Các hạng mục của Sân bay quốc tế Singapore Changi |
Lịch sử sân bay Changi
Trong 5 năm liên tiếp (2013 - 2017), Changi được Tổ chức Skytrax vinh danh là sân bay tốt nhất thế giới. Changi cũng là một trong những sân bay vận chuyển hàng hóa hàng đầu thế giới. Changi hiện là trung tâm hoạt động của Singapore Airlines, SilkAir, Tiger Airways, Scoot và Jetstar Asia Airways và được điều hành bởi Changi Airport Group.
Sân bay Changi được đưa vào hoạt động năm 1955 với mục đích chia sẻ lưu lượng hành khách đang có dấu hiệu gia tăng chóng mặt, khiến cho hai sân bay Seletar (sân bay chính của Singapore vào thời điểm năm 1955) và Kallang đang dần trở nên quá tải. Với sự phát triển nhanh chóng của ngành Hàng không trên toàn thế giới vào giữa thế kỷ 20 và đạt tới đỉnh điểm vào năm 1970, việc mở rộng sân bay Changi là giải pháp hữu hiệu nhất nhằm thu hút các hãng hàng không lớn nhất thế giới chọn Singapore là điểm trung chuyển tại khu vực Đông Nam Á.
Quá trình xây dựng
Về thiết kế, sau khi đưa ra quyết định xây dựng sân bay dân sự Changi, Chính phủ Singapore đã cho các nhà quan sát đến Đài Loan vào năm 1979 với mục đích tham khảo phương pháp thiết kế và xây dựng của sân bay quốc tế Taoyuan mới đưa vào hoạt động. Sau đó, Singapore chính thức sử dụng thiết kế một phòng chờ được bao phủ bởi các tuyến đường cao tốc của sân bay Taoyuan vào việc xây dựng sân bay Changi, khiến cho sân bay Changi vào thời điểm mới đi vào hoạt động có sự tương đồng với sân bay Taoyuan.
Quá trình xây dựng sân bay Changi được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tập trung vào việc hoàn thành ga hành khách quốc tế và đường băng đầu tiên. Hai đường băng song song 02L/20R và 02C/20C. 02L/20R hoàn thành năm 1981 thuộc giai đoạn 1. Hai đường băng đều được trang bị hệ thống hạ cánh có điều khiển (Instrument Landing Systems) hướng dẫn máy bay trong mọi điều kiện thời tiết.
Đi cùng với hệ thống đường băng, sân bay được thiết kế đi kèm với 45 bãi đỗ máy bay, các cơ sở vật chất và hạ tầng hỗ trợ hàng không ban đầu như khu vực bảo trì máy bay, trạm cứu hỏa, xưởng chế tạo, khu vực văn phòng và tháp điều khiển cao 80m. Sau khi giai đoạn đầu hoàn thành, giai đoạn hai được khởi công nhằm đưa thêm một đường băng nữa vào hoạt động. Đường băng 02C/20C (trước đây là 02R/20L) xây trên phần đất lấn biển thuộc giai đoạn 2, cách đường băng 02L/20R 1,64km. Bên cạnh đó, 23 sân đỗ máy bay cùng với thêm một trạm cứu hỏa sân bay cũng được đưa thêm vào quá trình hoạt động của Changi.
Trong quá trình thiết kế và xây dựng sân bay Changi, một trong những mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ Singapore là khả năng mở rộng sân bay trong tương lai nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại hàng không gia tăng và duy trì lợi thế cạnh tranh của sân bay quốc tế Changi đối với các sân bay quốc tế khác.
Ban đầu, sân bay Changi được xây dựng chỉ gồm có hai nhà ga chờ, tuy nhiên Chính phủ Singapore đã khéo léo thiết kế sân bay nhằm tạo ra diện tích để có thể mở rộng thêm một nhà ga mới. Vào năm 2008, nhà ga hành khách thứ 3 đã được đưa vào hoạt động, giúp sân bay Changi có thể đáp ứng nhu cầu đi lại của 64 triệu hành khách. Bên cạnh đó, để đáp ứng cơ sở vật chất dành cho máy bay Airbus A380 - máy bay lớn nhất thế giới vào thời điểm ra mắt, các nhà xây dựng đã tiến hành mở thêm 19 cổng bay kích thước lớn, mở rộng đường băng chờ, hệ thống vận chuyển hành lý và các tấm khiên chắn áp lực từ động cơ máy bay ra môi trường xung quanh. Việc nâng cấp trên đã giúp cho sân bay Changi trở thành sân bay đầu tiên bên ngoài khu vực châu Âu đưa máy bay A380 đi vào hoạt động. Vào năm 2017, Singapore cũng đang tiến hành đưa vào hoạt động nhà ga hành khách thứ 4 (Terminal 4).
Khai trương vận hành sân ga Jewel
Sân bay quốc tế Singapore Changi |
Được đưa vào vận hành năm 2019 với mục đích gia tăng khả năng cạnh tranh với các sân bay lớn trong khu vực, sân ga Jewel được thiết kế như một công viên nhiệt đới. Jewel được xây dựng trên diện tích 3,5 ha, bao gồm 5 tầng hầm và 5 tầng mặt đất. Jewel là sản phẩm liên doanh giữa sân bay Changi (51%) và Tập đoàn CapitaMalls Asia (49%). Dựa trên ý tưởng của kiến trúc sư trưởng Moshe Safdie, sân ga Jewel là sự kết hợp giữa tổ hợp trung tâm thương mại và công viên đô thị với một bãi đỗ xe có sức chứa lên tới 2.500 phương tiện. Trong đó, điểm lớn nhất của sân ga là thác nước xoáy HSBC Vortex có chiều dài lên tới 40m. Thung lũng nhiệt đới Shiseido - khu rừng nhiệt đới cao tới 5 tầng này với hơn 100.000 cây lớn, nhỏ, tạo nên cảnh quan yên tĩnh mà du khách có thể dành nhiều thời gian để khám phá. Với thiết kế độc nhất vô nhị, nhà ga Jewel Changi đã được trao tặng Giải thưởng Kiến trúc Quốc tế 2016 bởi Chicago Athenaeum - một bảo tàng kiến trúc và thiết kế quốc tế.
Terminal 5: Nhà ga sân bay lớn nhất thế giới
Nằm trong kế hoạch mở rộng công suất hoạt động của sân bay, nhà ga Terminal 5 sẽ được xây dựng vào năm 2050. Theo dự kiến, Terminal 5 sẽ có sức chứa lên tới 50 triệu hành khách/năm, nâng tổng sức chứa của toàn bộ sân bay Changi đến 135 triệu hành khách mỗi năm. Theo tuyên bố của Bộ trưởng Giao thông Lui Tuck Ye, nhà ga số 5 sẽ được xây dựng trên 1.080 ha đất khai hoang ở Changi East, biến nó thành một trong những nhà ga lớn nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, Terminal 5 sẽ được trang bị các hệ thống tự phục vụ tân tiến nhất thế giới dành cho hành khách. Terminal 5 cũng được trông đợi đóng góp trực tiếp 3% cho nền kinh tế đảo quốc sư tử và tạo ra khoảng 77.000 việc làm cho các ngành du lịch, bán lẻ và khách sạn. Ngoài ra, lĩnh vực tài chính cũng sẽ phụ thuộc vào sự kết nối thông suốt của sân bay Changi sau khi Terminal 5 đi vào hoạt động.
Công nghệ vận hành chuỗi cung ứng
Về khả năng vận chuyển hàng hóa, dựa trên ứng dụng của công nghệ thông tin, các hệ thống Air Cargo EDI System, hệ thống thanh toán nâng cao đối với các hàng hóa chuyển phát nhanh (ACCESS), hệ thống thanh toán điện tử và lập danh sách đơn hàng (EPIC), tốc độ vận chuyển và thanh toán đơn hàng của sân bay đã được tối ưu hóa đáng kể so với các sân bay trong khu vực. Bên cạnh đó, Hệ thống TradeNet cũng được đưa vào hoạt động nhằm giúp khách hàng có thể tiến hành khai thủ tục thông quan qua Internet và giảm thời gian xử lý hồ sơ. Hệ thống TradeNet cũng giúp sân bay Changi liên kết với hệ thống hạ tầng logistics của toàn bộ quốc đảo. Lượng hàng hóa vận chuyển qua sân bay Changi đứng hàng thứ 10 trên thế giới và thứ 5 trong khu vực châu Á
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.