Hoạt động của xe ba bánh, xe tự chế đang gây ra nhiều hệ lụy, trở thành nỗi ám ảnh cho người tham gia giao thông tại Hà Nội. |
Nở rộ “máy chém” lưu thông
Sau một thời gian hoạt động, rồi bị hạn chế trong một thời gian ngắn, thời gian gần đây trên nhiều tuyến phố của Hà Nội, tình trạng xe ba gác, xe tự chế giả danh xe thương binh lại hoạt động trở lại. Theo quan sát, hầu hết những xe này rất thô sơ, cũ kỹ nhưng chất đồ cồng kềnh và chở vật liệu xây dựng sắc như kính, sắt, thép... gây tắc nghẽn giao thông.
Đặc biệt, nhắc đến tai nạn liên quan tới xe ba bánh tự chế, nhiều người vẫn còn nhớ đến việc xảy ra vào ngày 23/9/2016, khi chiếc xích lô chở tôn sắt di chuyển trên phố Tân Mai, Hà Nội đã gây ra tai nạn thương tâm cho cháu bé 9 tuổi, khiến cháu bé bị tử vong.
Sau đó 2 ngày, một vụ việc tương tự cũng xảy ra trên địa bàn huyện Chương Mỹ (Hà Nội), khi một xe ba gác chở tôn đi đến, bất ngờ dây chun buộc tôn bị tuột nên miếng tôn trên xe rơi xuống quẹt ngang cổ một người phụ nữ 66 tuổi đang đi đường. Vụ việc khiến nữ nạn nhân bị tử vong ngay sau đó.
Đó chỉ là hai trong vô số vụ tai nạn có liên quan tới xe ba bánh, xe tự chế xảy ra trên khắp cả nước. Bất chấp nhiều nguy hiểm là vậy, nhưng tình trạng chở tôn, sắt, vật sắc nhọn trên xe ba bánh, xe tự chế này vẫn tái diễn.
Ghi nhận của Tạp chí GTVT sáng 1/7 trên tuyến quốc lộ 21B (huyện Thanh Oai, Hà Nội), những chiếc xe ô tô “cũ nát”, kéo theo một chiếc xe lôi tự chế, chất đầy sắt thép, cao ngang đầu người, từ trung tâm thị trấn Kim Bài (Thanh Oai) hướng đi quận Hà Đông. Do xe chở hàng quá nặng, tài xế ì ạch trên đường, liên tục dùng tay cảnh báo các phương tiện phía sau giữ khoảng cách để đảm bảo an toàn.
Chị Trần Thị Phương trú tại thị trấn Kim Bài cho biết: “Cách đây khoảng 1 năm, khi điều khiển ôtô qua khu vực ngã nhà máy bia Kim Bài, tôi đã bị chiếc xe kéo chở theo sắt thép lưu thông cùng chiều quệt vào phía bên phải xe, gây xước móp nhiều vị trí. Sau vụ việc đó, phải sơn sửa lại xe hết gần 5 triệu đồng. Từ sau sự việc này, mỗi khi thấy xe kéo lưu thông trên đường là tôi lại cảm thấy bất an”. Có lẽ, nỗi lo lắng của chị Phương cũng là tâm lý chung của không ít người tham gia giao thông khi gặp xe tự chế, xe lôi, xe kéo ngênh ngang trên quốc lộ 21B.
Một hành vi chở sắt quá khổ, gây mất ATGT, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn được PV Tạp chí GTVT ghi nhận trên đường Láng (Q. Đống Đa, Hà Nội). |
Tương tự, sáng cùng ngày, trên đường Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân) có rất nhiều cửa hàng vật liệu sắt thép. Theo đó, một đội xe ba gác, tự chế hùng hậu luôn túc trực tại khu vực chở hàng đi giao.
Qua quan sát, lúc 9h, tại cửa hàng sắt thép Duy Hiền (khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân) mỗi khi có khách mua hàng, chiếc xe ba gác, xe lôi kéo tự chế liền xuất hiện và đậu ngay dưới lòng đường, nhân viên cửa hàng bốc những thanh thép dài gần 10m đưa lên xe. Đầu thanh sắt nhọn chĩa ra trông ớn lạnh, khiến nhiều người lưu thông phương tiện qua đây phải tránh xa.
Chỉ hơn 30 phút quan sát cũng tại địa chỉ này, phóng viên đã ghi nhận có 4 trường hợp chở sắt thép dài cồng kềnh, không che chắn và cảnh báo nguy hiểm, thản nhiên lao vun vút trên đường, xem thường sự an toàn những người xung quanh.
Tại đường Trường Chinh giao cắt với Láng (Q. Đống Đa), PV phát hiện một số xe máy được chế thêm xe thùng phía trước hoặc phía sau để vận chuyển sắt. Một trong những chiếc xe đó ngang nhiên di chuyển sang đường mà không có bất kỳ hiệu lệnh nào. Những thanh sắt được ràng dây lỏng lẻo, có thể đổ xuống bất cứ lúc nào.
Bà Lê Thị Hải (trú tại phường Ngã Tư Sở, Q. Đống Đa) chia sẻ với PV: “Hằng ngày, tôi thấy rất nhiều xe ba bánh chở hàng chục thanh sắt dài khoảng 5 m phóng nhanh, vượt ẩu lưu thông trên đường. Chiếc xe cũ kỹ, mục nát không còn đảm bảo an toàn nhưng lúc nào cũng chất đầy hàng hóa, thật nguy hiểm”.
Tại đường Nguyễn Hữu Thọ (Hoàng Mai), xe tự chế chở những tấm tôn dài hàng chục mét hoành hành trên đường. |
Tình trạng này tiếp tục diễn ra trên đường Nguyễn Hữu Thọ (Q. Hoàng Mai), xe kéo tự chế ngang nhiên di chuyển với sự hỗ trợ của người đi xe máy đẩy bằng chân.
Ngoài ra, trên tuyến đường Đại Cồ Việt (Q. Hai Bà Trưng) đông đúc, xe máy tự chế chở những thanh nhôm kim loại sắc nhọn nhưng không được che chắn bao bọc. Điều đáng nói, các phương tiện tự chế này đều có sự hỗ trợ của xe máy đẩy chân bên cạnh, di chuyển với tốc độ khá nhanh, vừa đi vừa hô cảnh báo nguy hiểm cho các phương tiện khác.
Khó xử lý?
Theo thống kê của Công an TP Hà Nội, hiện Hà Nội còn khoảng gần 6 nghìn xe ba bánh tự sản xuất, lắp ráp. Cụ thể, trên địa bàn thành phố hiện có 1.316 người có hộ khẩu thường trú là thương, bệnh binh và người khuyết tật sử dụng xe 3 bánh tham gia giao thông, vận chuyển hàng hóa (trong đó có 964 thương binh, 103 bệnh binh và 249 người khuyết tật). Số còn lại đều là xe tự chế, xe giả thương binh. Đó là chưa kể con số thống kê chỉ mới phản ảnh phần nào, trên thực tế số lượng xe ba bánh tự chế có thể nhiều hơn.
Hàng năm, Ban ATGT thành phố cũng có rất nhiều văn bản gửi các cơ quan chức năng, đưa ra nhiều giải pháp, tuyên truyền đến tận người dân, nhưng thực tế việc xử lý rất khó.
Đặc biệt, Phòng CSGT Hà Nội đã nhiều lần mở đợt cao điểm xử phạt người điều khiển xe tự chế, nhưng hết thời gian cao điểm, đâu lại vào đấy khi nhiều xe tự chế vẫn tiếp tục lưu thông trên các tuyến đường...
Xe tự chế chở vật liệu sắc nhọn, khiến người dân ngao ngán khi tham gia giao thông cũng những loại phương tiện mất an toàn này. |
Ông Vũ Hà , Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, thành phố đang xem xét dừng hoạt động xe xích lô, xe ba bánh kinh doanh dịch vụ chở hàng, chở người trên địa bàn thành phố. Còn xe ba bánh phục vụ đi lại của thương, bệnh binh và người khuyết tật khi tham gia giao thông phải được đăng ký, đề xuất quy định về tiêu chuẩn đăng kiểm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Do đó, Hà Nội đang triển khai việc xây dựng cơ chế hỗ trợ chuyển việc làm đảm bảo đời sống đối với thương binh có xe ba bánh kinh doanh dịch vụ chở hàng, chở người đang hoạt động. Đồng thời đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về quản lý, thu hồi đối với xe mô tô, xe gắn máy để đảm bảo an toàn giao thông và giảm ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng công an tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp sử dụng xe 3 bánh vi phạm quy định trên địa bàn thành phố; Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Công Thương và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện quyết liệt, liên tục trong việc kiểm tra, xử lý người điều khiển xe 3 bánh vi phạm chở người, chở hàng “cồng kênh”, chở hàng “quá khổ” khi tham gia giao thông; Kiên quyết xử lý theo quy định đối với các đối tượng đóng giả thương binh; Thường xuyên rà soát, kiểm tra xử lý nghiêm các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải tạo, lắp ráp phương tiện xe 3, 4 bánh trái quy định. Tổ chức dán logo cho 30 xe 3 bánh đã đăng ký, được phép lưu hành để phục vụ nhu cầu đi lại cho thương binh.
Trước đó, UBND TP Hà Nội cũng đã nhiều lần quyết tâm chấn chỉnh, nhưng hoạt động của xe ba bánh với thực trạng chở hàng cồng kềnh, mất an toàn giao thông và gần như không tuân thủ luật lệ giao thông vẫn diễn ra trên đường phố Hà Nội. Thực tế từ Hà Nội cho thấy, câu hỏi bao giờ quản được xe ba bánh và giải pháp nào để xử lý vấn đề này vẫn chưa thể có câu trả lời?.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.