Sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải nghiêm trọng |
Trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào cuối tháng 6/2016, Bí Thư thành uỷ Tp.HCM Đinh La Thăng đã phải thốt lên: "Báo cáo Thủ tướng, máy bay của Thủ tướng không bị delay (chậm) trên trời và dưới đất, nhưng người khác đi là bị hết. Hàng tuần, tôi đi ra họp ngoài Hà Nội là bay trên trời nửa tiếng và chờ dưới đất là thường xuyên, do đó vấn đề ùn tắc Tân Sơn Nhất phải xử lý ngay."
Lượng khách tăng xa so với dự báo
Ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cho biết: Với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ như hiện nay, dự kiến năm 2016, lượng hành khách đến sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đạt 31 triệu lượt và có thể cán mốc 40 triệu lượt vào năm 2018. Điều này là vượt ngưỡng xa so với hiện tại, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ hành khách và hoạt động của các hãng hàng không.
“Trong khi đó, phải đến năm 2025, dự kiến sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai) mới đưa vào khai thác giai đoạn 1. Như vậy, còn 9 năm nữa sân bay Tân Sơn Nhất mới được “chia lửa” để giảm tải. Còn hiện tại, tình trạng quá tải đã trở nên đặc biệt nghiêm trọng”, ông Bình nói.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, tình trạng tắc cả trên trời và dưới đất gây nhiều khó khăn cho hoạt động bay tại Tân Sơn Nhất. “Ví dụ như nhiều chuyến bay đã hạ cánh nhưng phải chờ trên đường lăn vì không có bãi đậu, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ hành khách và tác động dây chuyền đến những chuyến bay tiếp theo. Còn trên trời, máy bay buộc phải “lòng vòng” không thể hạ cánh vì không có chỗ đỗ. Điều này gây lãng phí hàng triệu đô không đáng có của DN”, ông Nhật nói.
Theo tìm hiểu của PV, vào tháng 10/2015, Bộ GTVT đã công bố quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo quy hoạch, sân bay có 82 vị trí đỗ máy bay, gồm 54 vị trí của hàng không dân dụng và 28 vị trí của hàng không lưỡng dụng. Nhà ga hành khách sẽ được cải tạo để đáp ứng đạt công suất 25 triệu hành khách và nhà ga hàng hóa đến năm 2030 đạt 1 triệu tấn/năm. Thế nhưng, đến thời điểm tháng 7/2016, nhu cầu về điểm đỗ tại đây đã lên tới trên 80 điểm đỗ (mới đáp ứng 50 điểm), còn hành khách đã vượt ngưỡng lên tới 31 triệu khách/năm.
Vào cuối năm 2015, Bộ Quốc phòng cũng thông tin sẵn sàng nhường 20 ha đất quốc phòng ở khu vực sân bay cho Bộ GTVT để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất nhưng đến giờ, các bước tiếp theo vẫn … “trên giấy”.
Kẹt xe trước cổng sân bay Tân Sơn Nhất |
Các hãng hàng không lo lắng
Lo lắng về vấn đề kẹt cảng hàng không Tân Sơn Nhất, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc TCT Hàng không VN (Vietnam Airlines) cho biết: "Điều này ảnh hưởng lớn tới phương án hoạt động bay của các hãng hàng không. Biết vậy, nhưng chúng tôi không thể dừng bay hay bay ít đi, trong khi đó, máy bay mới vẫn liên tục được đưa về. Còn các hãng bay quốc tế vẫn bay tới Việt Nam. Vì thế, cần sớm có sự tháo gỡ từ Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng và UBND Tp. HCM về vấn đề này."
Ông Lương Thế Phúc, Phó tổng giám đốc CTCP Hàng không Vietjet cho biết: Dù đã rất nỗ lực, nhưng tại Tân Sơn Nhất chỉ có thể thực hiện 40 chuyến/giờ. Trong khi đó, với việc phát triển tàu bay của các hãng hàng không như hiện nay thì Tân Sơn Nhất có đón 45-46 chuyến/giờ vẫn cứ ùn tắc. Vì thế, cần sớm có sự tháo gỡ từ Chính phủ, Bộ Quốc phòng, cho phép tiếp nhận một phần đất quốc phòng tại Tân Sơn Nhất để làm đường lăn và bãi đỗ.
Để giải quyết những khó khăn cho “bài toán” ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết: Phải đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, bởi phát triển hàng không là mục tiêu vĩ mô của quốc gia, trong ngoại giao, trong kinh tế thu hút đầu tư, đó là một thương hiệu, uy tín quốc gia. Các cảng hàng không chính là cửa ngõ của đất nước đón bạn bè quốc tế, vì thế, việc xây dựng các cảng hàng không hiện đại, văn minh là hết sức quan trọng.
“Riêng sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ GTVT sẽ tăng tốc tiến độ xây dựng, mở rộng nhà ga. Đồng thời, kiến nghị Bộ Quốc Phòng xem xét cho phép sử dụng một phần đất của Bộ; di dời các hoạt động bay, các đơn vị bay quốc phòng ra các sân bay như Cam Ranh, Cần Thơ, để nhường đất cho các hoạt động bay dân dụng nhằm phát triển kinh tế, theo ý kiến chỉ đạo của nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh trước đây. Về phía Tp. HCM cần tính đến các phương án giải quyết vấn đề ùn tắc tại các cửa ngõ ra, vào sân bay”, ông Nhật nói.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng đặt vấn đề: Ngoài mục tiêu phát triển kinh tế, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ là điểm nóng về an toàn, an ninh hàng không, khi mà lượng khách và máy bay quá tải như hiện nay. Vì thế, đề nghị Chính phủ có những chỉ đạo quyết liệt để sớm hoàn thành mục tiêu nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.