Quy định về giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ

Bạn đọc 10/04/2014 11:22

Xe chở hàng quá tải hay cồng kềnh đều có thể là nguyên nhân gây cản trở giao thông, thậm chí gây tai nạn cho tài xế và các phương tiện khác. Người lái xe và các cơ sở kinh doanh dịch vụ vận tải cần chấp hành đúng quy định về giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ.


Quy định chung:

Việc xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ phải tuân theo các quy định về tổng trọng lượng của xe, tải trọng trục xe, chiều cao, chiều rộng, chiều dài xếp hàng hóa được phép của xe và không vượt quá tải trọng thiết kế của xe được ghi trong giấy đăng ký xe.

Hàng hóa xếp trên xe phải gọn gàng, chằng buộc chắc chắn, không để rơi vãi dọc đường, không kéo lê hàng trên mặt đường và không gây cản trở cho việc điều khiển xe.

Tải trọng trục xe và tổng trọng lượng của xe:

1. Tải trọng trục xe:

a) Trục đơn: Tải trọng trục xe ≤ 10 tấn/trục.

b) Cụm trục kép (hai trục xe), phụ thuộc vào khoảng cách (d) của hai tâm trục: – Trường hợp d < 1,0 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 11 tấn; – Trường hợp 1,0 mét ≤ d < 1,3 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 16 tấn; – Trường hợp d ≥ 1,3 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 18 tấn.

c) Cụm trục ba (ba trục xe), phụ thuộc vào khoảng cách (d) của hai tâm trục liền kề: – Trường hợp d ≤ 1,3 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 21 tấn; – Trường hợp d > 1,3 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 24 tấn.

2. Tổng trọng lượng của xe:

a) Đối với xe thân liền: – Có tổng số trục bằng hai, tổng trọng lượng của xe ≤ 16 tấn; – Có tổng số trục bằng ba, tổng trọng lượng của xe ≤ 24 tấn; – Có tổng số trục bằng bốn, tổng trọng lượng của xe ≤ 30 tấn; – Có tổng số trục bằng năm hoặc lớn hơn, tổng trọng lượng của xe ≤ 34 tấn;

b) Đối với tổ hợp xe đầu kéo với sơ mi rơ moóc: – Có tổng số trục bằng ba, tổng trọng lượng của xe ≤ 26 tấn; – Có tổng số trục bằng bốn, tổng trọng lượng của xe ≤ 34 tấn; – Có tổng số trục bằng năm, tổng trọng lượng của xe ≤ 44 tấn; – Có tổng số trục bằng sáu hoặc lớn hơn, tổng trọng lượng của xe ≤ 48 tấn.

c) Đối với tổ hợp xe thân liền kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc: Tổng trọng lượng của tổ hợp xe gồm tổng trọng lượng của xe thân liền (tương ứng với tổng trọng lượng của các xe được quy định tại điểm a khoản này) và tổng các tải trọng trục xe của rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo (tương ứng với các tải trọng trục xe được quy định tại khoản 1 Điều này), nhưng không được lớn hơn 45 tấn.

Chiều cao xếp hàng hóa:

1. Đối với xe tải thùng kín (có mui), chiều cao xếp hàng hóa cho phép là chiều cao giới hạn trong phạm vi thùng xe theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Đối với xe tải thùng hở (không mui), hàng hóa xếp trên xe vượt quá chiều cao của thùng xe (theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt) phải được chằng buộc, kê, chèn chắc chắn đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ.

Chiều cao xếp hàng hóa cho phép không vượt quá chiều cao quy định dưới đây, tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở lên:

a) Xe có tải trọng thiết kế chở hàng từ 5 tấn trở lên (ghi trong giấy đăng ký xe). Chiều cao xếp hàng hóa không quá 4,2 mét;

b) Xe có tải trọng thiết kế chở hàng từ 2,5 tấn đến dưới 5 tấn (ghi trong giấy đăng ký xe): Chiều cao xếp hàng hóa không quá 3,5 mét;

c) Xe có tải trọng thiết kế chở hàng dưới 2,5 tấn (ghi trong giấy đăng ký xe): Chiều cao xếp hàng hóa không quá 2,8 mét.

3. Xe chuyên dùng và xe chở container: Chiều cao xếp hàng hoá tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở lên không quá 4,35 mét.

4. Trường hợp xe chở hàng rời, vật liệu xây dựng như đất, đá, cát, sỏi, than, quặng hoặc các hàng có tính chất tương tự: Chiều cao xếp hàng hóa không vượt quá chiều cao của thùng xe theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Chiều rộng và chiều dài xếp hàng hóa:

1. Chiều rộng xếp hàng hóa cho phép trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là chiều rộng của thùng xe theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Chiều dài xếp hàng hóa cho phép trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không được lớn hơn 1,1 lần chiều dài toàn bộ xe theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc theo thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và không lớn hơn 20,0 mét. Khi chở hàng hóa có chiều dài lớn hơn chiều dài của thùng xe phải có báo hiệu theo quy định và phải được chằng buộc chắc chắn, đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ.

3. Xe chở khách không được phép xếp hàng hóa, hành lý nhô ra quá kích thước bao ngoài của xe.

4. Xe mô tô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,30 mét, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,50 mét. Chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy là 2,0 mét.

5. Xe thô sơ không được xếp hàng hóa vượt phía trước và phía sau quá 1/3 chiều dài thân xe; không được vượt quá 0,4m về mỗi bên bánh xe, không vượt phía trước và phía sau xe quá 1,0 mét.

Ý kiến của bạn

Bình luận