Sân bay tư nhân Vân Đồn: Hiệu quả từ cách đầu tư

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Thị trường 26/05/2021 11:11

Với hạ tầng giao thông đồng bộ, sân bay Vân Đồn đã thu hút du khách, các nhà đầu tư đến với Quảng Ninh, góp phần phát triển tiềm năng du lịch và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực.


 

Cang hang khong quoc te van don
Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn

 

“Đánh thức” vùng kinh tế tiềm năng
Dự án Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Vân Đồn do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Vân Đồn - thuộc Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư với số tiền gần 7.500 tỷ đồng là sân bay tư nhân duy nhất tại Việt Nam. Dự án được chính thức đưa vào vận hành khai thác thương mại từ cuối năm 2018, sau hơn hai năm xây dựng.
Là cảng hàng không cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của ICAO), Cảng HKQT Vân Đồn có thể đón được tất cả các loại máy bay hiện đại bậc nhất trên thế giới như Boeing 787 và Airbus A320. Sân bay có 7 điểm đỗ máy bay và 4 ống lồng phục vụ hành khách di chuyển từ nhà ga lên máy bay; hệ thống đèn hiệu đường băng và sân đỗ đạt tiêu chuẩn CAT II, xuất xứ Bỉ; hệ thống trả khay tự động iLane của hãng Smiths (Đức) lần đầu tiên được lắp đặt tại Việt Nam; các phòng chờ tiện nghi... Công suất nhà ga giai đoạn 1 là 2,5 triệu hành khách/năm.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, sân bay Vân Đồn là cửa ngõ kết nối Quảng Ninh với các địa phương trong nước và với quốc tế, từ đó mở rộng các không gian kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu kinh tế Vân Đồn nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung. Đây cũng chính là động lực cho sự phát triển của tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh cũng như cả vùng Đông Bắc. Bên cạnh đó, sân bay Vân Đồn còn mang tính động lực, thu hút các nguồn vốn khác đầu tư. Với vai trò này, sân bay Vân Đồn đã sở hữu những lợi thế cạnh tranh vượt trội. Hơn nữa, mỗi sân bay đều có những sứ mệnh riêng, vừa góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại cho vùng, địa phương, vừa tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho hành khách khi tham gia loại hình vận tải bằng đường hàng không.
PGS. TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định, sân bay Vân Đồn được đầu tư và đưa vào sử dụng đã “đánh thức” tiềm năng của vùng đất nghèo nàn, hoang sơ Vân Đồn trở thành lợi thế, "đất vàng" trong con mắt các nhà đầu tư.
Tính đến cuối năm 2020, sau gần hai năm đi vào hoạt động, Cảng HKQT Vân Đồn đã phục vụ hơn 3.000 chuyến bay cất, hạ cánh an toàn, với hơn 370.000 lượt hành khách, trong đó có hơn 40.000 lượt khách quốc tế. Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, nơi đây đã được Chính phủ chọn là một trong số ít sân bay có đủ năng lực, điều kiện cơ sở vật chất đón người Việt từ các tâm dịch lớn trên thế giới về nước, đón đội ngũ chuyên gia sang Việt Nam làm việc nhằm phục hồi kinh tế.
Giá trị của sự tiên phong
Không chỉ xây nhanh kỷ lục, sân bay Vân Đồn còn là điển hình cho triết lý đặt trải nghiệm của hành khách và chất lượng dịch vụ lên hàng đầu. Bằng chứng là Giải thưởng “Sân bay mới hàng đầu thế giới 2019” và “Sân bay mới hàng đầu châu Á” do World Travel Awards (Giải thưởng du lịch thế giới) trao tặng cho sân bay Vân Đồn khi chưa tròn 1 tuổi.
Theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Ninh, tính đến hết năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng với nhiều giải pháp kích cầu hiệu quả vào những thời điểm kiểm soát tốt dịch bệnh, Quảng Ninh vẫn thu hút 8,8 triệu lượt khách, chủ yếu là khách nội địa; tổng thu từ du lịch ước đạt trên 17.000 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách ước 2.200 tỷ đồng, chiếm 6% tổng thu ngân sách nội địa, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Tập đoàn Sun Group nói chung và sân bay Vân Đồn nói riêng.
Niềm tin còn được tạo dựng bởi vai trò động lực mà dự án sân bay Vân Đồn tạo ra. Hàng tỷ USD đã “chảy” về Vân Đồn chỉ trong thời gian ngắn, với những dự án tầm cỡ của các nhà đầu tư lớn - những cái tên mà chỉ cần nhắc đến, nhiều địa phương khác “ước mong” như Vingroup, CEO Group, FLC... Đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, sân bay Vân Đồn đã rút ngắn mọi khoảng cách, góp phần không nhỏ vào con số tăng trưởng kỷ lục của du lịch Quảng Ninh năm 2019, với 14 triệu lượt khách.
Không chỉ góp phần khơi thông dòng vốn đầu tư khổng lồ trong nhiều lĩnh vực, sân bay Vân Đồn còn mở ra cơ hội phát triển mạnh lĩnh vực phi hàng không. Như ông Phạm Ngọc Sáu - Giám đốc CHK quốc tế Vân Đồn chia sẻ: “Với Vân Đồn, chúng tôi tìm cơ hội phát triển sân bay như một thành phố sân bay với nhiều khu vực phụ trợ, dịch vụ phi hàng không. Các sân bay Việt Nam có tỷ lệ lợi nhuận phi hàng không chỉ 3%, trong khi đó con số này tại Hàn Quốc là 60%”.Những ý nghĩa, giá trị kinh tế mang lại cho địa phương mới chính là “cái lãi” lớn nhất của Quảng Ninh khi giao sân bay Vân Đồn cho tư nhân đầu tư.

Ý kiến của bạn

Bình luận