Đầu tư R&D ngày một rõ nét hơn
Trong tháng 3 vừa qua, Tập đoàn Samsung Electronics đã được UBND TP Hà Nội cấp phép đầu tư xây dựng một trung tâm R&D tại quận Hoàng Mai. Dự án có tổng vốn đầu tư 300 triệu USD này sẽ thay thế trung tâm R&D hiện tại mà Samsung Electronics phải thuê địa điểm tại tòa nhà PVI Tower (quận Cầu Giấy), nơi hơn 1.600 kỹ sư và nhân viên đang làm việc. Theo tập đoàn này, khi hoàn thành xây dựng, đây sẽ là dự án R&D lớn nhất của Samsung Electronics tại khu vực Đông Nam Á. Dù mới được thành lập từ năm 2012, Trung tâm R&D của Samsung Electronics hiện tại ở Hà Nội đang chịu trách nhiệm phụ trách riêng thị trường phần mềm điện thoại và máy tính bảng của Samsung tại khu vực Đông Nam Á, chiếm tới 10% doanh thu toàn cầu của cả tập đoàn trong lĩnh vực này. Và với 300 triệu USD đầu tư xây dựng mới một trung tâm R&D, Samsung Electronics đã cho thấy rằng tập đoàn này không chỉ coi Việt Nam là một cứ điểm sản xuất và lắp ráp điện thoại, mà còn biến nơi đây thành cứ điểm lớn về R&D các ứng dụng phần mềm, một lĩnh vực đòi hỏi nhiều chất xám và lao động lành nghề hơn.
Lắp ráp xe máy tại Công ty Piagio Việt Nam. Ảnh: Hùng Huy |
Tuy nhiên, Samsung không phải là tập đoàn nước ngoài duy nhất đang mở rộng đầu tư vào R&D tại Việt Nam. Cách đây vài năm, các tập đoàn nước ngoài đã bắt đầu chú trọng đến việc dịch chuyển vốn FDI trong lĩnh vực R&D vào Việt Nam. Hãng sản xuất máy tính Hewlett-Packard (HP) năm 2012 đã quyết định đầu tư một trung tâm R&D tại Công viên Phần mềm Quang Trung tại TP Hồ Chí Minh. Đây là trung tâm R&D đầu tiên mà HP lập ở Việt Nam. Hay như hãng sản xuất xe máy nổi tiếng Piaggio của Italia cũng đã xây dựng một trung tâm R&D ngay bên cạnh nhà máy tại tỉnh Vĩnh Phúc. Trung tâm này cùng với nhà máy có vai trò quan trọng phục vụ cho cả khu vực châu Á, không chỉ riêng thị trường Việt Nam…
Các tập đoàn đa quốc gia khác như Panasonic, Yamaha và General Electric cũng đã có những trung tâm R&D của riêng mình tại Việt Nam. Gần đây nhất đã có thông tin rằng Apple - đối thủ chính của Samsung trên thị trường điện thoại và máy tính bảng, cũng đang có kế hoạch đầu tư tới 1 tỷ USD để xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu và R&D tại Hà Nội.
Và những cơ hội mới
Trong suốt nhiều năm sau khi đổi mới, vốn FDI chảy vào Việt Nam khá nhiều nhưng chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ, sử dụng công nghệ thấp, như dệt may, da giày hoặc bất động sản. Chính vì thế, với các dự án R&D của các tập đoàn nước ngoài, Việt Nam đang đứng trước cơ hội để chuyển sang một thời kỳ sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn. GS.TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN có vốn đầu tư nước ngoài nhận định, đang có một xu hướng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn tại Việt Nam. Hay nói một cách khác, dòng vốn đầu tư FDI chất lượng cao đã bắt đầu chảy mạnh hơn vào trong nước. Cùng với xu hướng này, chắc chắn quá trình chuyển giao công nghệ cũng sẽ xảy ra nhanh hơn, do nhiều người Việt Nam có cơ hội làm việc và tiếp cận với công nghệ tiên tiến từ các tập đoàn lớn. Trưởng phòng Quản lý dự án tại Trung tâm R&D của Samsung tại Hà Nội Đỗ Đức Dũng từng chia sẻ, tất cả các nhân viên người Việt Nam ở đây có trình độ ngang bằng với các nhân viên của Samsung tại bất cứ trung tâm R&D khác nào trên thế giới. Điều đó lý giải tại sao Samsung lại tin tưởng giao cho các kỹ sư người Việt Nam đảm nhiệm nhiều dự án phát triển mới. Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty Robert Bosch Việt Nam - công ty con của Tập đoàn Robert Bosch (Đức) Võ Quang Huệ cũng khẳng định, trình độ của các kỹ sư người Việt Nam đã tiến bộ rất nhiều trong những năm qua, và đủ sức tham gia vào các dự án R&D của các công ty nước ngoài. Hiện, Robert Bosch Việt Nam cũng đang vận hành 2 trung tâm R&D tại tỉnh Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh. Ông Huệ cho biết, Công ty có thể sẽ đầu tư thêm vào 2 trung tâm này trong vài tháng tới để mở rộng năng lực nghiên cứu, phục vụ cho cả khu vực châu Á.
Xu hướng đầu tư mới không chỉ giúp tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn mà còn là cơ hội mới để phát triển khoa học công nghệ. Ấn Độ và Trung Quốc đã tận dụng rất tốt lợi thế này để có được những tập đoàn công nghệ riêng của mình. Vấn đề là Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội sắp tới như thế nào. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thời gian tới, Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích hoạt động R&D ở các công ty trong nước, vì hiện tại gần như hoạt động này không được chú ý. Nếu không có những chính sách khuyến khích cụ thể, sẽ rất khó thu hút nhân lực đang làm việc ở các trung tâm R&D nước ngoài.
Việt Nam đang có cơ hội chưa từng có để thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực công nghệ cao. Tuy nhiên, nhìn từ kinh nghiệm của Thái Lan trong lĩnh vực này cho thấy, thay vì chỉ thu hút đầu tư theo lĩnh vực, Thái Lan đã từng bước chuyển từ ưu đãi thuế đơn thuần sang ưu đãi cả gói, bao gồm cả thuế, thủ tục cấp phép trong thời gian nhanh nhất, cung ứng lao động và cơ sở hạ tầng cho nhà đầu tư, và quan trọng nhất là đơn giản hóa các thủ tục hành chính. GS.TS Nguyễn Mại Chủ tịch Hiệp hội DN có vốn đầu tư nước ngoài |
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.