Sai lầm thường mắc khi lần đầu đến vùng băng tuyết

Du lịch 03/02/2018 19:46

Bạn không nên chỉ chú trọng đồ giữ ấm mà quên đi khả năng chống ngấm, chống gió cho quần áo, giày, mũ...

Nếu đi "săn" tuyết ở vùng núi Tây Bắc hay ra nước ngoài, bạn cần chú ý những điều sau để không mắc sai lầm.

Đi giày vải, ma sát kém

DSC-3193-ok-3646-1517566525
Mùa đông tuyết trắng ở vùng Tây Á. Ảnh: Hoài Phong.

Lần đầu ngắm tuyết, bạn rất có thể sa đà vào việc chọn các loại giày thời trang mà quên mất ưu tiên chống chọi với thời tiết. Ngoài đảm bảo đủ ấm, một đôi giày phù hợp cần chống thấm và trượt. Nếu đi giày vải, nỉ... tuyết bám vào giày sẽ tan khi bạn đi vào chỗ ấm hơn và ngấm nước. Băng tuyết rơi xuống khiến mặt đường trở nên trơn trượt, giày ma sát tốt sẽ giúp bạn di chuyển thuận lợi. Do đó, lựa chọn cho bạn là các loại giày da, bốt cao su, ủng đi mưa... hoặc giày đi tuyết chuyên dụng.

Chỉ chú tâm vào áo khoác ngoài

Một chiếc áo khoác dày dặn, chống gió thường xuất hiện đầu tiên khi bạn xếp đồ để lên đường. Nhưng bạn không nên bỏ qua công dụng giữ ấm hiệu quả của những chiếc áo ôm sát, mỏng hơn. Mặc 2-3 lớp áo mỏng có thể đủ ấm tương đương một chiếc áo khoác trung bình. Bạn có thể dán miếng giữ nhiệt ngoài lớp áo trong cùng để ấm hơn.

Với áo khoác ngoài, bạn nên chọn cả loại chống thấm, tránh tuyết tan ngấm vào trong. Tốt nhất là loại áo 3 lớp, vữa giữ ấm, vừa cản gió, chống ngấm. Để chụp ảnh nổi giữa màu tuyết, bạn chọn áo màu sặc sỡ như cam, đỏ... thay vì màu trắng hoặc xám, đen. Bạn cũng quên mang theo mũ, khăn, khẩu trang, găng tay...

Đi tuyết chỉ cần lái xe chậm và chắc

Tại những nơi băng giá hoặc tuyết rơi dày đặc, đường dốc trơn trượt, xe cần loại lốp chuyên dụng để bám đường, thậm chí còn có loại gắn xích. Với xe có lốp bình thường, tài xế phải tùy điều kiện mặt đường để quyết định đi tiếp hay không. Nếu mặt đường đóng băng, bạn có thể rải muối để băng tuyết tan nhanh, tránh trơn trượt. Khi lưu thông, lái xe chậm, kiểm soát tốc độ rất cần thiết.

DSC-3574-ok-6026-1517566525
Các công nhân rải muối để làm tan băng giúp xe cộ đi lại dễ dàng. Ảnh: Hoài Phong.

Chủ quan pin điện thoại

Bạn nên sạc đầy pin hoặc chuẩn bị sẵn năng lượng dự phòng, bởi điện thoại sẽ sụt pin nhanh chóng khi đến nơi nhiệt độ thấp. Với một số loại cảm ứng, điện thoại còn không hoạt động khi lạnh 0 độ C. Dù đây là hiện tượng tạm thời, bạn có thể bỏ qua khoảnh khắc chụp hình với băng tuyết. Để hạn chế, bạn cũng hãy "giữ ấm" cho điện thoại bằng cách luôn để trong túi quần, áo, bên người và có vỏ bọc.

Uống rượu để tránh giảm thân nhiệt

Nhiều người truyền tai nhau uống chút rượu để giữ ấm cho cơ thể. Nhưng theo các nhà khoa học, rượu không khiến cơ thể người ấm lên mà ngược lại làm hạ thân nhiệt, gây nguy hiểm cho người uống nhiều rượu. Rượu làm cho các mạch máu dưới da nở ra. Thông thường mạch máu co lại ở nhiệt độ thấp hơn để vận chuyển máu đến những cơ quan quan trọng. Rượu làm đảo ngược quá trình trên, thậm chí có thể gây ra một số tác hại nghiêm trọng.

DSC-3454-ok-9312-1517566525
Một cốc trà hoặc cà phê ấm nóng sẽ tốt hơn rượu. Ảnh: Hoài Phong.

Trời lạnh uống ít nước

Không chỉ trời nắng mà khi lạnh, cơ thể cũng dễ mất nước và dẫn đến khô da, khô miệng. Bạn nên mang theo một bình nước ấm để uống bất cứ lúc nào. Chú ý uống từng ngụm để cơ thể hấp thụ và không cảm thấy khát. Nhiệt độ thấp cũng khiến cơ thể đói nhanh hơn. Một chút lương khô, đồ ăn vặt sẽ giúp bạn lấy lại năng lượng cho hành trình khám phá.

Phớt lờ các cảnh báo

Sự háo hứng trước khung cảnh tuyết trắng có thể khiến bạn bỏ qua những lời khuyên, cảnh báo tưởng chừng rất nhỏ. Nhưng nhiều sự cố liên quan đến tuyết thường xảy ra bất ngờ, khó dự đoán. Do đó, trước khi đi bạn hãy chú ý dự báo thời tiết. Đến những nơi có băng tuyết cần tham khảo chỉ dẫn của chính quyền địa phương hoặc những người có kinh nghiệm. Tuyệt đối không "phá rào" khi có cảnh báo nguy hiểm. Nếu có dấu hiệu nguy hiểm như sạt lở, tuyết rơi dày che khuất tầm nhìn... bạn nên dừng hành trình hoặc quay đầu đến nơi an toàn. Hãy lưu các số cứu hộ trong tình huống cần giúp đỡ.

Ý kiến của bạn

Bình luận