Hạ tầng giao thông TP. Tam Kỳ (thủ phủ tỉnh Quảng Nam) đang được khởi sắc từng ngày |
Những năm qua, nhờ tập trung nguồn lực của địa phương và tranh thủ tối đa các nguồn vốn từ Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ, các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn của các tổ chức quốc tế cũng như vốn do các đơn vị, cá nhân đóng góp, đến nay hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã tương đối hoàn chỉnh với hơn 7.000km và phân bổ đều khắp, hợp lý với trục dọc Bắc - Nam và trục ngang Đông - Tây.
Kinh tế - xã hội tăng trưởng khá
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho biết, tình hình kinh tế - xã hội địa phương năm 2016 có nhiều chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng gần 12% (kế hoạch 11,5%); chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 30%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt khoảng 30.000 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước đạt khoảng15.000 tỷ đồng, tăng hơn 40%; hoạt động du lịch tăng khá, doanh thu hoạt động khách sạn, nhà hàng ước đạt gần 7.000 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với năm 2015. Tình hình an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục, chăm lo người có công, các đối tượng chính sách được quan tâm…
Tại buổi làm việc mới đây với tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, thành tựu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam trong phát triển kinh tế - xã hội và trên tất cả các lĩnh vực khác.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng nhấn mạnh, để phát triển, trước hết Đảng bộ, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Nam phải dành nhiều tâm huyết, trí lực, trách nhiệm, xông pha, tận tụy ngày đêm, chủ động, sáng tạo, luôn có khát vọng phát triển; có chính quyền liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp; phấn đấu xây dựng tỉnh Quảng Nam thành mô hình phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, phát triển, cùng với Đà Nẵng, Quảng Ngãi hình thành trung tâm kinh tế miền Trung. Tinh thần này phải được lan tỏa trong cấp ủy, chính quyền các cấp và cả lớp trẻ; kiên quyết loại bỏ những cán bộ vô trách nhiệm. Thời gian qua, tỉnh đã phối, kết hợp chặt chẽ với Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan tiến tới tổ chức hội nghị chuyên đề về phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, đề ra ý tưởng mới để phát triển.
Hạ tầng giao thông luôn “đi tắt đón đầu”
Phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) là bộ mặt bừng sáng cho hạ tầng giao thông Quảng Nam trong mắt du khách thập phương |
Mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh, ngoài đường Hồ Chí Minh, QL1A hiện hữu, trục dọc còn gồm các tuyến trọng điểm là đường ven biển, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường tuần tra biên giới và đường Đông Trường Sơn; khớp nối là các quốc lộ trục ngang 14G, 14B, 14D, 14E và 40B. Bên cạnh việc phát triển hệ thống giao thông “đối ngoại”, các tuyến đường huyết mạch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng đã từng bước được đầu tư, xây dựng khá đồng bộ, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đánh giá về tầm quan trọng của việc phát triển mạng lưới giao thông đối với phát triển kinh tế, lãnh đạo ngành GTVT Quảng Nam luôn nhận thức được rằng, cơ sở hạ tầng giao thông là một bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, là yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến lợi thế cạnh tranh của tỉnh để thu hút đầu tư, phát triển. Chính vì vậy, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông cần phải được ưu tiên đi trước một bước với tốc độ nhanh và bền vững.
Tập trung đầu tư, thúc đẩy phát triển
Được biết, trong giai đoạn 2017 - 2020, ngành GTVT tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiệu quả. Mặt khác, tỉnh cũng tập trung đầu tư xây dựng để hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tuyến đường trục chính đã quy hoạch, kết nối với mạng lưới giao thông khu vực ASEAN (đơn cử QL14D, QL14B, các tuyến nối đường ven biển, QL1A với đường cao tốc); cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ có mặt đường hẹp, chưa đạt quy mô kỹ thuật theo quy hoạch; phát triển các tuyến kết nối đường trục quốc gia với giao thông địa phương để phát huy lợi thế giao thông của tỉnh và một số dự án khác.
Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam Nguyễn Văn Nhân cho biết, Ngành sẽ tập trung các nguồn lực để cải tạo, sửa chữa mặt đường các tuyến đô thị, từng bước mở rộng theo quy hoạch. Tỉnh sẽ đầu tư có trọng tâm theo kế hoạch trung hạn, ưu tiên các nguồn vốn ODA, trái phiếu Chính phủ để triển khai dự án lớn, tạo động lực cho khu vực. Ngoài ra, tỉnh cũng đã và đang thực hiện Đề án “Kiên cố hóa mặt đường các tuyến điều hòa trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2015 - 2020”, Đề án “Phát triển Giao thông nông thôn giai đoạn 2016 - 2020” kết hợp với xây dựng nông thôn mới. Quảng Nam cũng phát triển mạng lưới đô thị và mở rộng, nâng cấp các tuyến giao thông quan trọng; xây dựng cầu tại vị trí then chốt nhằm rút ngắn thời gian vận chuyển, nạo vét các tuyến đường thủy nội địa, xây dựng hạ tầng cụm cảng Kỳ Hà, tăng tần suất các chuyến bay để khai thác có hiệu quả cảng hàng không Chu Lai, phục vụ kịp thời nhu cầu lưu thông hàng hóa, đi lại của người dân, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói riêng và khu vực nói chung.
Được biết, tới đây Quảng Nam sẽ rà soát, xây dựng quy hoạch để nâng cấp cảng Chu Lai thành cảng trung chuyển quốc tế. Đồng thời, tỉnh cũng thúc đẩy liên kết về du lịch với các địa phương từ Huế đến Khánh Hòa nhằm tăng cường thu hút khách du lịch; phấn đấu đưa du lịch Quảng Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của cả khu vực miền Trung - đó cũng là tiền đề phát triển mạnh mẽ con đường di sản miền Trung từ việc đi tắt đón đầu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh o
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.