Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions vừa đưa ra một quyết định bất ngờ. Nguồn: AP |
AP trích lời phát ngôn viên Bộ Tư pháp, Sarah Isgur Flores cho biết: “Rất nhiều công tố liên bang được bổ nhiệm từ thời Tổng thống Obama đã tự xin từ chức nhưng vẫn còn hơn 40 người khác vẫn ở lại trong những tuần đầu tiên của chính quyền tân Tổng thống. Và giờ đây, chúng tôi đang yêu cầu họ phải rời vị trí ngay”.
“Cho đến khi các chưởng lý mới được bổ nhiệm, những công tố viên tâm huyết thuộc văn phòng chưởng lý của chúng tôi sẽ tiếp tục công việc tuyệt vời này như tiếp nhận điều tra, khởi tố và bắt giam những kẻ chống đối bạo lực nhất”, phát ngôn viên cho biết thêm.
Cho đến hôm qua (11/3), nhiều chưởng lý trên khắp nước Mỹ, gồm bang New Jersey, Rhode Island, Minnesota và Montana đã tuyên bố từ chức. Mặc dù việc 93 trưởng công tố viên của Mỹ lần lượt rời khỏi nhiệm sở sau khi Tổng thống mới nhậm chức là điều theo thông lệ, song những sự ra đi này không phải là tự động và không nhất thiết phải xảy ra cùng một lúc.
Trước đó, một chưởng lý từ thời cựu Tổng thống George Bush là Rod Rosenstein của bang Maryland, vẫn đảm nhiệm vị trí cho đến hết 8 năm nhiệm kỳ của ông Obama và hiện là ứng viên cho chức vụ Thứ trưởng Bộ Tư pháp trong chính quyền của ông Trump.
Người phát ngôn Bộ Tư pháp Mỹ, Peter Carr, cho biết Tổng thống Donald Trump từng đề nghị ông Rod Rosenstein và quyền Thứ trưởng Dana Boente, ở lại trong bộ máy mới của mình.
Tim Purdon, cựu chưởng lý North Dakota trong chính quyền Obama, nhớ lại, Tổng thống Obama đã cam kết những quan chức từ thời ông Bush sẽ ở lại cho đến khi người kế nhiệm họ được chỉ định chắc chắn.
“Cách mà chính quyền Obama chuyển giao các vị trí diễn ra rất hợp lý, trong sự tôn trọng và đúng mực. Tin tức trên từ chính quyền ông Trump khiến tôi rất buồn bởi vì rất nhiều người trong số họ là những tâm huyết, hết lòng vì cộng đồng và giờ đây họ lại buộc phải rời đi”, ông Purdon nói.
Đáng chú ý trong số những người được đề nghị nghỉ đợt này có chưởng lý Preet Bharara ở Manhattan, New York, cho dù vào tháng 11/2016, ông Bhararan đã được Tổng thống đắc cử Donald Trump đề nghị tiếp tục làm việc cho chính quyền mới.
Văn phòng Bộ Tư pháp tại Manhattan chịu trách nhiệm xử lý một số vụ án về kinh tế và hình sự quan trọng nhất thông qua hệ thống tư pháp liên bang. Kể từ khi nhậm chức năm 2009, ông Preet Bharara đã nổi lên là một nhân vật hết sức cứng rắn trong các vụ án chống tham nhũng liên quan đến nhiều “nhân vật máu mặt” cũng như các việc làm sai trái của chính quyền thành phố.
Nhiều người dự đoán rằng, ông Bharara chắc chắn là một ngoại lệ và sẽ được tiếp tục công việc của mình kể cả khi ông Trump lên nắm quyền bởi sức ảnh hưởng của chưởng lý Manhattan là quá lớn.
Tuy nhiên, đến hôm qua (11/3), một ngày sau khi Bộ trưởng Tư pháp ra lệnh sa thải 46 chưởng lý, ông Preet Bharara khẳng định mình đã bị buộc phải thôi việc dù không có ý định từ chức. “Ngày hôm nay tôi đã bị sa thải và không còn giữ vị trí chưởng lý quận phía Nam New York nữa”, ông Bharara nói trong một buổi họp báo.
Bộ Tư pháp sau đó cũng đã khẳng định ông Bharara không còn giữ vị trí cũ và từ chối bình luận thêm về vấn đề này.
Trong khi đó, chưởng lý Robert Capers tại quận Brooklyn của New York cũng ra tuyên bố cho biết ông đã được yêu cầu từ chức sau 14 năm làm việc và trợ lý Bridget Rohde sẽ tạm thời phụ trách văn phòng này.
Chưởng lý Mike Cotter của bang Montana cũng cho biết ông đã nhận được điện thoại từ quan chức Bộ Tư pháp và người này khẳng định “Tổng thống Trump đã trực tiếp ra chỉ thị”. “Tôi cho rằng việc này rất thiếu chuyên nghiệp và tôi cực kỳ thất vọng. Liệu việc tất cả những người được ông Obama bổ nhiệm đều phải ra đi cùng một lúc có quan trọng như vậy không?”, ông nói.
Quyết định thay thế quá nhiều chưởng lý của Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions đã làm dấy lên những lo ngại về khả năng thực thi luật pháp của chính quyền Tổng thống Trump. Hiện nội các mới vẫn chưa đề cử bất kỳ một cái tên mới nào để lấp vào khoảng trống trên.
“Quyết định đột ngột và không một lời giải thích của ông Trump, buộc hơn 40 chưởng lý Hoa Kỳ phải thôi việc, một lần nữa đã gây ra sự hỗn loạn trong chính quyền liên bang”, Tổng chưởng lý bang New York, Eric Schneiderman nhận định.
Các chưởng lý Mỹ là các công tố viên liên bang, được chính Tổng thống bổ nhiệm, thông thường sẽ do một Thượng nghị sĩ bang đó đề cử. Họ chịu trách nhiệm điều tra và khởi tố những vụ phạm tội cấp liên bang trong khu vực mình quản lý. Những người này sẽ báo cáo cho các quan chức Bộ Tư pháp ở Washington và họ có quyền ưu tiên ngang với Tổng chưởng lý bang.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.