Quảng Ninh vươn lên dẫn đầu trong bảng xếp hạng PCI 2017. Ảnh: Báo Quảng Ninh |
Sáng 22/3, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) công bố báo cáo thường niên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017.
Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2017 với 70,7 điểm. Từng 2 lần dẫn đầu bảng xếp hạng, Đà Nẵng đã tụt xuống vị trí thứ 2 với 70,1 điểm. PCI 2017 ghi nhận sự vươn lên mạnh mẽ của các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khi có đến 4 địa phương khu vực này nằm trong Top 10. Cụ thể, Đồng Tháp đứng thứ 3 trong PCI 2017 với 68,8 điểm; Long An 66,7 điểm; Bến Tre 66,7 điểm; Vĩnh Long (66,1 điểm)...
Là thành phố kinh tế đứng đầu cả nước nhưng TP HCM chỉ xếp thứ 8 với 65,2 điểm; còn Hà Nội chỉ khiêm tốn với vị trí thứ 13 - 64,71 điểm.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, điều tra PCI 2017 ghi nhận sự cải thiện chất lượng điều hành ấn tượng của chính quyền các địa phương khi đã kịp thời hơn trong giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Mặt khác, điều tra PCI 2017 còn cho thấy "một tâm lý lạc quan của các doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh". Ông Lộc dẫn chứng, 52% doanh nghiệp dân doanh cho biết sẽ mở rộng quy mô trong 2 năm tới, mức cao nhất trong vòng 7 năm qua. Tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch giảm quy mô hoặc đóng cửa thấp, 8%. Trong khi đó, 60% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho biết sẽ tăng quy mô hoạt động tại Việt Nam. Những gánh nặng về bảo hiểm xã hội, thuế, lao động... cũng giảm bớt với doanh nghiệp FDI.
Một điểm đáng ghi nhận nữa theo Chủ tịch VCCI là cả doanh nghiệp trong nước và FDI đều chung nhận xét, chi phí không chính thức, nhũng nhiễu đã giảm đáng kể. "Chi phí không chính thức có xu hướng cải thiện tích cực, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn và chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính đang chuyển biến tích cực", ông nói. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn mong muốn chính quyền các địa phương tiếp tục duy trì đà cải cách môi trường kinh doanh trong lĩnh vực thuế, hải quan, kiểm tra chuyên ngành, bảo hiểm xã hội...
Được xây dựng và công bố từ năm 2005, PCI là bộ chỉ số gồm nhiều chỉ số thành phần như: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động chính quyền địa phương... Đây là năm thứ 13 liên tiếp báo cáo PCI 2017 được xây dựng, công bố để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố... và thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.