Quyết liệt “xóa” xe quá tải trọng năm 2015

Giao thông 24h 10/04/2015 07:50

Bộ trưởng Đinh La Thăng giao nhiệm vụ cho Tổng cục ĐBVN trong 2015 “Không còn xe quá tải”, Tạp chí GTVT có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Huyện -Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN để cùng nhìn lại 1 năm kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) và nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm để thực hiện mục tiêu này.


images1037536251_kpgz

Ông Nguyễn Văn Huyện trực tiếp chỉ đạo công tác kiểm soát tải trọng xe

Xã hội đồng tình, người dân ủng hộ

Qua 1 năm thực hiện KSTTX, theo ông kết quả lớn nhất chúng ta đạt được là gì, thưa ông?

Theo tôi, kết quả lớn nhất của công tác KSTTX trong năm qua chính là nhận thức của lãnh đạo và các chủ doanh nghiệp đã chuyển biến về tình trạng xe quá tải phá vỡ kết cấu hạ tầng, phá hoại tài sản của Nhà nước và nhân dân. Lợi ích nhóm mang lại cho một số ít cá nhân, doanh nghiệp không được bao nhiêu, nhưng hậu quả để lại vô cùng lớn cho xã hội, Nhà nước và nhân dân phải bỏ tiền đầu tư, sửa chữa các con đường, cây cầu là vô cùng lớn… Chính vì điều này, công tác KSTTX được xã hội đồng tình, người dân ủng hộ trước sự quyết liệt của cơ quan chức năng.

Chúng ta có thể nhận thấy tình trạng mặt đường trên toàn quốc đã đỡ hỏng, ít đất đá rơi vãi trên đường, góp phần kéo giảm TNGT, nâng cao giá trị cuộc sống của người dân trong thời gian vừa qua. Điều này đã tác động mạnh mẽ đến lái xe, chủ xe, doanh nghiệp, làm cho tình trạng chở hàng quá tải có chuyển biến tích cực. Ở những địa phương có sự chỉ đạo quyết liệt của chủ tịch tỉnh, sự vào cuộc thực sự, phối hợp chặt chẽ của lực lượng 2 ngành Công an và GTVT nên tình trạng vi phạm về tải trọng và kích thước thành thùng xe giảm đáng kể.

Tuy nhiên, tình trạng xe quá tải vẫn còn lộng hành ở một số địa phương, một số tuyến đường, vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?

Qua 1 năm thực hiện KSTTX, kết quả chúng ta đạt được 80%. Chủ doanh nghiệp, lái xe, chủ mỏ, cảng đã chấp hành, còn 20% chúng ta đang làm rốt ráo. Trong số này có những “xe vua”, những lái xe, chủ doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật, kiểm soát của lực lượng chức năng hoạt động gây bức xúc trong dư luận xã hội. Qua theo dõi, hiện một số địa phương có mỏ vật liệu xây dựng, mỏ quặng đã bắt đầu chuyển biến, tuy nhiên vẫn còn một số ít địa phương công tác KSTTX chuyển biến chậm do việc kiểm soát phương tiện vi phạm kích thước thành thùng và vướng một số phương tiện nhập khẩu trước Thông tư 32 nên tình trạng chở quá tải vẫn diễn ra. Do đó, Tổng cục ĐBVN đã trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra và thực hiện nhiều đợt xử lý vi phạm kích thước thành thùng.

Mặc dù chưa có số liệu chính thức nhưng tính đến hết năm 2014, 9 đoàn thanh tra của Tổng cục đã thanh kiểm tra 1.046 doanh nghiệp và dự án thuộc 56/63 tỉnh, thành phố, trong đó kiểm tra 6.281 xe, phát hiện 1.169 xe vi phạm kích thước thành thùng chở hàng, giữ tem kiểm định của 256 xe, cắt thùng trực tiếp 342 xe. Qua kiểm tra đã yêu cầu lái xe, chủ xe, doanh nghiệp, nhà thầu, ban quản lý dự án cam kết khắc phục đối với 555 trường hợp và tạm giữ các giấy tờ liên quan đối với 16 trường hợp.

Tại một số địa phương có chuyển biến chậm trong KSTTX, Tổng cục ĐBVN sẽ tăng cường nhân, vật lực xuống để cùng làm, ví dụ như Hà Nội chúng tôi sẽ tăng cường thêm 4 – 5 điểm trạm cân đặt tại cửa ngõ ra vào thành phố để ngăn xe quá tải từ các địa phương khác vào. Hoặc như Thanh Hóa, chúng tôi thành lập các tổ tuần tra lưu động cùng với lực lượng của địa phương kiểm tra trên khắp các tuyến đường, gặp xe vi phạm tại đâu là xử lý ngay tại chỗ, kể cả cắt thùng. Tại Ninh Bình, trong đầu tháng 4 này, lãnh đạo Bộ GTVT sẽ làm việc cùng UBND tỉnh về công tác KSTTX để giải quyết dứt điểm tình trạng xe vi phạm kích thước thành thùng, chở hàng quá tải trên địa bàn.

xequatai0219872240

Kiểm tra xe quá tải

Gắn trách nhiệm người đứng đầu

Mô hình hoạt động của Trạm KSTTX tại Hải Dương đang phát huy hiệu quả khi Ban ATGT tỉnh chủ trì điều phối mọi hoạt động của Trạm, như vậy Tổng cục có đề xuất đây là mô hình chuẩn cho các địa phương không?

Hiện nay, các Trạm KSTTX đều hoạt động theo Quy chế phối hợp số 12593 giữa Bộ Công an và Bộ GTVT, tuy nhiên tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng địa phương mà mỗi địa phương có cách triển khai phù hợp.

Qua theo dõi các Trạm KSTTX thì mô hình của Hải Dương hoạt động hiệu quả, khi Ban ATGT tỉnh điều phối mọi hoạt động của Trạm cân, cùng với đó là lực lượng liên ngành dùng xe cơ động tuần lưu để bắt xe quá tải cố tình tránh né Trạm. Từ mô hình này, Tổng cục vẫn đề xuất Ủy ban ATGT Quốc gia và Ban ATGT các địa phương chủ động triển khai lựa chọn mô hình cho phù hợp. Bên cạnh đó phải kể đến Nghệ An và Hải Dương, hai địa phương triển khai công tác KSTTX một cách đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả nên tình hình chuyển biến rõ rệt. Và tôi vẫn khẳng định rằng: Ở địa phương nếu chủ tịch tỉnh và giám đốc công an tỉnh quyết liệt trong hoạt động kiểm soát tải trọng, xử lý vi phạm kích thước thành thùng thì địa phương đó tình trạng xe quá tải không còn hoành hành.

Như vậy, Tổng cục ĐBVN có đề xuất sửa lại Quy chế 12593 không, thưa ông?

Thực ra cũng nên nghiên cứu sửa và bổ sung một số điều của Quy chế phối hợp này. Vấn đề là chương trình tổ chức hoạt động của UBND, giám đốc công an tỉnh và Ban ATGT tỉnh. Cứ tỉnh nào chủ tịch tỉnh và giám đốc công an tỉnh ra tay quyết liệt thì KSTTX chuyển biến rất nhanh.

Để giải quyết tận gốc tình trạng xe quá tải mà Bộ trưởng Đinh La Thăng đã giao nhiệm vụ cho Tổng cục thì cần những giải pháp gì trong thời gian tới, thưa ông?

Để xử lý tận gốc xe quá tải, ngoài việc tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng liên ngành về vi phạm tải trọng và xử lý vi phạm kích thước thành thùng, Tổng cục kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ sớm ban hành quy định cụ thể và quy định trách nhiệm cho người đứng đầu các địa phương khi để xảy ra tình trạng xe chở quá tải trọng lưu thông trên địa bàn. Đồng thời, ban hành cơ chế, chế độ chính sách cho lực lượng KSTTX trong cả nước, trong đó có hướng dẫn việc tăng cường biên chế cho lực lượng làm nhiệm vụ; cho phép lực lượng KSTTX xử lý tình huống đối với chủ phương tiện, lái xe không xuất trình giấy tờ, khóa cửa xe bỏ đi; đề nghị cho phép các lực lượng lập biên bản khóa xe cưỡng bức hoặc đưa về bãi tạm giữ theo quy định, mọi chi phí phát sinh do lái xe, chủ xe chịu. Bên cạnh đó, cần khẩn trương xây dựng các trạm KSTTX cố định theo quy hoạch và Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới các địa phương tổ chức kiểm định lại miễn phí đối với xe buộc phải cắt phần thành thùng cơi nới và chỉ khi có giấy xác nhận kích thước đúng quy định mới tiếp tục cho xe hoạt động. Một điểm nữa cần kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các đơn vị khi để tình trạng cố tình xếp hàng hóa quá tải lên xe, tiếp nhận vật tư, vật liệu, thiết bị từ xe vi phạm quá tải và kích thước thùng xe.

Một giải pháp quyết định sự thành bại của KSTTX vẫn là ở chính các địa phương khi chủ tịch tỉnh quyết liệt và giám đốc công an tỉnh, giám đốc sở GTVT trực tiếp phối hợp, chỉ đạo công tác KSTTX. Người đứng đầu các cơ quan, ban, ngành tham gia công tác KSTTX, chịu trách nhiệm trước chủ tịch tỉnh, trưởng Ban ATGT tỉnh nếu để ngành, lĩnh vực mình quản lý vi phạm tải trọng phương tiện.

Trân trọng cảm ơn ông!

Khánh Lê

Ý kiến của bạn

Bình luận