Robot Sophia nói gì về 4.0 ở Việt Nam?

Ứng dụng 13/07/2018 17:51

Robot Sophia vừa xuất hiện ở Hà Nội với chiếc áo dài trắng và trả lời 3 câu hỏi tại Diễn đàn cấp cao về 4.0.

 

 

Robot công dân đầu tiên nói gì về 4.0 ở Việt Nam
Robot Sophia mặc áo dài trắng, dù không thể tự di chuyển, giao lưu với khán giả Việt Nam về 4.0. Ảnh: Giang Huy.

Sophia, robot đầu tiên trong lịch sử được cấp quyền công dân như con người tại một quốc gia trên thế giới, là khách mời đặc biệt của Diễn đàn cấp cao về 4.0 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày hôm nay (13/7).

Xuất hiện tại diễn đàn với chiếc áo dài màu trắng, Sophia gửi lời chào tới Việt Nam và khán giả. “Tôi là robot được thiết kế để sử dụng trí tuệ nhân tạo. Tôi muốn thế giới biết về sự phát triển bền vững, và những robot như tôi sẽ giúp mọi người đạt được thành tựu này nhanh hơn”, robot Sophia giới thiệu về mình.

Cô trả lời bằng tiếng Anh ba câu hỏi đã được chuẩn bị sẵn về những tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến Việt Nam với một giọng nói rõ ràng, truyền cảm. Dù trả lời lưu loát nhưng robot Sophia chưa thể tự di chuyển.

“Tôi là người đại diện cho kỷ nguyên 4.0, và tôi cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh sự sáng tạo về công nghệ để phát triển bền vững hơn”, Sophia trả lời khi được hỏi “Việt Nam cần có chiến lược gì để không bị tụt hậu trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0”.

Quán quân sáng tạo của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng công nghệ là một yếu tố quan trọng giúp Việt Nam có bước nhảy vọt về năng suất lao động, kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp để công nghệ mang lại lợi ích cho mọi người. Sophia đã nhắc đến khía cạnh, những chính sách cần có “sự hỗ trợ toàn diện” để công nghệ cũng mang lại lợi ích cho cả những thành phần “dễ bị tổn thương” như người ở vùng sâu, vùng xa, những người nghèo trong xã hội.

Việc “hỗ trợ toàn diện cho mọi thành phần xã hội” cũng được Sophia nhắc đến khi trả lời câu hỏi thứ hai: “Thách thức và cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang đến cho các quốc gia như Việt Nam”.

Robot này cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 luôn luôn là thách thức với vấn đề việc làm trong xã hội. Theo cô, Việt Nam cần có chính sách đảm bảo quyền lợi cho những thành phần dễ bị tổn thương từ cách mạng công nghiệp 4.0. “Để tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, con người cần phải trang bị những kỹ năng cần thiết để hòa nhập. Công nghệ giúp chúng ta có những lợi ích, mang lại sự phồn vinh và cũng là cơ hội cho người nghèo trong xã hội”, Sophia chia sẻ.

Tuy nhiên, ở khía cạnh ngược lại, Sophia cho rằng việc làm cũng sẽ là cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

“Việt Nam là mô hình đi đầu về công nghệ và điều này cũng mang lại nhiều việc làm hơn. Ví dụ, sự phát triển của điện thoại thông minh, nhờ công nghệ này mà chúng ta có thể thay thế taxi bằng những ứng dụng như Uber hay Grab. Công nghệ cũng giúp con người thực hiện tác vụ nguy hiểm, những ca phẫu thuật khó, hỗ trợ trẻ em trong điều kiện khó khăn…” Sophia nói. Cô tin rằng, công nghệ sẽ mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ở câu hỏi cuối cùng về những thách thức và cơ hội cho thế hệ trẻ trong cách mạng công nghiệp 4.0, Sophia nói: “Thế hệ trẻ cần được trang bị những kỹ năng cần thiết để sẵn sàng với những thách thức trong thời kỳ mới. Chúng ta không thể đạt được mục tiêu nếu những người trẻ tuổi bị bỏ lại phía sau”, Sophia nói. Cô cho rằng Việt Nam phải liên tục tiến lên, trang bị những kỹ năng mới, tìm ra những công nghệ mới.

“Chính phủ cần xác định những ưu tiên trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những định hướng rõ ràng. Chính phủ cần làm việc với các thành phần tư nhân để từ đó giải quyết nút thắt cho tăng trưởng và phát triển ở Việt Nam”, Sophia kết luận.

Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 và Diễn đàn cấp cao Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là sự kiện về 4.0 đầu tiên của Việt Nam có sự phối hợp giữa Chính phủ và Ban Kinh tế trung ương. Sự kiện sẽ gồm một phiên Diễn đàn cấp cao, cùng 5 hội thảo chuyên đề đi sâu vào từng lĩnh vực cụ thể như đô thị thông minh, sản xuất thông minh, bước tiến trong ngành tài chính - ngân hàng, hay những giải pháp cho nông nghiệp thông minh.

Diễn đàn cấp cao vào sáng nay có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình ở vai trò chủ trì. Diễn đàn sẽ nghe ba báo cáo từ Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, đại diện của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và đại diện từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), trước khi bước sang phiên đối thoại chính sách.

Với sự tham gia của diễn giả đến từ các tổ chức quốc tế như WEF, UNIDO, World Bank, các chuyên gia cấp cao về AI cùng các Bộ trưởng từ những Bộ có liên quan, phiên đối thoại chính sách được kỳ vọng sẽ là cầu nối giúp đưa ra những định hướng quan trọng để Việt Nam chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngoài ra, sự kiện còn có 5 hội thảo chuyên đề về những lĩnh vực cụ thể chịu ảnh hưởng từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Với những phiên thảo luận này, không chỉ có các ý kiến của chuyên gia, lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan mà còn có sự đóng góp của những doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này.

Đó là Viettel, FPT, Schneider Electrics trong phiên thảo luận về đô thị thông minh; Bosch, VinFast, Siemens về sản xuất thông minh; Samsung, CA Technologies, VinaCapital trong phiên thảo luận về tài chính - ngân hàng...

Ý kiến của bạn

Bình luận