Robot Ori Hime có thể di chuyển đầu, vỗ tay và phát giọng nói của người điều khiển. Ảnh: Steemhunt. |
Chương trình bắt đầu từ ngày 31/10, robot tên Ori Hime, được phát triển bởi Công ty công nghệ Ory Laboratory.
Kentaro Yoshifuji, Giám đốc điều hành Ory Laboratory, đã phải nghỉ học vì lý do sức khỏe từ lúc 10 đến 14 tuổi. Từ trải nghiệm của bản thân, ông nảy ra ý tưởng sử dụng robot để giúp đỡ học sinh gặp vấn đề sức khỏe.
Với kích thước nhỏ, Ori Hime có thể đặt trên bàn ở lớp học. Nó có micro, máy ảnh và loa. Học sinh vắng mặt sẽ sử dụng máy tính bảng để điều khiển robot từ xa. Các em theo dõi toàn cảnh lớp học thông qua camera gắn trên đầu robot, phát giọng nói thông qua micro và xoay đầu robot để nhìn vào các khu vực trong lớp học. Khi một bạn trong lớp đứng lên phát biểu, học sinh có thể di chuyển robot nhìn về phía bạn, ra lệnh cho robot vỗ tay nếu bạn trả lời đúng.
Kanae Sudo (11 tuổi, điều trị tại Bệnh viện Trẻ em Ibaraki) đã điều khiển Ori Hime từ phòng bệnh để theo dõi lớp học lớp 5. Robot được đặt trên bàn gần bục giảng để em có thể lắng nghe bài giảng từ giáo viên.
Khi được giáo viên hỏi chuyện, Kanae sẽ yêu cầu robot gật đầu, biểu thị em hiểu nội dung học. "Cháu rất vui vì có thể điều khiển robot nhìn vào vị trí cháu muốn nhìn", Kane nói, cho hay đây là lần thứ ba trong tháng "đi học" thông qua Ori Hime.
Là trường học duy nhất trong tỉnh, Tomobe-Higashi hiện có 22 học sinh đến lớp và 40 học sinh học trực tuyến từ các bệnh viện. Noboru Tach, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết từng áp dụng phương pháp học từ xa thông qua camera hai năm trước. Tuy nhiên, vì camera chỉ đứng yên, học sinh không thể nhìn xung quanh lớp và bày tỏ thái độ của mình.
"Robot có thể dễ dàng vận hành và cho học sinh cảm giác như đang ở trong lớp học thực sự. Chúng tôi đang thử nghiệm dự án, nếu hiệu quả sẽ giới thiệu đến những trường học khác", ông nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.