Dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng. Ảnh: Đỗ Phương |
PV: Quảng Ninh đã đạt được những thành công lớn trong việc thu hút đầu tư trực tiếp (FDI), đặc biệt là thu hút nguồn lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, xin đồng chí cho biết những kết quả đã đạt được trong thời gian qua?
Đồng chí Nguyễn Văn Đọc: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện có hiệu quả các đột phá chiến lược theo Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là tập trung huy động mọi nguồn lực, thu hút đầu tư vào hạ tầng giao thông, hạ tầng điện cho các khu kinh tế, khu công nghiệp. Tỉnh đã tích cực tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực, đổi mới phương thức đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực, tập trung ngân sách nhà nước cho các công trình trọng điểm; tập trung hoàn thành và công bố đồng thời 7 quy hoạch chiến lược quan trọng, đa số các quy hoạch do các tư vấn hàng đầu thế giới của Mỹ, Nhật Bản thực hiện. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh là tỉnh duy nhất được Chính phủ giao là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về đầu tư và quản lý đường cao tốc và cảng hàng không.
Nhiệm kỳ vừa qua, nhiều công trình trọng điểm về hạ tầng giao thông, hạ tầng văn hóa, xã hội đã được triển khai với tổng vốn đầu tư khoảng trên 90.000 tỷ đồng. Trong đó, trên 50.000 tỷ đồng đầu tư vào các dự án lớn về hạ tầng giao thông như đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, cầu Bạch Đằng, Cảng Hàng không Quảng Ninh, cảng Cái Lân, Dự án mở rộng đường 18A đoạn Hạ Long - Uông Bí, cảng bến du thuyền Tuần Châu...
Một đặc điểm nổi bật là cơ bản các dự án lớn đều được thực hiện bằng hình thức hợp tác PPP và đầu tư ngoài ngân sách nhà nước. Đến thời điểm này, Quảng Ninh đang có 55 công trình đầu tư theo mô hình PPP, trong đó các công trình trọng điểm như: Cầu Bạch Đằng đường dẫn và nút giao cuối tuyến, Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng Hàng không Quảng Ninh, trụ sở khu liên cơ quan số 3 của tỉnh, trụ sở làm việc của các ban xây dựng Đảng, MTTQ và các đoàn thể, Nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ... Ngược lại, nguồn ngân sách nhà nước được tập trung cho các công trình văn hóa, an sinh xã hội như Bệnh viện Sản - Nhi, Bảo tàng - Thư viện Quảng Ninh, dự án chính quyền điện tử và các dự án về trường học... Chính bởi việc thu hút nguồn lực cho các công trình trọng điểm hiệu quả nên đã góp phần tăng đầu tư ngoài ngân sách. Nhiệm kỳ vừa qua, thu hút vốn đầu tư đạt cao, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 2,5 tỷ USD; vốn đầu tư trong nước quy đổi đạt trên 4 tỷ USD. Trong đó, riêng vốn FDI tăng đột biến, từ 5% năm 2010 lên 30% năm 2015, vốn đầu tư trong nước cũng đạt 33% tổng đầu tư. Với con số này thì hiện đầu tư công của Quảng Ninh chỉ còn ở mức 37%, giảm 23% so với năm 2010 và ngược lại, đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa tăng lên 63%, tăng 23% so với năm 2010, đáp ứng đúng mục tiêu giảm tối đa và chuyển hóa nguồn đầu tư công của tỉnh sang những công trình phúc lợi xã hội.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh từ vị trí thứ 20 được nâng lên và duy trì trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước và đứng đầu trong vùng đồng bằng sông Hồng từ năm 2013 đến nay, tạo sự thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài của các nhà đầu tư có uy tín. Đến nay, có nhiều tập đoàn lớn đầu tư tại Quảng Ninh như Vingroup, Sungroup, Bimgroup, Texhoong, My Way, Tuần Châu và các nhà đầu tư lĩnh vực GTVT lớn.
Có thể thấy trong 5 năm qua, Quảng Ninh đã thật sự tạo được bước đột phá trong việc huy động các nguồn lực để triển khai các công trình, dự án trọng điểm, đặc biệt là hạ tầng giao thông động lực. Kết quả của lĩnh vực này cũng chính là nền tảng, lực đẩy để Quảng Ninh tiếp tục có được những đột phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
PV: Có thể nói những kết quả trên đã thể hiện quyết tâm lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh, xin đồng chí chia sẻ những kinh nghiệm để thực hiện được quyết tâm đó?
Đồng chí Nguyễn Văn Đọc: Để có được những kết quả như trên, trước hết phải có sự đồng lòng quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân tỉnh Quảng Ninh, thể hiện ở những nét chính.
Thứ nhất, Đảng bộ, chính quyền luôn thống nhất cao, huy động mọi nguồn lực phục vụ đầu tư phát triển, tập trung điều hành thu chi ngân sách để có nguồn lực đầu tư, giảm chi thường xuyên, tăng chi phí đầu tư phát triển, dành nguồn lực tập trung cho các dự án trọng điểm, trong đó chú trọng thu hút mời gọi đầu tư tới những nhà đầu tư lớn có tiềm năng, hỗ trợ đầu tư và tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm, động lực, có tính chất đột phá và đảm bảo cho sự phát triển bền vững; chủ động tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương, vận dụng hiệu quả chế độ chính sách, pháp luật, đồng thời tập trung đẩy mạnh các đột phá chiến lược, đảm bảo giải quyết đồng bộ các nút thắt, điểm nghẽn của sự phát triển, nhất là tập trung vào các đột phát chiến lược về hạ tầng, cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực.
Thứ hai, bộ máy chính quyền quyết liệt trong việc triển khai chỉ đạo thực hiện các dự án, nhất là các dự án giao thông trọng điểm, động lực; tập trung quyết liệt trong giải quyết thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, huy động vốn hỗ trợ, ứng vốn để cùng Bộ GTVT đầu tư trên địa bàn. Đơn cử như đối với dự án đường 18C - cửa khẩu Hoành Mô, mặc dù đây là dự án ngân sách Trung ương đầu tư, nhưng khi Trung ương chưa bố trí được vốn thì tỉnh đã chủ động để ứng trước hơn 475 tỷ đồng để triển khai. Dự án mở rộng QL18 đoạn Uông Bí - Hạ Long, tỉnh cũng ứng trước 1.200 tỷ đồng để nhà đầu tư BOT Đại Dương giải phóng mặt bằng... Nhờ đó, tất cả các dự án này đều đảm bảo tiến độ. Ngoài các dự án về hạ tầng giao thông thì hạ tầng điện phục vụ các khu kinh tế, khu công nghiệp và dân sinh cũng được tập trung đầu tư. Riêng dự án đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô còn được Trung ương đánh giá thần tốc, vượt tiến độ đề ra.
Thứ ba, cải cách hành chính trong các thủ tục đầu tư để rút ngắn tối đa thời gian cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi đến đầu tư tại Quảng Ninh (Quảng Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ cho thực hiện thí điểm mô hình Trung tâm hành chính công). Đồng thời, chính quyền luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư với tinh thần phục vụ để hoàn thành mục tiêu chung; thường xuyên tổ chức đối thoại, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp với phương châm “Hiệu quả của doanh nghiệp là sự thành công của tỉnh”.
Thứ tư, Quảng Ninh đã hết sức chú trọng quán triệt, tuyên truyền về chủ trương, chính sách và vận động để có sự đồng lòng, ủng hộ và hỗ trợ của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh trong việc đầu tư, thể hiện thông qua việc triển khai công tác GPMB của các dự án trên địa bàn luôn đảm bảo và vượt trước tiến độ, đơn cử như: Dự án đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Dự án Cảng Hàng không Quảng Ninh trong thời gian 1,5 tháng đã hoàn thành việc di chuyển 600 ngôi mộ...
PV: Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2015 - 2020 có những chủ trương gì để tiếp tục đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Văn Đọc: Đại hội Đảng bộ tỉnh Lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã kết thúc thành công tốt đẹp. Đại hội đã thống nhất nhiều mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng. Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới, đó là tiếp tục phát huy được các tiềm năng, thế mạnh để thực hiện thắng lợi mục tiêu là tỉnh dịch vụ, công nghiệp vào năm 2020.
Trong các nhiệm vụ, giải pháp tổng thể duy trì tăng trưởng nhanh, bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, quốc phòng - an ninh vững chắc thì các giải pháp huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển là một yêu cầu then chốt. Trong đó, thu hút đầu tư là mục tiêu quan trọng, đặc biệt là thu hút đầu tư để tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược, tập trung vào hoàn thành các dự án kết cấu hạ tầng giao thông động lực là đường cao tốc kết nối Hải Phòng - Hạ Long, Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, nâng cấp QL18, QL4B, QL279, sân bay Vân Đồn, cảng biển, bến du thuyền..., gắn với đầu tư hạ tầng du lịch, dịch vụ, khu công nghiệp, khu kinh tế để đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ; huy động và sử dụng nguồn lực bảo đảm nguyên tắc nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chủ yếu đầu tư các công trình động lực có sức lan tỏa và bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh; vận dụng hiệu quả hình thức đối tác công-tư.
Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung tạo môi trường thuận lợi thực sự để đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng đội ngũ CBCC chuyên nghiệp, thái độ văn minh, lịch sự gắn với tăng cường kỷ cương công chức, đổi mới chế độ công chức, công vụ, trong đó chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ, lực lượng lao động ngành GTVT, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và hội nhập quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, hiệu quả cho mọi thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, đầu tư nước ngoài FDI làm động lực để nâng cao sức cạnh tranh…; tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các tổ chức trong hệ thống chính trị theo hướng hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Tỉnh Quảng Ninh đang đứng trước những cơ hội phát triển mới, với truyền thống đoàn kết, “kỷ luật và đồng tâm”. Với kinh nghiệm, trí tuệ và những thành quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIV khẳng định quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho giai đoạn 2015 - 2020, để Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp; thực sự là địa bàn động lực, đầu mối giao thông phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.