sinh.

Bên cạnh đó, vào mùa mưa, mực nước trên sông Thu Bồn luôn giữ ở mức cao cho nên chỉ cần đạt ngưỡng mức báo động I là con nước đã phủ luôn tuyến đường. Đến khi đạt trên báo động II thì khu vực đường dẫn vào thôn ngập sâu từ 3 – 4m. Nước dâng cao khiến thôn bị cô lập nhiều ngày. Công tác tránh lũ, sơ tán dân cũng gặp nhiều khó khăn do những bất tiện của địa hình. Việc sử dụng đò nhỏ để di chuyển trong mùa mưa lũ là cực kỳ nguy hiểm đối với người dân, đặc biệt là việc đến trường của các em học sinh.

Dân mỏi mòn chờ cầu

Ghé thôn Lệ Bắc khi cơn mưa vừa dứt hạt, con đường nhỏ duy nhất nối thôn Lệ Bắc với trục đường DT610 và phần còn lại của xã Duy Châu đã bị dòng nước siết nuốt chửng. Không khí tang thương bao trùm cả 1 thôn nghèo khi sáng nay lại có người vừa mới bị nước cuốn trôi mất tích.

Đứng trên bờ hỗ trợ lực lượng chức năng đang khẩn trương tìm kiếm người phụ nữ xấu số. Bà Nguyễn Thị Hoa (thôn Lệ Bắc) cho biết, năm ngoái thôn tôi có đến 8 lần bị nước lũ cô lập. Mọi sinh hoạt hàng ngày phải phụ thuộc vào con đò nhỏ. Thương nhất là các em học sinh, quần áo lúc nào cũng lấm lem bùn đất và ướt sũng nước. Năm nay chỉ mới bắt đầu mùa mưa nhưng đã xảy ra chuyện đau lòng thế này rồi, không biết khi vào mùa lũ về chúng tôi sống sao???

0100
Người dân thôn La Thọ 3, xã Điện Hòa, TX Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, khát khao 1 cây cầu mới

Cùng chung cảnh ngộ, nhiều năm qua, người dân thôn La Thọ 3, xã Điện Hòa, TX Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, khát khao một cây cầu kiên cố để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế… Trải qua hơn 40 năm cây cầu đã xuống cấp trầm trọng, chênh vênh giữa lòng sông, khiến người dân lo lắng, bất an mỗi khi đi qua, đây thực sự là một cái bẫy nguy hiểm đối người dân, nhất là người già và trẻ nhỏ.

Theo người dân nơi đây, cây cầu hình thành từ những năm 1979 được làm bằng tre, đến năm 1982 do nhu cầu đi lại ngày một lớn cầu được sửa chữa thay thế chân cầu bằng sắt. Tuy nhiên, cũng chỉ là tạm bợ không được đầu tư kiên cố nên cầu đã xuống cấp nghiêm trọng. Hiện các cây cột làm trụ cầu đều đã bị hư hỏng, xiêu vẹo, không có thanh chắn bảo vệ hai bên. Mặt cầu là những miếng ván ghép đã bị mục nát, không còn chắc chắn, hệ thống dây buộc, thanh sắt đã hoen gỉ gãy rụng, nhiều mảnh gỗ đã mủn rơi khỏi mặt để lại lỗ hổng lớn rất nguy hiểm cho người qua lại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn mỗi khi đi qua cầu.

Lo lắng trước nguy cơ tai nạn từ cây cầu, ông Thái Nga, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn La Thọ 3 chia sẻ: “Người dân chúng tôi ước mong có một cây cầu kiên cố để yên tâm sinh sống, ổn định cuộc sống, để con cháu đi lại thuận tiện và an toàn hơn. Tại đây, dân chúng sẽ rất vất vả, bởi toàn bộ người dân trong thôn chỉ có một nơi duy nhất canh tác hoa màu, nguồn mưu sinh duy nhất của người dân trong thôn đều ở phía bên kia sông nếu không được sửa chữa, làm mới thì người dân chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khổ nhọc…”.

Tránh mất bò mới lo làm chuồng

Được biết, chủ trương xây mới cầu Lệ Bắc thuộc 1 trong 34 cây cầu dân sinh của tỉnh Quảng Nam đã được lên phương án để xây dựng. UBND huyện Duy Xuyên đã nhiều lần kiến nghị tỉnh bố trí vốn dư của dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) để đầu tư xây dựng cầu Lệ Bắc dài khoảng 200m, bề rộng 3,5m tại vị trí được UBND huyện quy hoạch. UBND tỉnh cũng đã có văn bản gửi Bộ GT-VT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị xem xét, điều chỉnh bổ sung cầu Lệ Bắc vào danh mục cầu dân sinh thuộc dự án LRAMP. Tuy nhiên, sau một thời gian kiến nghị đến nay vẫn chưa được triển khai.

Ông Nguyễn Thế Đức – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên chia sẻ: Do quá mong chờ có được cây cầu để ổn định cuộc sống nên người dân thường xuyên có kiến nghị đến địa phương. Lãnh đạo huyện cũng đã nhiều lần làm Tờ trình gởi các cơ quan chức năng tỉnh, mới nhất là vào ngày 06/9/2021 tại Tờ trình số 223 UBND huyện Duy Xuyên đã đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam về việc hỗ trợ kinh phí cùng địa phương nâng cấp công trình giao thông bắc qua sông Lệ Bắc với tổng kinh phí dự kiến là 40 tỷ quy mô thiết kế cầu BTCT dài 200m, bề rộng mặt cầu 3,5m và đường dẫn dài 300m, bề rộng mặt đường 5,5m… nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt.

02
Đừng để mất  bò với lo làm chuồng

Ông Hồ Văn Năm (53 tuổi, ở thôn Lệ Bắc) buồn bã nói: Người dân muốn qua chợ, học sinh muốn đến trường đều phụ thuộc vào con nước. Trước đây từng có một số vụ lật đò, người dân luôn ám ảnh mỗi khi mưa lũ. Nhưng hàng chục năm nay ước muốn có một cây cầu kiên cố để đi lại thuận lợi vẫn chưa thể thành hiện thực. Đến bao giờ thì Nhà nước xây cho chúng tôi cây cầu???

Ông Lê Văn Nghĩa – Giám đốc Ban QLDA huyện Duy Xuyên khẳng định: mong muốn của địa phương là làm sao có được cây cầu cho người dân đi càng sớm càng tốt. Nếu được chấp thuận chủ trương đầu tư và có nguồn vốn để triển khai chúng tôi sẽ đẩy nhanh tiến độ để sớm khởi công hoàn thành dự án đưa vào sử dụng.

Mùa mưa lũ nữa lại về, người dân thôn ở thôn Lệ Bắc nói riêng, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nói chung. Vì cuộc sống mưa sinh, người dân lại liều mình băng qua vùng nước lũ; học sinh trong thôn lại lấm lem buồn đất, áo quần sũng nước để đến trường. Đến bao giờ người dân nơi đây mới hết đánh cược tính mạng của mình với dòng nước siết???.

Ý kiến của bạn

Bình luận