Quy định mới về điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm tra an toàn giao thông đường bộ

Tác giả: L.C

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 31/12/2024 09:40

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 165/2024/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ và Điều 77 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm tra an toàn giao thông đường bộ

Quy định mới về điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm tra an toàn giao thông đường bộ - Ảnh 1.

Đại diện Cục Đường bộ VN và Sở GTVT Lạng Sơn kiểm tra hiện trường vụ sạt lở đất vào tháng 9/2024

Theo Nghị định 165/2024/NĐ-CP, trong giai đoạn lập dự án đầu tư, thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, việc thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông đường bộ được thực hiện cùng công tác thẩm tra, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng.

Trước khi đưa công trình đường bộ vào khai thác, chủ đầu tư có trách nhiệm lựa chọn tổ chức kinh doanh dịch vụ thẩm tra an toàn giao thông đủ điều kiện để thực hiện thẩm tra an toàn giao thông. Chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện thẩm định an toàn giao thông trên cơ sở báo cáo thẩm tra an toàn giao thông của tổ chức tư vấn thẩm tra an toàn giao thông.

Nghị định số 165/2024/NĐ-CP quy định rõ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm tra an toàn giao thông đường bộ; điều kiện cơ sở kinh doanh đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ.

Nghị định quy định tổ chức tư vấn thực hiện thẩm tra an toàn giao thông phải được thành lập theo quy định của pháp luật, bảo đảm quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật Đường bộ và đáp ứng điều kiện về năng lực như sau:

Đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A và nhóm B, phải có ít nhất 10 người là thẩm tra viên; trong đó, tối thiểu có 4 thẩm tra viên là kỹ sư công trình đường bộ, 1 thẩm tra viên là kỹ sư hoặc cử nhân vận tải đường bộ và tối thiểu có 1 thẩm tra viên là người đủ điều kiện làm Chủ nhiệm thẩm tra an toàn giao thông;

Đối với dự án nhóm C và công trình đường bộ đang khai thác, phải có ít nhất 05 thẩm tra viên; trong đó, tối thiểu có 1 thẩm tra viên là kỹ sư công trình đường bộ, 1 thẩm tra viên là kỹ sư hoặc cử nhân vận tải đường bộ và tối thiểu có 1 thẩm tra viên là người đủ điều kiện làm Chủ nhiệm thẩm tra an toàn giao thông.

Thẩm tra viên thực hiện thẩm tra an toàn giao thông phải được đào tạo và được cấp chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ còn giá trị sử dụng.

Chủ nhiệm thẩm tra an toàn giao thông, ngoài đáp ứng các điều kiện quy định trên, còn phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:

Đảm nhận chức danh Chủ nhiệm lập dự án, lập đồ án thiết kế ít nhất 3 công trình đường bộ;

Có trình độ từ đại học trở lên về chuyên ngành công trình đường bộ, có thời gian làm việc về thiết kế, thẩm tra thiết kế công trình đường bộ ít nhất 7 năm;

Có trình độ từ đại học trở lên về chuyên ngành giao thông đường bộ (công trình đường bộ, vận tải đường bộ) và có thời gian ít nhất 10 năm tham gia hoạt động trong các lĩnh vực: quản lý giao thông, vận tải đường bộ, xây dựng đường bộ, bảo trì đường bộ; trong đó, đã tham gia một trong các công việc sau: thiết kế, thẩm tra hoặc thẩm định dự án xây dựng, dự án sửa chữa của ít nhất 3 công trình an toàn giao thông đường bộ.

Điều kiện của cơ sở kinh doanh đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ

Quy định mới về điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm tra an toàn giao thông đường bộ - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Ngoài ra, Nghị định cũng nêu rõ các điều kiện đối với cơ sở kinh doanh đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ.

Theo quy định, cơ sở kinh doanh đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ phải là cơ quan, tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật và đáp ứng các điều kiện sau:

Về cơ sở vật chất: Bảo đảm phòng học có diện tích tối thiểu đạt 1,5 m2/chỗ học, có thiết bị âm thanh, nghe nhìn gồm: màn chiếu, máy chiếu, máy vi tính, bộ tăng âm, micro kèm loa; phương tiện, thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập ngoài hiện trường, tối thiểu có: 50 áo phản quang, 1 máy đo độ phản quang của biển báo hoặc sơn kẻ đường.

Về đội ngũ giảng viên: Có số giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy ít nhất 40% số lượng chuyên đề của chương trình khung đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ; tiêu chuẩn của giảng viên theo quy định tại Nghị định này.

Các trường hợp bị thu hồi giấy chấp thuận cơ sở kinh doanh đào tạo

Nghị định quy định thu hồi giấy chấp thuận cơ sở kinh doanh đào tạo đối với một trong các trường hợp sau đây:

Cơ sở kinh doanh đào tạo thực hiện đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ không theo chương trình khung ban hành theo quy định tại Mẫu số 7 Phụ lục VIII kèm theo Nghị định này;

Cơ sở kinh doanh đào tạo công nhận kết quả thi cho người không tham dự khóa đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ;

Trong thời gian 3 năm liên tục, cơ sở kinh doanh đào tạo không thực hiện đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ.

Ý kiến của bạn

Bình luận