Sân bay Trung Quốc 12 tỷ USD và cuộc đua hàng không châu Á

Tác giả: zing

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 27/12/2019 04:59

Việc Trung Quốc khai trương sân bay Bắc Kinh Đại Hưng cho thấy cuộc đua hàng không châu Á đang ngày càng nóng bỏng.

3_yulw

Sân bay quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh có tổng đầu tư vào khoảng 12 tỷ USD, được khai trương hồi tháng 9. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Theo Nikkei Asian Review, chính quyền Trung Quốc có kế hoạch mở rộng hạ tầng hàng không đầy tham vọng. Sân bay Đại Hưng - được khai trương tại Bắc Kinh hồi tháng 9 - là biểu tượng của tham vọng đó.

Sân bay Đại Hưng Bắc Kinh có tổng đầu tư lên đến 12 tỷ USD. Sáu đường băng của cảng hàng không này sẽ được hoàn thành và đi vào hoạt động trong vài năm tới.

Khi đó, Đại Hưng Bắc Kinh sẽ vượt qua Hartsfield-Jackson Atlanta để trở thành sân bay lớn nhất thế giới. Cảng hàng không Hartsfield-Jackson Atlanta ở Atlanta (bang Georgia, Mỹ) phục vụ 107,39 triệu khách trong năm 2018.

Tham vọng hàng không của Trung Quốc

Thủ đô Trung Quốc còn có sân bay quốc tế Bắc Kinh. Trong năm 2018, cảng hàng không này phục vụ 100,98 triệu hành khách. Nikkei Asian Review cho biết sân bay Đại Hưng sẽ đóng vai trò quan trọng trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Tính đến năm 2025, sẽ có tới 46 thành phố Trung Quốc trong danh sách 200 đô thị đông dân nhất thế giới, theo McKinsey & Co.

Những thành phố như Trịnh Châu, Từ Châu, Hợp Phì và Nam Xương là trung tâm kinh doanh lớn của Trung Quốc, nhưng ít có tiếng tăm trên trường quốc tế. Dù vậy, giới chuyên gia dự đoán chúng sẽ được chú ý nhiều hơn khi thu hút lượng khách quốc tế và doanh nghiệp trong những năm tới.

Hai sân bay ở Bắc Kinh sẽ phục vụ số lượng hành khách đến và đi từ các đô thị mới nổi này.

Ngoài ra, trong chiến lược hàng không mới, Trung Quốc đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng của các hãng hàng không quan trọng. Air China China Southern Airlines và China Eastern Airlines được kỳ vọng trở thành các “siêu hãng hàng không”, tương tự như Delta Air Lines, American Airlines và United Airlines của Mỹ.

daihung_deps.

Với Đại Hưng, thành phố Bắc Kinh của Trung Quốc có 2 sân bay quy mô lớn. Ảnh: AFP. 

Theo giới quan sát, sự phát triển của 3 hãng hàng không Trung Quốc chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các sân bay và hãng hàng không Nhật Bản.

Chẳng hạn, du khách quốc tế từ một số thành phố nhỏ ở Nhật Bản sẽ lựa chọn các chuyến bay giá rẻ trung chuyển qua Bắc Kinh để đến châu Âu, Mỹ và Đông Nam Á. 

Điều này có nghĩa là các sân bay nhỏ ở Nhật Bản sẽ hội nhập vào mạng lưới cảng hàng không quốc tế có sự tham gia của hai sân bay Bắc Kinh. Khi đó, sân bay Haneda và Narita sẽ đánh mất một số lượng đáng kể hành khách.

Cuộc đua tăng nhiệt

Nikkei Asian Review nhận định tại châu Á, cuộc đua hàng không chắc chắn sẽ tăng nhiệt dữ dội. Hàng loạt đô thị lớn trong khu vực - bao gồm Manila (Philippines), Singapore và Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) - đang xây dựng sân bay mới hoặc nâng cấp các cảng hàng không cũ.

Theo thống kê của Boeing, tính đến năm 2030, có tổng cộng 17 sân bay quốc tế mới sẽ mở cửa tại châu Á và 17 sân bay xây dựng thêm đường băng. Sức chứa của các sân bay châu Á sẽ gia tăng với tốc độ chóng mặt.

Lợi ích kinh tế của sự phát triển vũ bão này sẽ không tập trung vào bất cứ quốc gia riêng lẻ nào, ngay cả đối với Trung Quốc.

Châu Á hiện sở hữu tới 60% dân số toàn cầu. Nhật Bản và Singapore là hai quốc gia có hộ chiếu quyền lực nhất thế giới, cho phép công dân được miễn thị thực hoặc nhận thị thực tại chỗ ở 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo Henley Passport Index.

Hàn Quốc đứng thứ hai với việc công dân có thể dễ dàng đến 188 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhờ vậy, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore có lợi thế trong việc mở rộng mạng lưới quốc tế.

Trong khi đó, Trung Quốc đứng ở vị trí 71. Vì vậy, dù có quy mô và tốc độ tăng trưởng cao, ngành hàng không Trung Quốc vẫn khó có thể thống trị bầu trời châu Á.

Ý kiến của bạn

Bình luận