Sắc xuân trên thánh địa sâm Ngọc Linh

Tác giả: Tôn bảo

saosaosaosaosao
Xã hội 17/02/2018 07:37

Trong không khí se lạnh của mùa xuân ở vùng đất được mệnh danh là thánh địa của loài sâm quý Ngọc Linh, người dân tộc Xê Đăng đang lâng lâng trong hơi men rượu cần, đung đưa theo nhịp cồng chiêng, cùng nhau tận hưởng niềm vui sau một năm làm lụng vất vả.

 

2 (1)

Sâm Ngọc Linh đem lại cuộc sống ấm no cho đồng bào dân tộcXê Đăng, tỉnh Kon Tum

 Sâm quý đem lại những mùa xuân thêm vui

Xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông nằm cách trung tâm TP. Kon Tum gần 100km. Toàn xã có 6 làng của đồng bào dân tộc Xê Đăng nằm gọn trong thung lũng được bao quanh bởi hệ thống các ngọn núi thuộc dãy Ngọc Linh. Những ngày đầu xuân, người Xê Đăng ở xứ nhân sâm quý này luôn lâng lâng men say của lễ hội. Họ ăn mừng sau một năm lúa thóc đầy bồ, sâm bán cháy hàng. Trong những ngày này, người Xê Đăng nay ở nhà này, mai ở nhà khác, ngày ở làng này, đêm sang làng khác, dự lễ ở mọi nhà, ở nhiều làng.

Những năm gần đây, người Xê Đăng ở huyện Tu Mơ Rông có cuộc sống khấm khá hơn nhiều nhờ cây sâm Ngọc Linh. Những ngôi làng có địa hình cao hơn mặt nước biển, có nơi lên đến 1.500m giờ đã có đầy đủ hệ thống điện, đường, trường, trạm. Con em của các hộ dân đã có thể tung tăng đến trường mà không phải nghĩ đến ăn cái gì để cho no cái bụng.

Nói về cây sâm quý mang lại cho người Xê Đăng những mùa xuân ấm no, ông A Lai - Trưởng bản Chung Tam, xã Măng Ri hồ hởi: “Trước đây trên núi Ngọc Linh, sâm Ngọc Linh mọc dày thành từng đám dưới tán rừng, nhất là dọc theo các dòng suối ẩm ướt, khu vực mặt đất có nhiều mùn của lá rừng.

Trước đây, người Xê Đăng dùng sâm Ngọc Linh như một loại thuốc để cầm máu, chữa lành vết thương, làm thuốc bổ để chữa sốt rét, đau bụng… Thời chiến tranh, bà con trong bản đã chỉ cho bộ đội cây sâm Ngọc Linh, sau đó bộ đội dùng sâm sắc thành thuốc uống để chữa trị bệnh sốt rét và một số bệnh khác.

“Giờ do giá trị quá lớn, nhiều thời điểm còn đắt hơn cả nhân sâm Hàn Quốc nên sâm tự nhiên gần như cạn kiệt. Trước đây đi rừng, lên các đỉnh núi có độ cao khoảng 1.500m, người dân có thể tìm được cả bao tải về phơi khô, sắc nước uống. Những năm gần đây, đi rừng cả mấy ngày trời cũng không tìm thấy, tìm được thì chỉ được mấy củ nhỏ mà thôi. Hiện tại, sâm trồng là chủ yếu, nói là sâm trồng nhưng giá trị kinh tế cũng rất cao. Nhờ trồng sâm Ngọc Linh mà đời sống kinh tế đã thay đổi hẳn”, ông A Lai cho biết thêm.

Trồng sâm trên “đỉnh trời”

Can-Wine2
 


Hiện tại, toàn huyện Tu Mơ Rông đã trồng được 178,8 ha sâm Ngọc Linh, trong đó diện tích do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Tô trồng là 7,84 ha, doanh nghiệp tư nhân trồng 169 ha, số còn lại đều được các hộ dân sống tại đây tự trồng. Sâm Ngọc Linh là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước giúp đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương thoát nghèo và có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Ngoài sâm Ngọc Linh, chính quyền huyện Tu Mơ Rông đã phát triển trồng mới cây sâm dây (Hồng Đẳng Sâm) thêm khoảng 25 ha bằng nguồn vốn hỗ trợ sự nghiệp 30 ha. Tuy nhiên, nhiều hộ dân đã tự gieo trồng, không cần đến nguồn vốn hỗ trợ của chính quyền, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bà Y H’Lạng - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Măng Ri là người đầu tiên mang giống sâm dây gieo trồng hồ hởi cho biết: Hiện gia đình bà đang trồng gần 2 ha sâm dây, mỗi kg sâm dây tươi có giá bán 70 - 100 ngàn và 550 ngàn đối với sâm dây khô. Sâm dây có thể trồng xen kẽ cùng các loại cây khác nên một diện tích có thể trồng hai loại cây. Sâm dây được trồng bằng hạt hoặc củ, rất dễ trồng, thời gian từ lúc trồng tới khi thu hoạch khoảng 3 năm. Đặc biệt, sâm dây không có mùa, có thể thu hoạch bất cứ khi nào.

“Ngoài nguồn thu từ củ sâm, năm ngoái nhà mình bán được gần 2 tạ quả với giá 300 ngàn/kg cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để làm giống. Với số tiền kiếm được, mình có thể lo cho cả gia đình, trong đó có hai đứa con, một đang học đại học và một đang học lớp 12”, bà H’Lạng tâm sự.

Anh Huỳnh Văn Chiến - người chuyên bán các loại sâm dây và sâm Ngọc Linh trồng tại khu vực cho biết: “Những ngày cuối năm sâm bán rất đắt hàng. Khách thường đến mua sâm ở đây về ngâm rượu, vui 3 ngày Tết. Chỉ cần có bình rượu sâm Ngọc Linh trong ngày Tết là giá trị lắm. Sâm Ngọc Linh trồng tùy theo năm tuổi, nhưng giá của nó không hề rẻ chút nào, bèo bèo cả chục triệu đồng/kg. Hi vọng, sâm Ngọc Linh sau khi được bảo tồn và trồng nhiều, những người làm ăn như chúng tôi sẽ kinh doanh phát đạt hơn nữa…”

Ý kiến của bạn

Bình luận