Cổ đông đang đặt ra nhiều câu hỏi về việc cơ cấu tập đoàn có gì thay đổi hay không. |
Cuộc họp vào hôm 24/3 bỏ phiếu về các tình trạng tài chính của công ty và cơ chế đãi ngộ, thu nhập của các giám đốc tập đoàn. Tuy nhiên, cuộc họp hàng năm sẽ là cơ hội để đặt ra cho ban lãnh đạo Samsung câu hỏi về việc có nên tách tập đoàn điện tử thành một công ty cổ phần riêng hay không.
Samsung bắt đầu xem xét lại cơ cấu công ty hồi tháng 11 năm ngoái sau khi một cổ đông lớn là Paul Elliott Singer thúc giục phải có thêm các thành viên độc lập, các cổ tức đặc biệt và phải chia tách công ty.
Tuy nhiên, sau đó Lee bị bắt giam trong scandal quyền lực lớn của cả nước, bị cáo buộc hối lộ và tham ô. Nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới vướng vào tình hình bất ổn, nhiều câu hỏi được đặt ra, song theo Heo Pil-seok, CEO hãng quản lý tài sản Midas International Asset Management, sẽ không có bất ngờ gì xảy ra.
"Với việc Lee bị bắt, Samsung có thể sẽ không đi đến một quyết định bất ngờ như chuyển đổi thành một công ty cổ phần ngay lập tức", Heo nói. "Tuy vậy, các cổ đông có thể lên tiếng, để giải tỏa bất cứ gì họ đang băn khoăn".
Lee, 48 tuổi, đã bị bắt từ tháng 2/2017, phủ nhận mọi cáo buộc. Phiên tòa xét xử ông bắt đầu vào 9/3 và phiên tòa thứ hai đang được tổ chức. Dự kiến, vụ việc sẽ có kết luận cuối cùng vào tháng Năm.
Theo Bloomberg, thậm chí khi Samsung đang bị bủa vậy bởi nhiều scandal, trong đó có cả vụ thu hồi smartphone Note 7 năm ngoái, cổ phiếu công ty vẫn được giao dịch ở mức gần kỷ lục. Cổ phiếu của hãng đã tăng hơn 25% kể từ tháng 11/2016.
Hồi năm 2015, Elliott đã không thể ngăn được vụ sáp nhập 2 chi nhánh Cheil Industries và Samsung C&T, vụ sáp nhập này giúp củng cố quyền lực của Lee đối với toàn bộ tập đoàn Samsung do ông nội của Lee tạo lập nên.
Elliott hiện vẫn nắm giữ một số lượng cổ phần trong Samsung, và không tiết lộ lượng cổ phần đó là bao nhiêu.
Tuần trước, Samsung lại khẳng định họ đang thực hiện cuộc "đánh giá kỹ lưỡng về cấu trúc tập đoàn, bao gồm cả khả năng có thể thiết lập một công ty cổ phần". Cổ phiếu các chi nhánh Samsung tăng vọt sau khi có những báo cáo trong đó giám đốc tài chính Lee Sang-hoon nói công ty đang xem xét trở thành một công ty cổ phần.
Ngoài việc Jay Y. Lee bị bắt, mọi người còn quan tâm đến một vấn đề khác của Samsung, đó là Samsung sẽ xây dựng lại thương hiệu như thế nào sau vụ nổ Galaxy Note 7.
Vấn đề về Samsung rất thu hút công chúng, về mối quan hệ gần gũi của Samsung với chính phủ, về tập đoàn "gia đình trị" lớn của Hàn Quốc.
Đầu tháng này, nhiều thành viên chính phủ đã đồng ý sẽ thúc đẩy những cải tổ, gây khó khăn cho các công ty cổ phần mua lại cổ phiếu để nắm quyền điều hành chính tập đoàn của họ. Biện pháp này có thể tác động đến Samsung, đến việc hãng có nên quyết định áp dụng một cấu trúc lãnh đạo mới.
"Việc Lee bị bắt là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với Samsung, cần có những hình thức, hoạt động minh bạch để mang đến những thay đổi tốt cho quản trị tập đoàn", Ryu Young-jae, người đứng đầu một công ty cố vấn đầu tư ở Seoul, nói. "Trong cuộc họp cổ đông này, Samsung có cơ hội để trình bày trước các cổ đông và để chứng tỏ cam kết sẽ đẩy lùi những hành vi khiến công ty không đạt được những giá trị mà họ xứng đáng được hưởng".
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.