Sân bay quân sự Thành Sơn, Biên Hòa có tiềm năng khai thác hàng không dân dụng như thế nào?

Tác giả: Minh Thành

saosaosaosaosao
Hàng không 22/02/2023 08:58

Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể quốc gia, chỉ đạo của Thủ tướng, ý kiến của Bộ Quốc phòng và để tận dụng quỹ đất, cơ sở hạ tầng sẵn có của sân bay quân sự, Bộ GTVT vừa kiến nghị đưa sân bay Biên Hòa, Thành Sơn vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK, sân bay toàn quốc giai đoạn đến 2030.

Ninh Thuận - ngã ba vùng trọng điểm du lịch quốc gia

Đánh giá khả năng khai thác hàng không dân dụng tại sân bay quân sự Thành Sơn (Ninh Thuận), Bộ GTVT cho biết, Ninh Thuận nằm trên ngã ba nối liền vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; là ngã ba vùng trọng điểm du lịch quốc gia Đà Lạt - Phan Rang - Nha Trang - Mũi Né.

Sân bay quân sự Thành Sơn, Biên Hòa có tiềm năng khai thác hàng không dân dụng như thế nào?

 - Ảnh 1.

Sân bay quân sự Thành Sơn. Ảnh: PLO.VN

Trong những năm vừa qua, tỉnh Ninh Thuận đã có những bước phát triển mạnh mẽ ở tất cả các mặt kinh tế - xã hội nhưng quy mô nền kinh tế của tỉnh vẫn còn nhỏ, mức phát triển của hầu hết các ngành vẫn còn thấp. GRDP của tỉnh năm 2020 đạt 35,1 nghìn tỷ (giá hiện hành), xếp thứ 57/63 tỉnh thành của cả nước. Tỉnh Ninh Thuận được đánh giá có tiềm năng và dư địa lớn trong các lĩnh vực du lịch, giao thông vận tải, công nghiệp năng lượng, chế biến thuỷ hải sản…

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ký công đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, sớm chấp thuận bổ sung quy hoạch cảng hàng không Thành Sơn trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm sớm đưa Sân bay vào khai thác, tạo động lực giúp tỉnh này hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

UBND tỉnh Ninh Thuận đang triển khai quy hoạch của tỉnh, theo đó tỉnh đã quy hoạch và tập trung phát triển thành trung tâm du lịch của khu vực miền Trung. Định hướng đến năm 2030, sản lượng khách du lịch đạt khoảng 6,0 triệu khách; tầm nhìn đến năm 2050 thì sản lượng khách du lịch có thể đạt khoảng 10-15 triệu khách.

Với quy mô dân số và kinh tế của Ninh Thuận, nhu cầu vận tải hàng không ước tính theo Quy hoạch hệ thống CHK đến năm 2030 đạt khoảng 350.000 - 370.000 hành khách/năm, tầm nhìn đến năm 2050 khoảng 800.000 hành khách/năm.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, mặc dù địa hình xung quanh khu vực sân bay là đồi núi, tuy nhiên việc khai thác máy bay hàng không dân dụng (HKDD) cất hạ cánh tại sân bay Thành Sơn là khả thi về thiết kế phương thức bay, bảo đảm tiêu chuẩn vượt chướng ngại vật.

Về hình thức đầu tư, Bộ GTVT kiến nghị giao UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức lập đề án đánh giá tính khả thi, hiệu quả, đảm bảo huy động được nguồn vốn để đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao là cơ quan có thẩm quyền tổ chức nghiên cứu, thực hiện đầu tư.

Mô hình khai thác sẽ theo phương án đầu tư do UBND tỉnh Ninh Thuận lập và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó khi có nhà đầu tư thì nhà đầu tư trực tiếp đầu tư và khai thác CHK Thành Sơn (nhà đầu tư sẽ là doanh nghiệp cảng và doanh nghiệp cảng có quyền thành lập tổ chức là người khai thác cảng hàng không để khai thác CHK Thành Sơn).

Đảm bảo hiệu quả đầu tư đồng bộ giữa cụm 3 CHK: Biên Hoà, Tân Sơn Nhất, Long Thành

Với sân bay Biên Hòa (phường Tân Phong, thuộc trung tâm của thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai), một trong những cơ sở pháp lý là Nghị quyết số 24-TW/NQ ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhiệm vụ phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị đã xác định "Sớm khôi phục, nâng cấp cảng hàng không Biên Hòa - Vũng Tàu thành Lưỡng dụng cấp 4E".

Sân bay quân sự Thành Sơn, Biên Hòa có tiềm năng khai thác hàng không dân dụng như thế nào?

 - Ảnh 3.

Sân bay Biên Hòa hiện là nơi huấn luyện của Quân chủng Phòng không - Không quân. Ảnh: Phước Tuấn

Trong khi đó, đối với hệ thống giao thông bằng đường hàng không, hiện tại tỉnh Đồng Nai chưa có CHK khai thác các chuyến bay dân dụng, tuy nhiên nhiều khu vực thuộc tỉnh Đồng Nai cách CHK quốc tế Tân Sơn Nhất khoảng 30-50km và thời gian di chuyển chỉ khoảng từ 1 - 2 giờ đồng hồ. Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không của khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Quốc hội đã chấp thuận chủ trương xây dựng giai đoạn 1 của CHK quốc tế Long Thành. Đây là CHK có quy mô lớn và hiện đại nhất cả nước với mục tiêu phát triển thành trung tâm trung chuyển quốc tế của khu vực.

Về dự báo nhu cầu vận tải hàng không, trong hồ sơ Quy hoạch hệ thống CHK được Bộ GTVT tổ chức lập đã phân tích, đánh giá và xác định có nhu cầu vận chuyển hàng không dân dụng tại khu vực Biên Hòa nằm trong tổng thể nhu cầu vận tải thuộc vùng hấp dẫn của khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. Trường hợp khai thác HKDD, sân bay Biên Hoà không chỉ phục vụ cho nhu cầu vận chuyền hành khách, hàng hoá đi đến Thành phố Biên Hoà mà còn phục vụ cho một số khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận (như Bình Phước, Bình Dương).

Kết quả nghiên cứu dự báo nhu cầu vận tải hành khách hàng không (đã phân chia lưu lượng đồng bộ cùng quy hoạch hệ thống mạng đường sắt, đường bộ, đường thuỷ, hàng hải) cho riêng tỉnh Đồng Nai là khoảng 10 triệu hành khách/năm; trường hợp tính cho Thành phố Biên Hoà và các tỉnh lân cận kết nối đến sân bay Biên Hoà thì dự kiến phân bổ khai thác dân dụng tại CHK Biên Hoà ở mức 10 triệu hành khách/năm.

Sân bay Biên Hoà có vị trí thuận lợi, gần các khu dân cư lớn (cách thành phố Dĩ An - Bình Dương khoảng 20km, thành phố Thuận An - Bình Dương khoảng 30km; cách thị xã Tân Uyên - Bình Dương khoảng 30km; cách Vũng Tàu khoảng 90km; cách Bình Phước 130km; cách Thủ Dầu Một khoảng 35km và cách thành phố Thủ Đức - Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 25km). Sân bay Biên Hoà cách CHKQT Tân Sơn Nhất khoảng 25km về phía Đông Bắc (phương vị 045); cách vị trí CHKQT Long Thành khoảng 32km về phía Tây Bắc (phương vị 311).

Đánh giá khả năng khai thác HKDD, trong đó có phương thức bay, Bộ GTVT cho rằng, việc khai thác máy bay HKDD cất hạ cánh tại sân bay Biên Hòa là khả thi về thiết kế phương thức bay, bảo đảm tiêu chuẩn vượt chướng ngại vật và khả năng tiếp cận.

Về hình thức đầu tư, Bộ GTVT kiến nghị giao UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức lập đề án đánh giá tính khả thi, hiệu quả, đảm bảo huy động được nguồn vốn để đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao là cơ quan có thẩm quyền tổ chức nghiên cứu, thực hiện đầu tư. Mô hình khai thác sẽ theo phương án đầu tư do UBND tỉnh Biên Hòa lập và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó khi có nhà đầu tư thì nhà đầu tư trực tiếp đầu tư và khai thác CHK Biên Hòa (nhà đầu tư sẽ là doanh nghiệp cảng và doanh nghiệp cảng có quyền thành lập tổ chức là người khai thác cảng hàng không để khai thác CHK Biên Hòa).

Trong khi đó, liên quan đến vấn đề tác động tới CHK lân cận, theo Bộ GTVT, căn cứ kết quả dự báo nhu cầu vận tải hàng không khu vực vùng thành phố Hồ Chí Minh, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất và CHKQT Long Thành đã được quy hoạch công suất phù hợp, đáp ứng được nhu cầu theo dự báo; đặc biệt là CHK quốc tế Long Thành được quy hoạch tương đối bài bản (đáp ứng công suất 100 triệu hành khách/năm), tương tự các CHK quốc tế lớn trong khu vực.

Hiện nay các dự án đầu tư, mở rộng 2 CHK quốc tế Long Thành và Tân Sơn Nhất đang được triển khai theo quy hoạch. Trường hợp khai thác HKDD tại sân bay Biên Hòa dẫn tới làm giảm hiệu quả khai thác (do phải chia sẻ vùng trời với Biên Hòa) và hiệu quả đầu tư các dự án đang triển khai; đặc biệt là hoạt động của CHKQT Tân Sơn Nhất. Vì vậy việc sân bay Biên Hòa khai thác dân dụng cần phải nghiên cứu với quy mô phù hợp để đảm bảo sự phát triển đồng bộ, đồng thời đảm bảo hiệu quả đầu tư đồng bộ giữa cụm 03 CHK là Biên Hoà, Tân Sơn Nhất, Long Thành.

"Để có thể khai thác HKDD cần khảo sát, tính toán phương án cải tạo, nâng cấp kết cấu hệ thống sân đường khu bay, đầu tư đồng bộ hệ thống thiết bị thông tin liên lạc, dẫn đường, giám sát (radar, đèn đêm, đài VOR/DME...), đầu tư xây dựng mới khu HKDD và hạ tầng đồng bộ (nhà ga, cung cấp và bảo trì điện, nước, tập kết trang thiết bị mặt đất, khẩn nguy cứu hỏa…) tùy thuộc vào nhu cầu khai thác; cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông kết nối.

Do các công trình khu HKDD, công trình bảo đảm hoạt động bay không phải là các công trình dùng chung với quốc phòng nên để có thể triển khai các thủ tục đầu tư cần điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc phòng để bàn giao cho Tỉnh làm cơ sở triển khai đầu tư", đánh giá của Bộ GTVT nêu.

Ý kiến của bạn

Bình luận