Công trình xây dựng "đứng bánh" vì khan hiếm nguồn vật liêu đất, cát
Trái ngược với khung cảnh ra quân, thi công rầm rộ như mọi năm trước, từ sau Tết Nguyên đán 2023 đến nay, nhiều công trình xây dựng, công trình giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam khá im ắng. Hàng loạt công trình giao thông kết nối Nam – Bắc, Đông – Tây của Quảng Nam thi công cầm chừng, đình trệ, nhiều công trình gần như "đứng bánh". Chủ đầu tư, nhà thầu thi công cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng thông thường, đất đắp nền, cát xây. Nếu nhà thầu "xoay xở" được vật liệu thì phải mua với giá "cắt cổ". Bất cập nữa, các nhà thầu phải mua với giá rất cao so với thời điểm dự thầu và công bố giá.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam, chỉ tính riêng công trình hoàn thiện tuyến đường 129 ven biển (Võ Chí Công) hiện cần đến hơn 1,5 triệu mét khối đất san nền, đắp đường, do bí nguồn cung nên tiến độ thi công đình trệ. Trước đây, nguồn đất đắp được mua từ mỏ đất ở huyện Quế Sơn, nhưng hiện nay mỏ đất hết trữ lượng.
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam cho biết, tổng nhu cầu vật liệu đắp cho các công trình chuyển tiếp và các công trình mà đơn vị này chuẩn bị khởi công cần khoảng 3 triệu mét khối. Ngoài khối lượng đất đắp, các công trình cũng cần một cơ hữu khối lượng cát xây dựng rất lớn, tuy nhiên, tìm nguồn vật liệu phục vụ thi công cũng rất khó khăn, khan hiếm.
Không chỉ các công trình trọng điểm, mà các công trình giao thông khác cũng bị đình trệ. Điển hình, do khan hiếm nguồn vật liệu, công trình đường tránh lũ kết hợp phát triển đô thị Nam Phước (huyện Duy Xuyên), kết nối với tuyến QL1, QL14H không thể hoàn thành đúng như hợp đồng thi công xây dựng, công trình rơi vào tình trạng thi công dang dở.
Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Thế Đức – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, địa phương không có mỏ đất san nền, đắp đường, còn vùng lân cận khan hiếm nguồn đất, khiến tiến độ các dự án đầu tư bị ảnh hưởng rất lớn. "Không chỉ tuyến tránh lũ đi qua thị trấn, nhiều tuyến đường huyện, đường xã cũng không có đất làm đường, vật liệu thi công", ông Đức nói.
Tương tự, lãnh đạo UBND thị xã Điện Bàn cho hay, hiện nay các tuyến đường khởi công mới hay chuyển tiếp ở địa phương đều không có đất để mua đắp nền, thiếu nguồn cát xây dựng. Hệ lụy, một số dự án tổ chức đấu thầu nhưng không có danh nghiệp tham gia đấu thầu. Tình trạng này kéo dài sẽ có không ít nhà thầu trì hoãn thi công, không có khối lượng công trình giải ngân vốn đầu tư công.
Cần có giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ
Theo lãnh đạo các huyện/thị xã/thành phố tỉnh Quảng Nam, nguồn cát thi công thường lấy từ mỏ trên sông Thu Bồn, nhưng giờ các mỏ đã hết thời gian khai thác, đóng cửa. Các mỏ ở Đại Lộc, Duy Xuyên... còn sản lượng khai thác, nhưng hoạt động cầm chừng. Mới đây, để giải quyết tình huống, UBND thị xã Điện Bàn đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam xem xét, cho phép lấy cát khoảng 10.000m3 tại điểm mỏ ĐB02 (Điện Thọ).
Khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng thông thường, đẩy giá vật liệu thị trường hiện gấp 3-4 lần giá công bố dự toán. Theo một số nhà thầu thi công các công trình trên địa bàn các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Tây Giang giá 1m3 cát xây dựng đưa đến chân công trình ở khu vực miền núi có giá lên đến gần 600 ngàn đồng, giá cao "cắt cổ" nhưng không dễ dàng mua được.
Theo lãnh đạo Sở KH-ĐT Quảng Nam, lượng vốn đầu tư công năm 2023 gia tăng gấp nhiều lần so với năm 2022. Công trình chỉ trên 1 tỷ đồng đều thông qua cổng thông tin đấu thầu quốc gia, nhưng nguyên liệu cát, đất tăng cao, khan hiếm. Nhà thầu cập nhật giá đầu tư, thấy lỗ nên trì hoãn thi công hay chưa muốn đấu thầu dự án. Cùng với đó, giá nguyên liệu đất đắp công trình, cát xây dựng thị trường cao hơn rất nhiều so với giá báo liên sở, lại khan hiếm nguồn cung nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Để giải quyết trạng này, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, chính quyền đã yêu cầu các chủ mỏ phải tổ chức khai thác theo trữ lượng, giấy phép được cấp; Nghiêm cấm tạo khan hiếm để tăng giá; Niêm yết giá công khai và bán đúng giá. UBND tỉnh đã chỉ đạo thanh tra, kiểm tra xử lý. Chính quyền yêu cầu các huyện khẩn trương tổ chức lựa chọn nhà thầu khai thác, thống nhất cho phép đấu giá 41 mỏ đất, cát đã được phê duyệt để có đủ nguồn cung cho thị trường xây dựng địa phương.
Không dừng lại đó, ngày trong ngày 27/2, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND Quảng Nam trực tiếp chủ trì cuộc họp với các sở, ngành và địa phương liên quan để chấn chỉnh việc quản lý, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Trước những ý kiến nêu ra thực trạng giá cát tăng và khan hiếm đột biến khiến các dự án đầu tư công hay tư đều lâm vào tình trạng khó khăn, nhưng rất khó để kiểm soát, ông Thanh yêu cầu khắc phục ngay các khó khăn để đưa hoạt động khai thác khoáng sản vào nền nếp, kiểm soát tiến độ khai thác, chấm dứt nạn khan hiếm vật liệu và tăng giá đột biến như hiện tại.
Ông Lê Trí Thanh chỉ đạo các địa phương khẩn trương đấu giá các mỏ vật liệu đã được phê duyệt, không để kéo dài; Chủ động tháo gỡ khó khăn về thủ tục để đưa các mỏ vào khai thác; Nhanh chóng đánh giá lại các mỏ khoáng sản ở địa phương để bổ sung vào quy hoạch; Các mỏ khoáng sản hết hiệu lực hay khai thác xong cần hoàn thổ, phục hồi môi trường.
Tiến hành thanh tra, kiểm tra và các địa phương cần chia sẻ nguồn lực vật liệu cho các dự án đầu tư triển khai trên toàn Quảng Nam, tiến đến kiểm soát chặt, tránh tình trạng tăng giá và khan hiếm nguồn cung vật liệu xây dựng, bảo đảm cho các dự án đầu tư triển khai, thi công đúng tiến độ trên thực tế, góp phần vào tăng trưởng của địa phương.
Giá cát đua nhau tăng giá, nhà thầu thi công cao tốc Bắc-Nam gặp khó
Hiện nay, tỉnh Phú Yên có hai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đang triển khai gồm: Quy Nhơn - Chí Thạnh và Chí Thạnh - Vân Phong với tổng chiều dài 90,2km. Các dự án đã được khởi công từ ngày 1/1/2023. Hiện các nhà thầu cũng đã tập trung huy động nhân lực, máy móc vào hiện trường, tuy nhiên nhiều nhà thầu chưa thể triển khai đồng bộ vì vướng mặt bằng và chịu sức ép lớn từ giá vật liệu tăng mạnh.
Tại buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng với UBND tỉnh Phú Yên xử lý những vướng mắc tại các dự án cao tốc Bắc-Nam qua tỉnh Phú Yên, đại diện nhà thầu XL-01 đoạn Chí Thạnh - Vân Phong cho biết, hiện nay, công suất các mỏ cát trên địa bàn chỉ đạt 10.000m3/năm, chưa đáp ứng được yêu cầu của dự án. Trong khi đó giá bán thực tế cao hơn rất nhiều so với công bố của tỉnh. Nhà thầu khảo sát các mỏ cát với giá dự toán 190.000 đồng/m3, nhưng giá bán thực tế gần 300 nghìn đồng/m3.
Ông Tạ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cũng nhìn nhận, giá vật liệu tại địa phương đang cao hơn rất nhiều so với các tỉnh xung quanh. "Tỉnh Phú Yên cũng đã lập đoàn thanh tra về việc này. Trong tuần sau, các đơn vị phải triệu tập chủ mỏ cùng các nhà thầu để làm việc", ông Tuấn nói.
Trước vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu lãnh đạo UBND Phú Yên và các đơn vị phải nhận thức, đây là công trình quan trọng quốc gia, không thể để ai được phép lợi dụng, trục lợi.
"Phú Yên phải mời các chủ mỏ và các nhà thầu lên để trao đổi, thống nhất giá niêm yết của mỏ là bao nhiêu, nhà thầu cần mua bao nhiêu và ký hợp đồng ngay. Nếu chủ mỏ nào không chấp thuận có thể thu hồi giấy phép ngay. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là thực trạng tăng giá, “ép” giá trên địa bàn Phú Yên đang gây khó khăn, bức xúc cho nhà thầu", Bộ trưởng nói.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.